"Lật lại" chuyến bay tử thần của Boeing 747

M.H.L, Theo 00:03 12/08/2011

Đây là một trong những vụ tai nạn máy bay thảm khốc nhất trong lịch sử hàng không thế giới.

Đã 26 năm, ngày 12 tháng 8 năm 1985, máy bay Boeing 747-146SR với số đăng kí JA8119 thuộc hãng hàng không Japan Airlines, thực hiện chuyến bay từ sân bay quốc tế Haneda (Tokyo) đến sân bay quốc tế Osaka (Itami), đã bị mất kiểm soát và rơi chỉ sau 44 phút cất cánh, khiến cho 520 người tử nạn.
 

Máy bay của Japan Airlines
 
Vào thời điểm vụ tai nạn xảy ra, trên máy bay có 509 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn. Hầu hết hành khách trên máy bay là những người trở về nhà sau lễ hội Obon – một lễ hội Phật giáo truyền thống của Nhật Bản.
 
18h12’, JAL123 cất cánh từ đường băng 16L tại sân bay Haneda.
 
18h24’, sau khi cất cánh được 12 phút, một thứ gì đó đã phát nổ phía sau máy bay. JAL123 bắt đầu mất kiểm soát, máy bay liên tục lao lên, bổ xuống. Chiếc máy bay bắt đầu chuyển động theo một trạng thái được gọi là Fugoid cycle. Khi máy bay bổ xuống, tốc độ máy bay tăng lên tạo lực nâng. Ngược lại, khi lao lên, máy bay mất tốc độ lại đâm bổ xuống. Chu kì cứ lặp lại liên tục như vậy.
 
Mọi thông số không cho thấy điều gì bất thường nhưng kỹ sư Fukuda đã phát hiện ra rằng, áp lực dầu bên trong hệ thống điều khiển thủy lực đang giảm rất nhanh. Máy bay liên tục bị đổi hướng và mất kiểm soát. Sau bao nhiêu cố gắng và gần như hi vọng lại lóe lên thì bất ngờ, JAL123 lao xuống rất nhanh với tốc độ khoảng 5500m/phút. Số phận của chiếc máy bay đã được định đoạt, rất nhiều hành khách đã chuẩn bị hồi kết, nhiều người đã để lại những dòng nhắn gửi người thân.
 
Những bức di thư của những hành khách trên chuyến bay định mệnh được lưu giữ lại
 
18h56’, JAL123 đã đâm xuống đỉnh núi Osutaka thuộc Ueno, tỉnh Gunma, cách Tokyo 100km. Cùng lúc này, ATC đã mất tín hiệu của JAL123 trên màn hình radar. Ngay sau đó họ đã nhận được thông tin cho biết một máy bay quân sự Mỹ đã phát hiện xác máy bay rơi, và nhanh chóng triển khai tìm kiếm nạn nhân còn sống sót. Tuy nhiên, họ lại bị triệu hồi về trung tâm mà không rõ lí do.
 
JAL123 đã đâm xuống một ngọn núi phía Tây Bắc Tokyo
 
Ngay trong đêm 12 tháng 8, lực lượng quân tự vệ Nhật Bản đã kịp đến hiện trường, nhưng sai lầm lớn nhất là họ đã cho rằng không còn ai sống sót do máy bay bị vỡ thành nhiều mảnh. Và họ đã thôi tìm kiếm. 14 giờ sau khi máy bay rơi, đội cứu hộ đã có mặt tại hiện trường. Và họ đã bị sốc khi vẫn còn những nạn nhân sống sót. Có 4 hành khách: Yumi Ochiai, Keiko Kawakami, Hiroko Yoshizaki và Mikiko Yoshizaki. Theo Yumi Ochiai, sau khi máy bay rơi, cô đã nghe thấy tiếng rên rỉ vì đau đớn của rất nhiều người xung quanh, vẫn còn những người may mắn sống sót nhưng họ đã không thể vượt qua cái đêm lạnh giá đó. Và nếu như đội cứu hộ không bỏ đi thì có lẽ con số những nạn nhân còn sống sót sẽ không chỉ là 4 người.
 
Rất nhiều báo chí Nhật Bản đã lên án vụ tai nạn thương tâm này
 
 
Xác máy bay Boeing 747-146SR
 
Vậy điều gì đã xảy ra với Boeing 747 – chiếc máy bay được coi là an toàn nhất thế giới lúc bấy giờ?
 
Chiếc Boeing 747 đã mất gần như toàn bộ phần đuôi, nơi mà hệ thống thủy lực nằm đó, khiến cho máy bay bị mất kiểm soát. Nhưng lật lại sự việc để tìm hiểu rõ vì sao xảy ra sự cố như vậy, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra:
 
7 năm trước đó (2/6/1878), chiếc Boeing 747 đã gặp một tai nạn. Phi công đã đáp máy bay với phần đầu quá cao, đuôi máy bay đập xuống mặt đường băng – lỗi “dập đuôi” (Tail Strike). Quy trình sửa chữa máy bay khi đó đã không được thực hiện theo đúng quy trình, 2 miếng kim loại ghép vào phần bị thủng của vách ngăn theo nguyên tắc phải được nối bằng hai hàng đinh tán, nhưng những kĩ thuật viên lại chỉ ghép nối chúng bằng một hàng đinh tán rivet duy nhất, điều này đã khiến cho hàng đinh tán phải chịu lực nén gấp đôi so với thông thường. Kể từ khi sửa chữa, chiếc máy bay đã cất cánh tổng cộng 20.319 lần. Khi máy bay đạt được độ cao 7300m, sự chênh lệch áp suất bên trong cabin và không khí không bị nén đã kéo căng vách ngăn và vị trí ghép nối hai miếng kim loại trở thành điểm dễ rạn nứt nhất.
 
 
Bảo tàng Japan Airlines nơi lưu trữ những mảnh vỡ của JAL123
 
Phải mất đến nhiều năm Japan Airlines mới phục hồi sau sự cố thương tâm đó. Tại bảo tàng của hãng hàng không Japan Airlines, khách tham quan có thể xem những mảnh vỡ thân máy bay cũng như những di vật của những hành khách tử nạn trong chuyến bay này. Hôm nay, ngày 12 tháng 8, chúng ta hãy dành một phút mặc niệm cho những nạn nhân xấu số của chuyến bay định mệnh JAL123.