Một Hà Nội vàng ố sắc thời gian (Phần cuối)

Thủy Chip - Ảnh: Bác sĩ Hocquard, Theo 00:01 06/10/2010

Mỗi góc phố, mỗi hàng cây của Hà Nội đều mang trong mình những ấp ủ của bao năm xưa cũ.

Nào cùng tiếp tục với chùm ảnh mang đầy hoài niệm này nhé!
 
 
Văn Miếu những năm cuối thể kỷ 19. Giếng nước trong ảnh là Thiên Quang Tỉnh hay còn gọi là Văn Trì, tượng trưng cho sức hấp thu tinh hoa trời đất của con người.
 
 
Các hàng bia tiến sĩ trong Văn Miếu. Sau khi Pháp vào thành Hà Nội, vườn bia tiến sĩ này đã từng trải qua nhiều năm hoang phế.
 
 
Một chợ bán đồ đồng ở Hà Nội xưa. Các khu bán hàng chuyên biệt đã từng tồn tại từ lâu đời, gắn với các làng nghề nơi đây. Hà Nội có làng Ngũ Xã nổi tiếng với nghề đúc đồng.
 
 
Một góc chợ bán đồ sắt. Tới cuối thế kỷ trước, người Hà Nội vẫn ăn mặc theo cách rất truyền thống và những cách tân chỉ tới sau khi người Pháp đã đặt dấu ấn lên miền đất này trong thời gian dài.
 
 
Các gian hàng trong chợ bán thuốc Nam. Hà Nội có một làng thuốc Nam nổi tiếng là làng Đại Yên (Ngọc Hà).
 
 
Tiếp tục là một khu chợ bán kim chỉ. Hà Nội ngày nay cũng có một ngõ cụt mang tên Hàng Chỉ nằm ở phố Hàng Hòm.
 
Phố Hàng Gai xưa, sự sầm uất và khang trang của nó đã có từ lâu đời.
 
 
Một khu chợ bán đồ mây tre đan với cổng vào kiểu truyền thống. Những cổng chợ như thế này hiện giờ gần như không còn tồn tại.
 
Một phiên chợ với đúng chất “buôn thúng bán mẹt” của dân gian xưa.
 
Một dãy phố rất ngăn nắp của Hà Nội hơn 100 năm trước.
 
Khu chợ bán đồ gốm sứ. Ở bên kia sông Hồng, Hà Nội có một làng gốm sứ nổi tiếng. Chính là làng Bát Tràng đấy!
 
Khu bán gỗ thời xưa. Gỗ thường được chở bằng thuyền, bè xuôi theo sông Hồng từ thượng nguồn về.
 
 
Một khu phố chợ với các nếp nhà khá giống nhau. Dù không sang trọng hay hoành tráng nhưng Hà Nội xưa lại có sự nhất quán trong thiết kế, điều mà ngày nay chúng ta không còn giữ được nữa. Với tình trạng đất chật người đông, dạng nhà "hình ống" là phổ biến nhất.
 
 
Một con đường trong nội thành nhưng lại đậm chất làng quê. Mãi tới những năm gần đây, Hà Nội vẫn còn những “làng trong phố” như thế này.
 
Một khu vực ven đô của Hà Nội xưa. Cảnh tượng này có thể bắt gặp vào thời điểm hiện tại ở nhiều vùng quê.
 
Cảnh ven đô sau một cơn bão. Các ngôi nhà tranh tre lụp xụp của dân nghèo không thể đứng vững trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên.
 
 
Những ngôi nhà của gia đình theo Công giáo thời xưa. Tôn giáo này đã theo chân người Pháp vào Việt Nam, trước hết là ở các vùng ven biển và sau này lấn sâu vào những nơi như ở Hà Nội.
 
Thú chơi cây cảnh của người Hà Nội đã có từ rất lâu và còn trở thành một biện pháp tu dưỡng tinh thần.
 
Một xóm làm giấy ở ven đô. Hà Nội có làng Yên Thái với nghề làm giấy dó nổi tiếng một thời.
 
Chắc ai cũng nhớ câu ca dao này nhỉ:
 
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.
"Nhịp chày Yên Thái" ở đây chính là tiếng chày giã bột dó để làm giấy đấy!
 
Một làng chài nằm ven sông. Cuộc sống của người dân vạn chài không có nhiều thay đổi dù hơn 1 thế kỷ đã trôi qua.
 
Những ngôi nhà lợp mái rơm rạ, cửa đan nong như thế này vẫn có thể bắt gặp ở nhiều miền quê ngày nay.
 
Cảnh một ngôi làng ven Hồ Tây. Ngày nay diện tích của hồ đã bị thu hẹp rất nhiều do các hoạt động của con người.