Lời nguyền đánh thức Pharaoh

A, Theo Mask Online 11:10 09/05/2012

Cùng các cập nhật: Trái đất ấm lên vì khủng long "xì hơi", ghế ngồi của các Pharaoh bị "đánh cắp bản quyền"...

Trái đất ấm lên vì khủng long… "xì hơi"


Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Anh, khí metan thải ra khi khủng long “xì hơi” có thể là nguyên nhân khiến Trái đất ấm dần lên.

Căn cứ trên kết quả tính toán lượng khí "xì hơi" của bò, các nhà khoa học Đại học John Moore (Anh) ước đoán, loài khủng long đã tạo ra 520 triệu tấn khí metan mỗi năm, tương đương lượng do cả nguồn tự nhiên và con người thải ra ngày nay. Cũng theo nhóm nghiên cứu, khí metan có thể là nguyên nhân chủ yếu khiến Trái đất ấm lên cách đây 150 triệu năm.


Apatosaurus, loài khủng long ăn thực vật khổng lồ là loài “xì hơi” nhiều nhất.

Giáo sư David Wilkinson (người đứng đầu nghiên cứu) cho biết trên BBC, nguyên nhân chủ yếu là do loài vi khuẩn sống bên trong cơ thể khủng long: “Chính các loài vi khuẩn sống trong ruột của khủng long đã tạo ra khí metan.”

Khí metan, còn được biết đến là chất khí gây hiệu ứng nhà kính, hấp thụ các bức xạ hồng ngoại từ Mặt trời, giữ lại trong bầu khí quyển Trái đất, làm nhiệt độ tăng lên. Những nghiên cứu trước đây cho thấy nhiệt độ Trái đất đã tăng thêm 10 độ C trong kỷ Đại trung sinh.

Cũng theo tiến sĩ Wilkinson, khủng long không phải là nhân tố thải khí metan duy nhất vào thời điểm đó: “Còn có nhiều nguồn thải khí metan ở kỷ Đại trung sinh nên tổng lượng khí metan có thể cao hơn nhiều so với hiện nay.”

(Nguồn tham khảo: Vietnamnet)

Google đặt logo kỷ niệm 138 năm ngày sinh của người tìm ra lăng mộ Tutankhamun

Hôm nay, Google đã đặt logo Doodle kỷ niệm 138 năm ngày sinh của nhà khảo cổ học và Ai Cập học người Anh – Howard Carter (9/5/1874 - 2/3/1939). 



Ông là người chủ chốt trong việc khám phá ra lăng mộ Tutankhamun, vị Pharaoh trẻ tuổi nhất lịch sử Ai Cập, với xác ướp gần như còn nguyên vẹn tuyệt đối vào ngày 17/2/1929. Đây là sự kiện gây chấn động thời bấy giờ, bởi khám phá này là một bước nhảy vọt trong lĩnh vực khảo cổ học. Tuy nhiên, nó cũng mang đến không ít nghi ngờ và sợ hãi.



Truyền thuyết kể rằng hầm mộ bị khai quật là động thái đánh thức giấc ngủ dài của Pharaoh và khởi động một loạt lời nguyền chết chóc giáng lên những người liên quan. Vào đúng ngày tìm thấy lăng mộ, Howard trở về nhà và nhận ra rằng con chim hoàng yến yêu quý của mình đã bị rắn hổ mang ăn thịt. Con rắn hổ mang được coi là biểu tượng của người canh giữ lăng mộ.

“Lời nguyền Pharaoh” bắt đầu phát động đầu tiên đối với Carnavon – “mạnh thường quân” của chiến dịch tìm mộ. Ông bị chết vì một vết muỗi cắn lây truyền bệnh. Và đây mới chỉ là sự khởi đầu, rất nhiều người đã chết sau cuộc đào mộ thành công đó. Hai ngày sau khi Carnavon qua đời, xác ướp Tutankhamun được kiểm tra và người ta phát hiện một vết đỏ ở vị trí tương tự vết muỗi cắn của Carnavon trên khuôn mặt vị vua trẻ.

Một thời gian ngắn sau đó, nhà khảo cổ Arthur Mace trong nhóm nghiên cứu cũng qua đời vì hôn mê sâu không rõ nguyên nhân. Và một chuỗi những cái chết bao trùm lên cả dự án. George Gould, bạn của Carnavon nhìn vào ngôi mộ và ngay hôm sau, ông lên cơn sốt cao rồi qua đời. Bác sĩ của George cũng chết không lâu sau đó.

