Lo lắng càng nhiều, IQ càng cao

Lê Giang, Theo Mask Online 12:00 06/06/2012

Cùng các cập nhật: Phát hiện tổ tiên loài xúc tu, văn phòng làm việc bẩn không kém toilet, phát hiện một loài nhện cực độc mới.


Lo lắng càng nhiều, IQ càng cao


Lo lắng quá nhiều không hoàn toàn là xấu. Một nghiên cứu mới đây cho thấy, mức độ lo âu cao thường xảy ra ở những người thông minh. Ngoài ra, những người mắc chứng rối loạn lo âu thường có chỉ số IQ cao hơn người khỏe mạnh.  


Tiến sĩ Jeremy Coplan - nhà nghiên cứu, giáo sư tâm thần học tại trung tâm sức khỏe thuộc ĐH New York cho biết, tuy chúng ta thường quan niệm lo lắng tác động xấu tới sức khỏe nhưng nó có liên quan tới mức độ thông minh. Những lo lắng của các bệnh nhân thường rất vô lý, mang lại cảm nhận về những mối nguy hiểm xung quanh họ. Tuy nhiên, quá ít lo âu cũng có thể trở thành một vấn đề với cá nhân và cả xã hội bởi họ sẽ không có khả năng nhìn thấy bất kì nguy hiểm nào, ngay khi nguy hiểm đang gần kề.

Mặc dù vậy, cần có nhiều nghiên cứu với mức độ lớn hơn để xác nhận chắc chắn thông tin này.

(Nguồn tham khảo: Vietnamnet)

Phát hiện tổ tiên loài xúc tu


Các nhà khoa học đã khai quật được hóa thạch 128 triệu năm tuổi của một sinh vật được cho là tổ tiên lâu đời nhất của họ hàng nhà mực và bạch tuộc ngày nay. Hóa thạch này được phát hiện dưới lớp trầm tích hình thành nơi đáy biển từ kỷ Phấn trắng, cách đây khoảng 128 triệu năm, nhưng nay nằm trên đỉnh Dolomite ở dãy núi Alps.


Ảnh chụp cắt lớp Dissimilites Intermedius.

Sử dụng công nghệ quét 3D, một nhóm chuyên gia của Viện Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Áo đã tìm thấy hóa thạch của loài sinh vật trên, được đặt tên là Dissimilites Intermedius. Sau đó, họ dựng mô hình nhằm ghi lại cách sống và di chuyển của chúng. Các nhà khoa học cho biết công nghệ chụp X-quang đã cho phép họ nhìn thấu qua lớp đá bề mặt và quan sát được sinh vật nằm bên trong khối hóa thạch một cách rõ nét hơn.

(Nguồn tham khảo: Khoahoc/Discovery)

Văn phòng làm việc cũng bẩn không kém toilet


Theo nghiên cứu, văn phòng làm việc là nơi sinh sống của hơn 500 loại vi khuẩn, tương đương với lượng vi khuẩn trong toilet và máy bay, với lượng vi khuẩn tập trung nhiều nhất ở điện thoại và ghế ngồi. Mọi người thường để miệng gần điện thoại khi nói chuyện nên điện thoại tập trung nhiều vi khuẩn là điều dễ hiểu. Nhưng các nhà khoa học khó giải thích tại sao ghế ngồi cũng chứa nhiều vi khuẩn, bởi có thể là do các nhà khoa học dễ thu thập vi khuẩn trên mặt ghế hơn các bề mặt khác, như bàn phím máy tính.

Con người chính là nguồn vi khuẩn chính trong các văn phòng. 

Các nhà khoa học đưa ra hai giả thuyết giải thích tại sao nơi làm việc của nam giới nhiều vi khuẩn hơn của nữ giới. Giả thuyết thứ nhất đưa ra là đàn ông không sạch sẽ bằng nữ giới, ví dụ, họ đánh răng và rửa tay ít thường xuyên hơn. Giả thuyết thứ hai cho rằng, tay và miệng đàn ông lớn hơn của nữ giới nên có nhiều diện tích bề mặt cho vi khuẩn sinh sôi phát triển hơn. Dù các văn phòng chứa nhiều vi khuẩn nhưng các nhà nghiên cứu nói rằng, vấn đề cũng không nghiêm trọng nên mọi người không cần hoảng sợ quá mà tránh xa văn phòng làm việc.

(Nguồn tham khảo: National Geographic)

Ấn Độ phát hiện một loài nhện cực độc mới


Đầu tuần trước, các báo đưa tin về việc người dân Satya thuộc thành phố phía Bắc Ấn Độ mới đây phải chịu sự tấn công của một loài nhện độc chưa rõ nguồn gốc. Tính tới thời điểm 6/5, đã có hai người tử vong do bị loài nhện này cắn và hàng chục người phải nhập viện điều trị.

Một nhà khoa học xem con nhện lạ trong làng Sadiya, bang Assam, Ấn Độ.

Loài nhện này đã thực sự gây hoang mang cho những người dân khu vực này. Các nhà khoa học địa phương cho hay, họ chưa từng nhìn thấy loài nhện này trước đó và hiện vẫn chưa rõ nó thuộc nhóm nào. Một chuyên gia cho biết, đây có thể là một loài nhện mới, nó có tài nhảy đến bất kỳ vật thể nào gần đó. Theo tiết lộ của những người từng bị loại nhện này cắn, sau khi tấn công người, chúng còn tiếp tục chăng tơ trên cơ thể họ.

“Chúng tôi thấy nó giống với loài nhện đen ở vùng nhiệt đới song chúng tôi vẫn không chắc loài cụ thể của nó là gì”, nhà khoa học L.R.Saikia tại Đại học Dibrugarh ở Assam nói với AFP.

(Nguồn tham khảo: AP)