Kỳ bí chuyện vũng nước không vơi và cây phục hồi sinh lực

Bee.net.vn, Theo 10:00 23/06/2010

Trong chuyến công tác về bản Muỗng (Quan Sơn, Thanh Hóa), phóng viên KH&ĐS đã trèo lên đỉnh núi Pha Dờn để tận mắt chứng kiến một số hiện tượng tự nhiên mà người dân địa phương vẫn tin là ẩn chứa nhiều bí ẩn.


Đỉnh Pha Dờn

"Mó nước Thạch Sanh"


Vũng nước Him Tròn (người dân hay gọi là mó nước mồ côi) nằm trên đỉnh núi Pha Dờn đến nay vẫn còn nhiều điều kỳ bí mà người dân địa phương chưa thể lý giải.

Anh Hà Văn Thủy năm nay 45 tuổi (Bản Muỗng) kể lại: Cách đây chừng 25 năm về trước, lúc đó còn chưa cấm săn bắn bằng súng nên người ta đi săn thú tại đỉnh núi này đông lắm. Phát hiện thấy một con chim đang đậu trên tảng đá, tôi giơ súng lên bắn, chim không chết hẳn mà chỉ bị thương. Tiến gần tới tảng đá thì thấy chú chim đang nằm trên một vũng nước nhỏ, bên trong là nguồn nước trong vắt...



Nhiều người hiếu kỳ đã tìm đến uống thử đều thừa nhận: nước lấy từ mó trong và mát lành. Cũng từ đấy, hằng ngày người dân trong bản đi làm nương thường đến mó nước để uống. Nhiều khi, đầu buổi mó nước bị vơi đi nhưng cuối ngày nước lại hồi lại như cũ.

Theo chân anh Thủy, sau 3 giờ đồng hồ vượt qua các khối đá tai mèo cheo leo, chúng tôi mới được mục sở thị "mó nước mồ côi". Trước mắt tôi là một mó nước nhỏ, nằm trong lòng tảng đá có bán kính là 25cm và chiều cao 15cm. Thể tích này đủ chứa khoảng 5 lít nước màu xanh nước biển, khi uống vào có vị ngọt và mát.

Một điều mà anh Thủy và người dân bản Muỗng không lý giải được là mó nước nằm trong lòng của tảng đá, không có bất kỳ cây cối gì che khuất, thế mà cứ múc nước gần cạn, nước lại từ từ dâng lên trước sự ngạc nhiên của mọi người. Tôi cố quan sát thật kỹ xung quanh nhưng không thể nào tìm được nguồn dẫn nước. Dường như, mó nước này là một "nồi cơm Thạch Sanh" chẳng bao giờ vơi...

Mó nước đã gắn liền với đời sống của người dân nơi đây mấy chục năm nay, với những lần lên núi làm nương, lấy gỗ. Anh Thủy kể: Có hôm nắng như thiêu, như đốt, tôi cùng 18 người trong bản lên núi xẻ gỗ, số nước mang đi dự trữ đã uống hết, mọi người khát khô cả cuống họng. Nhìn thấy mó nước hơi nhỏ, ai nấy đều nghĩ sẽ không đủ uống nên nhường nhau. Nhưng lạ kỳ thay càng uống, nước càng dâng lên, trước sự kinh ngạc của mọi người.

Ông Hà Văn Niêm, trưởng bản Muỗng cho hay: "Theo quy định của bản, phải là những người trong bản, đi làm nương trên các triền núi của bản mới được phép đến đó uống nước. Chỉ được uống tại chỗ, không được mang các vật dụng lên núi lấy nước về uống. Nếu ai vi phạm quy định đó sẽ bị phạt rất nặng...".

Mó nước chính là món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho người dân. Tuy nhiên, cái "bình nước Thạch Sanh" ấy sẽ không thể trường tồn nếu như sử dụng bừa bãi, hủy hoại sự cân bằng của tự nhiên. Hiểu được điều này, người dân bản Muỗng chỉ sử dụng nước để uống, đúng hơn là chỉ uống mỗi khi lên nương. Có lẽ vì thế mà "bản quy" được tuân thủ một cách nghiêm minh.

Cây phục hồi sinh lực

Nằm trên đỉnh núi Pha Dờn nhưng chếch về phía tây bắc, người dân bản Muỗng vẫn thường kể cho nhau nghe về bụi cây dại kỳ lạ. Đây là loại cây chỉ có một chòm duy nhất trên núi. Theo ông Hà Văn Niêm, lùm cây dại nằm lưng chừng giữa ngọn núi, được bao quanh một số cây cổ thụ có hàng trăm năm tuổi. Mọi người trong bản đi làm nương rẫy đều phải đi ngang qua nơi lùm cây này trú chân.

Anh Hà Văn Dũng, 35 tuổi (bản Muỗng) quả quyết: Mấy năm về trước trong một lần lên núi để thu hoạch ngô, thời tiết nắng quá, trong người tôi thấy khó chịu, chóng mặt buồn nôn. Biết mình bị cảm tôi cố đi tiếp để ngồi nghỉ nơi bóng mát. Điều kỳ lạ là mới ngồi nghỉ khoảng 30 phút, trong người đã cảm thấy như được trút bỏ mệt mỏi. Một cảm giác mát dịu cứ lan tỏa khắp thân thể...

Thông tin được lan truyền, một lần có nhóm người nơi khác vượt núi sang truy tìm lùm cây dại để chặt cành về trồng, nhưng đã bị người dân trong bản ngăn chặn kịp. Từ đó người dân bản Muỗng thường hay cắt cử người đi tuần tra, canh gác ngày đêm để tránh sự xâm hại của kẻ xấu.


 Anh Thủy và mọi người trong bản Muỗng bên gốc cây dại.

Nghe câu chuyện có vẻ... hoang đường này tôi không mấy tin tưởng lắm nhưng lại rất tò mò và quyết tìm đến tận nơi. Trước mắt tôi là một thân cây vừa phải có bán kính chừng 40cm, chiều cao 1,5m. Thân cây có nhiều tầng, nhiều lớp, đan xen vào nhau như một tổ mạng nhện khổng lồ. Toàn bộ thân cây được bao phủ bởi gốc cây cổ thụ pơ mu hàng trăm năm tuổi.

Điều làm nên sự khác biệt giữa cây dại này với tất cả các loại cây khác xung quanh bởi lá cây rất xanh và không giống bất kỳ loại lá nào cả. Vừa có các cành như cây thiên tuế, vừa có tán lá như cây tùng...

Ông Niêm bảo, từ khi phát hiện thấy cây dại này đến giờ đã 25 năm nhưng nó vẫn đù đù thế, thân cây không to ra mà chỉ có các tán lá mọc um tùm. Và điều đặc biệt là cây nằm trên ngọn núi cao hơn 500m, có nhiều dốc và đá tai mèo hiểm trở, không có người chăm sóc mà 4 mùa cây vẫn xanh tươi mơn mởn... Trong khi đó các cây xung quanh đã héo vì khô hạn.