Dù nhiều nhà khoa học cho rằng chuỗi cái chết theo sau sự kiện mở hầm mộ là do những người tham gia đã nhiễm một loại vi khuẩn lâu năm trong môi trường ẩm ướt của hầm mộ này; những bí ẩn của một nền văn minh cổ đại vẫn nguyên vẹn là một điều khiến chúng ta và các thế hệ sau này phải trăn trở suy ngẫm: Có hay không sự trừng phạt của một đấng tối cao lên những kẻ xâm phạm thánh địa?

(Nguồn tham khảo: Google/ Wikipedia/ GameAvatarHD/ The Guardian)

Ghế ngồi của các Pharaoh bị "đánh cắp bản quyền"


Gần 3.500 năm trước, loại ghế gập mà Pharaoh ở Ai Cập thường ngồi lại trở thành vật không thể thiếu ở nhiều nơi của Bắc Âu. Giờ đây, các học giả cho rằng đây có thể là vụ gián điệp công nghiệp thời cổ đại.

Khi Tutankhamen qua đời, mộ của ông được chất nhiều vật quý, trong đó có hai chiếc ghế gập, một chiếc làm từ gỗ mun dát ngà voi. Loại ghế tinh xảo đó được sử dụng ở Ai Cập cách đây hơn 4.000 năm. Thiết kế đơn giản bất ngờ gồm hai khung gỗ di động nối lại với nhau bởi các chốt an toàn và một miếng da động vật căng bên trên.

Điều đáng ngạc nhiên là những tù trưởng cộc cằn, thô lỗ ở Bắc Âu cũng dùng loại ghế đó. Cho tới nay người ta đã tìm ra 20 chiếc ghế ngồi tương tự ở vùng Bắc Âu, hầu hết ở là vùng phía Bắc của sông Elbe thuộc Đức. Phần lớn những chiếc ghế được tìm thấy đã bị mục nát, chỉ còn lại đinh tán và chốt bằng đồng hoặc vàng.


Chiếc ghế từ thời đồ đồng đang được lưu trữ trong bảo tàng ở Đức. 

Chiếc ghế nguyên vẹn duy nhất được tìm thấy năm 1891 ở Đồi Vàng, gần bán đảo Jutland, một phần của Đan Mạch ngày nay. Chiếc ghế có từ năm 1389 TCN làm từ gỗ tần bì, phủ da rái cá và được tìm thấy trong một quan tài làm bằng thân cây.

Nhưng loại ghế gập này lại rõ ràng là có nguồn gốc từ phương Đông. Hình vẽ cổ nhất về loại gỗ này được tìm thấy trên con dấu 4.500 tuổi của vùng Lưỡng Hà. Người Ai Cập cũng đã quen dùng loại ghế này vào thời kỳ trước đó.

Việc sử dụng thiết kế ghế như vậy ở tận Bắc Âu khiến các học giả cho rằng người Bắc Âu đã tự nghĩ ra cấu trúc đó một cách độc lập và song song với người Ai Cập. Nhưng quan điểm đó giờ bị bác bỏ, vì thiết kế và kích thước của những chiếc ghế quá giống nhau. Giờ đây, các học giả cho rằng người Bắc Âu đã đánh cắp thiết kế này. Giả thuyết là: người Ai Cập và người Bắc Âu đã có mối liên hệ với nhau từ cách đây 3.400 năm. Có lẽ một mạng lưới thương mại đã được hình thành trong thời đại đồ đồng. Vào thời kỳ đó, những mặt hàng xa xỉ được trao đổi giữa hai khu vực nhờ những người đi bộ.

Loại ghế gập vì thế đã được truyền từ bộ tộc này sang bộ tộc khác, vùng này sang vùng khác. Tuy nhiên, điều lạ là ghế gập chỉ được dùng ở Ai Cập và Bắc Âu mà không được sử dụng ở vùng nối giữa hai khu vực. Thế nên, có giả thuyết cho rằng các lái buôn phương Bắc đã có cuộc hành trình dài từ biển Baltic tới Ai Cập, họ đánh cắp thiết kế này rồi mang về phương Bắc.

Các học giả cũng xác định được thời gian chuyển giao kiến thức thời đó. Ai Cập trở thành một cường quốc dưới thời Thumose III (1479-1426 TCN), với lực lượng quân đội tiến sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Thay đổi này kéo theo luồng chảy của hàng hóa.

