Lên vũ trụ xem bão dưới trái đất

Mèo Lợn, Theo 00:00 18/11/2010

Ai cũng biết bão có thể gây ra các tác hại kinh hoàng cho con người nhưng bạn đã bao giờ thắc mắc là hình thù của các cơn bão trông ra sao khi nhìn từ vũ trụ chưa? <img src='/Images/EmoticonOng/12.png'>

 
Đây là hình ảnh bão Ivan khi được nhìn từ trạm vũ trụ quốc tế ISS. Nó là một trong những cơn bão mạnh nhất từng được biết tới với sức gió lên tới 250km/h. Ảnh được chụp từ độ cao khoảng 350km và lúc này, bão Ivan đang hoành hành ở khu vực phía tây Caribe năm 2004.
 
 
Vào ngày 12/09/2003, vệ tinh của NASA ghi lại được hình ảnh của bão Isabel tại vùng biển Caribe khi nó đang đạt tốc độ gió lên tới 250km/h. Nó là cơn bão mạnh nhất, tàn khốc nhất trong năm 2003 tại vùng biển Đại Tây Dương và đã gây thiệt hại khoảng 3,6 tỉ USD.
 
 
Phi hành đoàn trên trạm vũ trụ quốc tế ISS chụp lại được bức ảnh bão Felix ở khu vực bờ biển phía đông Honduras đầu tháng 9 năm 2007. Sức gió của cơn bão này cũng lên tới mức 280km/h. Số nạn nhân của nó lên tới ít nhất 133 người và mức thiệt hại vào khoảng trên 700 triệu USD.
 
 
Từ cửa sổ tàu con thoi Atlantis, con mắt sâu hoắm của bão Gordon hiện ra thật rõ ràng. Bão Gordon không quá mạnh nhưng khi xuất hiện vào năm 2006, nó có đường đi khá phức tạp và đã gây ảnh hưởng nhẹ tới các quốc gia ở bán đảo Iberia (Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha) cũng như nước Anh.
 
 
Đây là cơn bão Catarina vốn được đặt theo tên của địa điểm nơi nó tràn vào đất liền ở Brazil. Cơn bão đã gây ra thiệt hại khoảng 350 triệu USD, chủ yếu vì khu vực này chưa bao giờ phải đối mặt với bão nhiệt đới.
 
 
Đây là cận cảnh mắt bão Ivan, cơn bão đã tạo ra mức thiệt hại khổng lồ lên tới 18 tỉ USD hồi năm 2004. Một loạt các đảo nhỏ tại Trung Mỹ, Honduras, Cuba và hầu hết các bang ở bờ biển phía đông nước Mỹ đã phải gánh chịu tai họa này.
 
 
Đây là cơn bão Epsilon được hình thành vào cuối năm 2005 tại vùng biển giữa Đại Tây Dương mênh mông. Nó có sức gió khá nhẹ và không gây ra thiệt hại gì vì không hề tìm thấy “nạn nhân” nào giữa vùng nước bao la đó. Tất cả những gì người ta nhớ về bão Epsilon là các bức ảnh chụp từ vũ trụ như thế này.
 
 
Tuy chưa đạt mức bão nhưng vùng áp thấp nhiệt đới này đã tạo nên hình ảnh kỳ vĩ khi nhìn từ vũ trụ. Các dải mây hình xoắn ốc của nó khiến người ta liên tưởng tới chính dải Ngân hà của chúng ta. Vùng áp thấp nhiệt đới này đã đi qua đảo Greenland và Iceland của châu Âu.
 
 
Phi hành đoàn trên trạm vũ trụ quốc tế ISS chụp được bức ảnh rất rõ về vùng mắt bão Isabel. Đây là nơi bình yên duy nhất trong khi ở xung quanh, các cơn gió với vận tốc khủng khiếp 250km/h đang hoành hành.
 
 
Bão Ivan đang phủ kín cả một góc Trái Đất vào năm 2004. Cơn bão này đã tạo ra những đợt sóng biển cao nhất trong lịch sử mà con người từng ghi lại được. Không tính tới các trận sóng thần vốn không hình thành từ sức gió thì độ cao 40m của chúng quả là kinh hoàng.
 
 
Xung quanh mắt bão Isabel, các quầng mây dày đặc đang di chuyển theo đường xoáy, đi cùng với đó là các cơn mưa trút xuống. Nhưng quầng mây này che khuất hoàn toàn mặt đất ở phía dưới. Bão Isabel gây ảnh hưởng trong một khu vực rất rộng, từ các đảo ở Trung Mỹ, vùng bờ biển phía đông nước Mỹ và lên tới tận một số khu vực của Canada.
 
 
Vùng mây của bão Isabel đối lập hoàn toàn với khu vực yên bình ở phía xa. Bão là một hiện tượng thời tiết cực đoan mà con người luôn phải đối mặt từ hàng ngàn năm nay và dù chuẩn bị tốt đến mấy, những cơn bão quá mạnh như thế này vẫn gây ra tai họa không thể lường trước nổi.
 
 
Cơn bão Kate của năm 2003 kéo theo những “cái đuôi mây” rất ngoạn mục. Cơn bão ở mức trung bình này di chuyển chủ yếu ở giữa biển khơi và không gây ra thiệt hại gì đáng kể. Những cơn bão không quá mạnh thường có xoáy mây tách biệt và nhìn rất rõ trong khi những cơn bão khủng khiếp sẽ có quầng mây dày đặc.
 
 
Một hình ảnh cực kỳ nên thơ khi Mặt Trăng bắt đầu xuất hiện phía trên mắt bão Emily vào năm 2005. Tuy nhiên đừng để vẻ đẹp đó đánh lừa vì cơn bão này đã ngốn của con người khoảng 1 tỉ USD khi đổ bộ vào Trung Mỹ.