Ngắm loài vật vừa "lừa tình" vừa... vô duyên

Oksein, Theo Mask Online 00:00 18/06/2012

Khi ở dưới nước, chúng rất đáng yêu nhưng khi lên bờ, loài vật này lại rất chậm chạp và "thiếu duyên".

Nhắc đến hải cẩu, nhiều người cho rằng ngoài thời gian săn mồi dưới nước, chúng chỉ biết nằm trên các bãi biển và... “ngủ khì”. Thế nhưng bạn có biết, hải cẩu còn được coi là loài động vật dễ thương nhất dưới đại dương?


Hải cẩu là một nhóm của liên họ Chân vịt (Pinnipedia). Chúng được phân loại nhờ... tai: họ hải cẩu Phocidae không có tai (gồm báo biển, hải cẩu sư...) còn họ Otariidae có tai ngoài (gồm sư tử biển, voi biển...).



Với đôi mắt to tròn, long lanh và khuôn mặt dễ thương như những chú cún, hải cẩu nổi tiếng là loài động vật “ngây thơ lừa tình”.



Chúng có mặt ở khắp các đại dương trên thế giới, từ vùng lạnh giá toàn băng đến những bãi biển ngập nắng xứ Hawaii, nhờ vào khả năng thích nghi môi trường cực kỳ đáng nể.



Ngoài bộ lông và lớp mỡ dày, hải cẩu còn có thể tự điều chỉnh lưu lượng máu tới bề mặt da để giữ nhiệt trong thời tiết lạnh. Ngược lại, ở những vùng ấm áp, máu được lưu chuyển khắp cơ thể khiến thân nhiệt tỏa bớt ra môi trường.



Để thúc đẩy sự hình thành lớp mỡ, hải cẩu cái cung cấp cho con mình loại sữa “siêu bổ dưỡng” với hơn 50% chất béo. Nhờ vậy mà các chú hải cẩu con thường phổng phao rất nhanh (có thể tăng tới 2kg mỗi ngày).



Hải cẩu sống chủ yếu dưới nước, song chúng sinh sản và nuôi con trên bờ. Nếu chưa đủ trưởng thành, hải cẩu con có thể... chết đuối khi xuống nước.



Do tứ chi ngắn hơn nhiều so với các loài động vật có vú khác và không chống đỡ nổi cơ thể, hải cẩu thường phải lết ì ạch khi di chuyển trên mặt đất. Vì thế, chúng bị coi là loài di chuyển “thiếu duyên” nhất trên đất liền.



Tuy là sinh vật vụng về trên cạn, song hải cẩu có thể lột xác thành những nghệ sĩ ballet tài ba khi xuống nước. Chúng bơi lội vô cùng uyển chuyển nhờ cơ thể thuôn, chân vây dài và lớp màng ở giữa như mái chèo.



Hải cẩu còn là những thợ lặn cừ khôi, chúng có thể lặn suốt 1 giờ đồng hồ dưới độ sâu 500m mà không cần ngoi lên lấy thêm dưỡng khí. Hải cẩu duy trì oxi bằng cách làm chậm nhịp tim và chỉ điều hòa lượng máu đến những bộ phận cơ thể quan trọng nhất. Khi lặn, nhịp tim của chúng có thể giảm xuống còn 20 nhịp/phút.



Đôi mắt to tròn không chỉ trông dễ thương mà còn giúp chúng nhìn rõ khi ở độ sâu hàng trăm mét. Ở độ sâu mà không ánh sáng nào lọt tới, những sợi râu mép dài cực nhạy bén sẽ khua qua khua lại giúp chúng phát hiện được những rung động nhỏ nhất.



Hải cẩu rất nhạy cảm với mùi vị và âm thanh. Mũi của chúng không hề hoạt động khi bơi do hai lỗ mũi được “đóng” chặt dưới nước, song nó lại đặc biệt hữu ích ở trên bờ. Khi mới ra đời, hải cẩu con và mẹ sẽ đánh hơi để “nhận dạng” nhau, nhờ vậy các con cái có thể nhận ra đâu là con của mình giữa bãi biển đông đúc hàng ngàn cá thể.



“Thực đơn” yêu thích của hải cẩu khác nhau tùy theo loài, song không bao giờ thiếu đi món cá. Tuy nhiên, hải cẩu cũng bị ăn thịt bởi một số kẻ săn mồi tự nhiên như gấu Bắc Cực, cá mập, cá voi sát thủ. Vốn là loài vật hiền lành, chúng gần như không có vũ khí để tự vệ trước kẻ thù.



Do tình trạng săn bắt hải cẩu để lấy da, thịt, mỡ và sự ô nhiễm môi trường biển, hiện nay con người mới chính là “kẻ thù” nguy hiểm nhất đối với loài động vật này.



Giống như cá heo, hải cẩu nổi tiếng về tính thân thiện và thông minh. Chúng có thể được huấn luyện để hiểu những câu đơn giản và biểu diễn các màn xoay bóng, nhào lộn, lắc vòng vui mắt.



Khi ngủ, để tiết kiệm năng lượng, hải cẩu thường giữ hơi thở thật chậm, cơ thể cũng không hề nâng lên hạ xuống theo nhịp thở. Dáng nằm “im re”, bất động khiến nhiều người tưởng rằng chúng đã chết nhưng thực tế chúng chỉ đang ngủ mà thôi.



Hải cẩu có tính tò mò tự nhiên, sự xuất hiện của con người thường khiến chúng hiếu kỳ nhiều hơn là sợ hãi. Chúng thường bơi đến cạnh tàu thuyền và nghểnh cổ lên “hóng hớt” xem điều gì đang diễn ra.



Hải cẩu là loài vật giàu tình cảm. Chúng thường có những cử chỉ “ngọt ngào” với đồng loại, thích chơi đùa cùng nhau và rất ít khi xung đột.