Lúc này, có thể một sứ giả ở Biển Bắc đã tới Ai Cập và vẽ lại mẫu thiết kế ghế gập vào giấy cói. Các thợ thủ công phương Bắc đã copy chính xác từng chi tiết của thiết kế đẹp đẽ. Họ thường sử dụng gỗ sồi hoặc gỗ tần bì để làm khung. Một chiếc ghế cực kỳ tinh xảo được tìm thấy ở vùng phía Bắc nước Đức được trang trí cực kỳ cẩn thận, với các núm tua kim loại trang trí và được phủ bằng da đanh.

(Nguồn tham khảo: Khoahoc)

Con người vẫn đang tiến hóa


Phát hiện mới (được đăng trên chuyên san Proceedings of the National Academy of Sciences) đã bổ sung thêm chứng cứ cho thấy quá trình tiến hóa ở loài người vẫn đang tiếp diễn. Nghiên cứu do Đại học Wisconsin thực hiện từng cho rằng não người đang bị teo nhỏ lại trong 5.000 năm qua. 

Trong một nghiên cứu khác, các chuyên gia của Đại học Sheffield (Anh) đã xem xét bảng phả hệ của gần 6.000 người Phần Lan sống từ năm 1760 đến 1849, với đầy đủ thông tin như ngày sinh, ngày chết, hôn nhân và nền tảng kinh tế. Kế đến, họ điều tra về ảnh hưởng của nông nghiệp đối với 4 khía cạnh trong đời sống con người: sống sót đến tuổi trưởng thành, cơ hội tiếp cận bạn đời, kết đôi thành công và tỷ lệ sinh sản đối với mỗi đối tác. Kết quả cho thấy các đối tượng trong cuộc nghiên cứu tiếp tục tiến hóa như những giống loài khác tại nơi hoang dã. 



Đáng ngạc nhiên hơn, cả người giàu lẫn người nghèo đều đối mặt với sự lựa chọn tự nhiên tương tự nhau, theo chuyên gia về tiến hóa Alexandre Courtiol của Viện Nghiên cứu tiên tiến tại Berlin. “Nhiều người cứ nghĩ rằng giàu sang có thể bảo vệ họ khỏi ảnh hưởng của môi trường, nhưng thực tế không phải vậy”, Courtiol nói. Giàu hay nghèo đều phải trải qua giai đoạn sinh tồn và sinh sản giống nhau. Và tại hầu hết các loài sinh vật, tự nhiên cũng có sự phân biệt đối xử với 2 phái. Khả năng kết đôi của giống đực tiến hóa nhanh hơn giống cái, bằng chứng là đàn ông nhanh chóng tái hôn hơn so với phụ nữ, theo Courtiol.

Như vậy trên thực tế, quá trình chọn lọc tự nhiên tiếp tục diễn ra ở loài người bất chấp thay đổi trong nông nghiệp và các chuyển biến về văn hóa, điều mà giới khoa học đã không đánh giá đúng mức trong thời gian qua.

(Nguồn tham khảo: Livescience)

Hàng ngàn chim bồ nông chết không rõ nguyên nhân

Chính phủ Peru vừa cảnh báo người dân tránh xa khu vực bờ biển khi hàng trăm con cá heo và chim biển chết bí ẩn. Xác của hơn 1.000 con chim, phần lớn là bồ nông, nằm rải rác trên bờ biển phía Bắc trong các tuần gần đây, sau khi nhiều con cá heo cũng chết ở cùng khu vực này. 


Nguyên nhân cái chết của hàng nghìn chim bồ nông vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Bộ Y tế nước này cảnh báo mọi người chỉ nên quay lại bờ biển khi lệnh cảnh báo được dỡ bỏ. Bãi biển được nhiều người tới nghỉ gần Thủ đô Lima cũng nằm trong khu vực cảnh báo. 

Điều tra ban đầu cho thấy những con cá heo có thể chết vì một loại vi khuẩn. Đợt bùng phát dịch bệnh lần này có thể liên quan tới một số dịch bệnh tương tự ở Mexico và Mỹ. Nhưng cái chết của những chú chim vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Có giả thuyết cho rằng sự thay đổi dòng hải lưu có thể đã đẩy những đàn cá cơm dồi dào đi xa khỏi vùng bờ biển, khiến lũ chim chết đói vì không còn gì ăn. 

(Nguồn tham khảo: BBC)