Nghe nhạc Pop gây ảnh hưởng tới sức sáng tạo của con người

Antonio, Theo Mask Online 12:00 14/09/2014

Các nhà khoa học đã phát hiện ra, việc nghe nhiều nhạc Pop hiện đại có tác động không tốt tới sức sáng tạo ở mỗi cá nhân.

Rất nhiều người có tuổi thường nhận xét, âm nhạc ngày nay ngày càng chán và khó nghe hơn. Nhiều người cho rằng, đây chỉ là một nhận định đơn thuần do sự khác biệt thế hệ gây nên. 

Tuy nhiên, nghiên cứu của các nhà khoa học Anh chỉ ra, điều này là sự thật. Không những thế, nhạc Pop hiện đại thậm chí còn được khẳng định là ảnh hưởng tới khả năng sáng tạo ở mỗi cá nhân.


Rất nhiều người không thể chịu được mỗi khi nghe những dòng nhạc hiện nay.

Theo đó, một nghiên cứu từ năm 2012 trên Tạp chí Scientific Report đã khẳng định nhận xét trên. Qua việc phân tích định lượng (âm sắc, tiết tấu, giai điệu, âm lượng…) của 464.411 bài hát từ năm 1955 - 2010, các chuyên gia đưa ra kết luận, âm nhạc đang thoái trào do số lượng âm, tiết tấu, giai điệu trong mỗi bài hát ít đi, thay vào đó, âm lượng tăng lên rất lớn. 

Điều này khiến gu âm nhạc của các thế hệ sau trở nên đơn giản và nhiều khi các tác phẩm không còn giá trị nghệ thuật cao.


Nếu như trước kia, mỗi tác phẩm âm nhạc đều được chăm chút cho phần chất lượng nghệ thuật...


... thì tác phẩm âm nhạc hiện nay lại "ra lò" với tiết tấu và giai điệu na ná nhau.

Mặt khác, trong số các dòng nhạc đi xuống, nhạc Pop hiện đại thậm chí còn được khẳng định là ảnh hưởng tới sự sáng tạo ở mỗi cá nhân. Một nghiên cứu khác được tiến hành từ 2008 tới nay chứng minh rằng: nghe nhạc Pop hiện đại nhiều khiến chúng ta ít có nhu cầu và động lực muốn sáng tạo hơn so với các dòng nhạc cổ điển. 


Những giai điệu trong mỗi bài hát cứ mất đi...


... khiến âm nhạc không còn là yếu tố kích thích sự sáng tạo ở mỗi cá nhân.

Cụ thể, nhóm chuyên gia thuộc trường ĐH Heriot-Watt (Anh) đã tiến hành một cuộc khảo sát lớn chưa từng thấy trên 60 quốc gia với 36.000 tình nguyện viên. 

Các chuyên gia hỏi mỗi người tham gia về thể loại nhạc yêu thích, sau đó thu thập dữ liệu để tổng hợp và phân tích. Kết quả thu được thật đáng ngạc nhiên: phần lớn các tình nguyện viên nghiện nhạc nói chung, trừ tín đồ nhạc Pop, đều có sự sáng tạo rất cao trong cuộc sống. 


Âm nhạc hiện nay phát triển nhờ những chiến dịch truyền trông quảng bá và đáp ứng nhu cầu của số đông.

Lý giải kết quả này, các chuyên gia cho rằng, nhạc Pop đạt tới sự đỉnh cao phát triển vào thập niên 1950 - 1960. Sau đó, dòng nhạc này trở nên “thị trường hóa” với sự đi xuống của chất lượng nhạc, trở nên đơn âm và giai điệu lặp lại.

Thay vào đó, các nhà sản xuất nhạc chú trọng đáp ứng thị hiếu của những người nghe nhạc ở mức thấp nhất bằng các chiến dịch truyền thông. Vì vậy, nghe loại nhạc này trong thời gian dài ảnh hưởng tới lối suy nghĩ và làm giảm khả năng cũng như động lực sáng tạo ở mỗi cá nhân.

(Nguồn: Mic)