Mỹ sắp tìm ra "Hạt của Chúa"

A, Theo Mask Online 10:32 11/03/2012

Độ mạnh của sóng thần Nhật, video vụ nổ tàu con thoi Challenger năm 1986.


Mỹ tuyên bố sắp tìm ra “Hạt của Chúa”


Những bằng chứng mới cho thấy, 2012 sẽ là năm có xác suất cao nhất để các nhà vật lý tìm thấy loại hạt huyền thoại: hạt Higgs.


Các nhà khoa học tin rằng, thời điểm tìm ra hạt Higgs đã rất cận kề.

Từ lâu, các nhà khoa học vẫn tin rằng hạt Higgs sẽ giúp giải thích vì sao tất cả các hạt khác nhau đều có trọng lượng. Cũng chính vì ý nghĩa quan trọng như vậy nên giới truyền thông còn gọi Higgs là “Hạt của Chúa”, dù cho giới khoa học không mấy mặn mà với tên gọi này. Nhưng bất chấp bao năm tìm kiếm, các nhà khoa học vẫn chưa thể dò ra hạt Higgs một cách trực tiếp.

Giờ đây, các nhà vật lý tại phòng máy gia tốc hạt Tevatron thuộc Phòng thí nghiệm Quốc gia Fermi (Mỹ) vừa tuyên bố, dữ liệu của họ đã thu hẹp đáng kể diện truy vết hạt Higgs. Cụ thể, loại hạt này có thể tồn tại với khối lượng nằm trong dải 115-135 giga-electron volt, tức GeV (để so sánh, một proton có khối lượng khoảng 0,938GeV).

Nhà vật lý Wade Fisher của Đại học Michigan chia sẻ trên LiveScience: “Chúng tôi đã ghi nhận được một dấu hiệu rất giống hạt Higgs – không dễ giải thích nếu như không phải là sự hiện diện của một loại hạt mới. Nếu như thực sự là hạt Higgs, đó sẽ là một cột mốc trọng đại của cộng đồng vật lý thế giới và sẽ đặt nền móng vững chắc cho lý thuyết vật lý hạt thành công nhất trong lịch sử”.

Lý thuyết mà Fisher nhắc đến chính là Mô hình Chuẩn (Standard Model), rất thành công trong việc mô tả tất cả các hạt cơ bản đã biết trong vũ trụ. Hạt Higgs là loại hạt duy nhất còn lại được dự đoán có tồn tại bởi Học thuyết này nhưng lại chưa từng được nhìn thấy bằng chứng tồn tại ngoài đời thực.

(Nguồn tham khảo: Vietnamnet)

Sóng thần Nhật Bản mạnh gấp 280 lần hai quả bom nguyên tử


Susan Kieffer, một chuyên gia về cơ học chất lỏng địa chất của Đại học Illinois (Mỹ), đã nghiên cứu năng lượng của trận sóng thần sau động đất ở Nhật Bản ngày 11/03/2011. Bà kết luận rằng, năng lượng của sóng thần lớn hơn 28,8 lần năng lượng của hai quả bom nguyên tử mà quân đội Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki vào năm 1945. Tuy nhiên, do thời gian tồn tại của sóng thần (từ 100 tới 1.000 giây) dài hơn rất nhiều so với bom nguyên tử nên sức công phá của nó có thể lớn hơn hai quả bom tới 280 lần.


Năng lượng của sóng thần tương đương 6,9 triệu thùng dầu thô, hay hơn 50% lượng dầu thô mà Nhật Bản tiêu thụ hàng ngày.

Những tính toán của Kieffer cũng cho thấy tốc độ của sóng thần vào xấp xỉ 220m/giây. Khoảng thời gian từ lúc sóng thần hình thành tới khi nó tới bờ vào khoảng 30 phút. Độ cao của sóng thần trên đại dương là 7m, còn chiều dài của nó vào khoảng 1.300km.

Cục Địa chất Mỹ cho rằng, để gây nên trận sóng thần dữ dội như thế, trận động đất cùng ngày phải tạo ra mức năng lượng tương đương 475 triệu tấn thuốc nổ TNT hay 326 triệu thùng dầu thô - số lượng mà cả thế giới tiêu thụ trong 4 ngày.

Hôm nay là ngày tưởng niệm tròn 1 năm sau chùm thảm họa tại Nhật Bản, hiện vẫn còn 500 người chưa được nhận dạng, với tổng số 15.85 người chết và 3.287người khác vẫn mất tích.

(Nguồn tham khảo: Geology/ Livescience)

Công bố video mới, siêu nét về vụ nổ tàu con thoi Challenger


Hơn 25 năm kể từ khi tàu con thoi Challenger của Mỹ phát nổ ngay sau khi cất cánh, một đoạn video không chính thức về vụ tai nạn năm 1986 đã xuất hiện.


Hình ảnh tàu Challenger phát nổ năm 1986.
 
Đoạn video mới được công bố, do Jeffrey Ault quay được, đã cho người xem được nhìn gần và rõ hơn về thảm họa hơn các video khác được công bố trước đây. Lúc đó, Ault đứng trong một nhóm người xem đang theo dõi trực tiếp cảnh tàu Challenger bay lên từ Trung tâm vũ trụ Kennedy, cách địa điểm phóng khoảng 16km.

Vụ nổ xảy ra vào phút thứ 1'20 trong video. Lúc đó, người xem không hiểu được điều gì đã xảy ra, khi một người trong đoạn phim thì thầm: “Ôi, thật là đẹp”, khi vệt khói của con tàu tách làm đôi và bắt đầu bay ngược trở lại mặt đất. Ngay sau vụ nổ, cựu quan chức quan hệ công chúng của NASA, Steve Nesbitt, thông báo từ Trung tâm kiểm soát sứ mệnh rằng: “Trung tâm kiểm soát chuyến bay tại đây đang theo dõi rất cẩn thận tình hình. Rõ ràng là đã xảy ra một sự cố lớn”.

Và cuối cùng, vào phút thứ 2'50, ông Nesbitt thông báo rằng Challenger đã phát nổ. Đoạn video kết thúc ngay sau đó.

Vụ tai nạn đã khiến tất cả các chuyến bay tàu con thoi của Mỹ bị ngừng và gây ra một cuộc tranh luận rằng liệu chương trình tàu con thoi có nên tiếp tục hay không. Toàn bộ 7 nhà du hành đã thiệt mạng trong vụ tai nạn năm 1986 khi tàu Challenger phát nổ.

Một cuộc điều tra sau thảm họa Challenger cho thấy vòng đệm gặp sự cố trên tên lửa đẩy của Challenger đã khiến con tàu bị nổ tung. Các nhân viên điều tra tai nạn đã chỉ ra rằng chính việc NASA phớt lờ những trục trặc là nguyên nhân gây ra tai nạn chết người.


(Nguồn tham khảo: Dân Trí)