Nguy cơ bình cứu hỏa nổ trong xe - có hay không dưới góc nhìn khoa học?

May, Theo Trí Thức Trẻ 15:36 12/01/2016

Nhiều người lo ngại rằng trong mùa hè, việc giữ bình cứu hỏa trong xe có nguy cơ gây nổ, làm hư hại cho xe.

Theo Thông tư 57 của Bộ Công an, từ ngày 6/1/2016, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 4 chỗ ngồi trở lên phải trang bị bình cứu hỏa để phòng cháy, chữa cháy. 

Quyết định này đã khiến dư luận nổ ra tranh cãi với nhiều ý kiến trái chiều. Thậm chí ngay cả khi Đại tá Đào Hữu Thắng, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC khẳng định: “Các bình chữa cháy đặt trên xe ôtô không thể bị cháy, trường hợp nổ chỉ là hạn hữu”, hoang mang vẫn chưa thể được dập tắt.

Vậy có hay không chuyện bình cứu hỏa nổ trong xe dưới góc nhìn khoa học? Hãy cùng tìm hiểu xem sao.

Bình cứu hỏa dập lửa như thế nào?

Có 3 loại bình chữa cháy: sử dụng nước, sử dụng bột chữa cháy, hoặc sử dụng khí CO2 nén. Nhưng chúng ta hãy cùng thử xem loại bình cấu tạo phổ biến nhất - CO2 - được cấu tạo như thế nào.

Nguy cơ bình cứu hỏa nổ trong xe - có hay không dưới góc nhìn khoa học? - Ảnh 1.

Nhìn tổng thể, bình cứu hỏa có 4 bộ phận chính: vỏ bình, chốt hãm kẹp chì, van bóp kết hợp tay xách, và một vòi phun. 

Trong đó, vỏ bình được làm bằng thép đúc có độ chịu lực cao, thường được sơn màu đỏ nổi bật để dễ nhận biết trong hỗn loạn. Cụm van có cò bóp phía trên, cùng một chốt hãm để đảm bảo chất lượng của bình, ngăn không cho không khí xâm nhập.

Nguy cơ bình cứu hỏa nổ trong xe - có hay không dưới góc nhìn khoa học? - Ảnh 2.

Bên trong bình là một ống nhựa dẫn CO2 nén lỏng ở áp suất cao. Khi ra ngoài môi trường, CO2 sẽ hóa khí để dập lửa. Do CO2 nặng hơn oxy, nó sẽ chìm xuống dưới nguồn bắt lửa, tách nguồn lửa ra khỏi oxy. 

Ngoài ra, CO2 còn có tác dụng làm lạnh, thu nhiệt xung quanh, giúp ngọn lửa dập tắt nhanh chóng hơn.

Bình cứu hỏa có thể nổ không?

Nhiều người lo ngại rằng dưới cái nóng gay gắt của mùa hè, nhiệt độ trong xe có thể lên tới 60 - 70 độ C, khiến bình cứu hỏa phát nổ. Vậy thực hư thế nào?

Sự thực đúng là bình cứu hỏa có thể phát nổ khi nhiệt độ tăng quá cao. Về lý thuyết, nhiệt độ tăng lên sẽ khiến khí nén trong bình bay hơn, kéo theo là sự gia tăng của thể tích và áp suất.

Khi áp suất liên tục tăng thì đến một thời điểm nào đó, vỏ bình sẽ không chịu nổi nữa và... phát nổ thôi. Theo thông số kỹ thuật, một bình cứu hỏa thông thường sẽ chịu được áp suất khoảng 720psi (pound lực trên 1 inch vuông) - tương đương khoảng 4 triệu Pascal.

Nguy cơ bình cứu hỏa nổ trong xe - có hay không dưới góc nhìn khoa học? - Ảnh 3.

Trên các vỏ bình cũng đều có nêu nhiệt độ an toàn bình có thể chịu được: dao động từ âm 40 độ C đến khoảng 50 độ C.

Tuy nhiên, thực chất thì bình cứu hỏa sẽ chỉ nổ nếu như bạn... quăng bình vào lửa. Theo các chuyên gia, tất cả các bình cứu hỏa tiêu chuẩn đều có một van an toàn - sẽ tự động bật ra khi nhiệt độ xung quanh quá cao để xì bớt khí và giảm áp lực cho bình.

 Thử nghiệm quang bình cứu hỏa vào lửa

Ngoài ra trong các thử nghiệm thực tế của Tổ chức hợp tác giữa các Phòng thí nghiệm (Mỹ), một bình cứu hỏa tiêu chuẩn không hề nổ dù "phơi mình" trong nhiệt độ 80 độ C trong vòng 1 tuần liên tục. Đó là bởi các bình cứu hỏa thường được thiết kế để chịu được áp suất gấp 3 lần bình thường. Vì vậy có thể nói trường hợp nổ bình cứu hỏa trong xe là cực kỳ hãn hữu.

Vậy tức là để bình cứu hỏa tiếp xúc với nhiệt không sao cả?

Thực sự, nguy cơ gây nổ bình cứu hỏa vẫn tồn tại, vì chưa có gì đảm bảo được rằng bình cứu hỏa trôi nổi trên thị trường là đạt chuẩn chất lượng. Nếu van an toàn không hoạt động, chất lượng vỏ bình cũng không tốt thì nổ là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Đồng thời, ngay cả với bình chất lượng thì việc tiếp xúc với nhiệt độ cao trong thời gian dài có thể làm chất lượng của bình, gây rò khí, mất tác dụng chữa cháy.

Chính vì thế, hãy tự bảo vệ mình ngay từ khâu chọn mua bình cứu hỏa, đừng vì ham rẻ để rồi phải chịu thiệt hại hơn gấp nhiều lần. Ngoài ra, đối với các loại xe 4 chỗ có không gian nhỏ, khi xảy ra cháy nổ thì tốt nhất nên... chạy xa thay vì cố gắng mở cốp tìm bình cứu hỏa.

Nguồn: LA Times, Visor, Survival List