Kryptos - bản mật mã thách thức cả thế giới

Sơn Hải, Theo Mask Online 00:26 25/04/2013

Bản mật mã này khiến các nhà khoa học phải đau đầu để đi tìm lời giải...

Mật mã là một loại thông tin được mã hóa, được con người tạo ra để bảo vệ những thông tin bí mật. Các chuyên gia mật mã thường sử dụng thuật toán, kỹ thuật ngôn ngữ, ký hiệu để che dấu, hay giải mã những thông tin quan trọng trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao.

Kryptos - bản mật mã thách thức cả thế giới 1

Một trong những tổ chức hàng đầu của lĩnh vực mật mã học là CIA - Cục Tình báo Trung ương Mỹ - cơ quan khổng lồ chuyên thu thập, giải mã thông tin. 

Với một nguồn ngân sách khổng lồ, cùng các nhân viên xuất chúng khắp toàn cầu, CIA đã có nhiều đóng góp to lớn cho Mỹ trên mọi lĩnh vực. Nhưng chính tổ chức này lại hoàn toàn bó tay trước một bản mã nằm ngay gần họ.

Mật mã Kryptos - đỉnh Everest của các mật mã”

Mọi chuyện bắt đầu vào năm 1991, trong khi xây dựng tổng hành dinh, CIA muốn có một công trình nghệ thuật vừa làm tăng vẻ đẹp kiến trúc tổng thể của tòa nhà, vừa thể hiện được tính chất công việc của tổ chức tình báo lớn nhất thế giới.

Kryptos - bản mật mã thách thức cả thế giới 2

Một khoản ngân sách trị giá 250.000 USD (khoảng hơn 5 tỷ VND thời giá hiện tại) đã được chi ra để mời các kiến trúc sư hàng đầu tham gia đóng góp ý tưởng. Sau một thời gian chọn lựa, đề án “Kryptos” (được trình duyệt vào năm 1988) của Jim Sanborn - một nghệ sĩ người Mỹ đã giành được sự ủng hộ cao của hội đồng xét duyệt.

Trước đây, phần lớn các tác phẩm của Sanborn chủ yếu làm từ đá, đều toát lên vẻ bí hiểm và sức mạnh của thiên nhiên.

Sau khi bỏ thời gian nghiên cứu nhiều tài liệu về tình báo, mật mã, Sanborn quyết định lấy chủ đề cho tác phẩm là sự hình thành của thông tin qua các thời đại, thể hiện trên hiệu ứng chất liệu và ẩn ý của con chữ. 

Kryptos - bản mật mã thách thức cả thế giới 3
Jim Sanborn, "cha đẻ" của mật mã khó phá nhất thế giới.

Để mã hóa bản thông điệp, Sanborn còn nhờ sự giúp đỡ của Ed Scheidt - một chuyên gia bậc thầy về mật mã của CIA, cùng một người khác là một nhà văn nổi tiếng đương thời. 

Tuy nhiên, sau khi hiểu được các nội dung cơ bản về ngành mật mã học, Sanborn quyết định tự mình hoàn tất phần còn lại của “Kryptos”. Đó là lý do tại sao công trình nghệ thuật này đến nay vẫn là một bí mật mà chỉ cha đẻ của nó mới có chìa khóa để giải.

Kryptos - bản mật mã thách thức cả thế giới 4

Kết quả của dự án là một miếng kim loại bằng đồng cao khoảng 3m được uốn cong hình chữ S dựng đứng, đặt ngay ở cổng ra vào chính của tòa nhà, trên bề mặt được khắc các ký tự trong bảng chữ cái La Mã, sử dụng nhiều phương pháp mã hóa khác nhau. Trong tấm phù điêu này gồm 4 đoạn mã lớn tương đương với 4 thông điệp.

Kryptos - bản mật mã thách thức cả thế giới 5

Hai thông điệp đầu tiên nằm ở bên trái miếng đồng với 869 ký tự, được sắp xếp theo phương pháp mã hóa Vigenere do nhà mật mã học người Pháp - Blaise de Vigenere tạo ra ở thế kỷ XVI. Phương pháp này thay thế các ký tự trong một bản thông điệp bằng cách áp dụng các thứ tự khác nhau của một bảng chữ cái, với một từ là “từ khóa”. 

Trên mặt phải của miếng đồng cũng là hai thông điệp; một được khắc với những ký tự giống như ở mặt trái, phần còn lại sử dụng phương pháp mã hóa, trong đó có hoán vị các ký tự hoặc thay đổi vị trí của chúng tùy theo chủ đích của người viết.

Những thông điệp khó hiểu...

3 trong số 4 thông điệp đó đã được giải mã tính tới năm 1999. Thông điệp đầu tiên có nội dung như sau: “Giữa bóng tối huyền ảo và sự thiếu ánh sáng, ẩn chứa một sắc thái ảo giác”. Đây chỉ là một câu thơ thuần túy. 

Kryptos - bản mật mã thách thức cả thế giới 6

Nội dung của thông điệp thứ hai dài hơn, nhưng cũng không cung cấp đủ thông tin cho người đọc: “Nó hoàn toàn vô hình. Làm cách nào để được như vậy? Họ sử dụng từ trường Trái đất. Thông tin được thu thập và chuyển đi dưới lòng đất tới một địa điểm chưa xác định. Liệu Langley có biết được điều này? Họ nên biết: Nó được chôn cất ở đâu đó ngoài kia. Ai biết đích xác vị trí? Chỉ có WW. Đây là thông điệp cuối cùng của ông ấy: 38 độ Bắc 57 phút 6,5 giây, 77 độ Tây 8 phút 44 giây. ID theo hàng”. WW chính là William Webster - cựu giám đốc CIA năm 90 và tọa độ trong này chỉ tới vị trí trụ sở của CIA.

Thông điệp thứ 3 nói về một nhà khảo cổ học Ai Cập cổ đại có tên là Howard Carter, người phát hiện ra hầm mộ của vua Pharaoh Tutankhamun năm 1922. 

Kryptos - bản mật mã thách thức cả thế giới 7

Cuối cùng chỉ còn đoạn mật mã gồm 97 ký tự, nhưng trong vòng 20 năm nó vẫn là một bí mật đầy thách thức. Ngay cả giới chuyên gia CIA cũng nói rằng, thông điệp này khó phá do nó quá ngắn và gây khó khăn cho việc tìm kiếm các chữ cái lặp lại - một yếu tố chủ chốt cho việc giải mã. Thông điệp cuối cùng, vì thế, được xem là đỉnh Everest của các mật mã”.

Bí mật thách thức cả thế giới

Việc một thông điệp không thể được giải sau 2 thập kỷ đã khiến rất nhiều người tò mò. Nhiều trang web và diễn đàn đã được lập ra để tập hợp những cái đầu thông minh nhất cùng nhau giải phần còn lại của bí ẩn trước tòa nhà CIA. 

Nổi bật trong số này là “Nhóm Kryptos”, thành lập tháng 5/2003 trên mạng của Yahoo, nơi các thành viên liên tục thảo luận và đưa ra những đáp án khả dĩ nhất. Đến cuối năm 2003, “Nhóm Kryptos” có gần 70 thành viên, nhưng chỉ vài năm sau số lượng của nhóm nhanh chóng tăng lên gần 1.000 sau khi họ giải mã được “Dự án Cyrillic”. 

Kryptos - bản mật mã thách thức cả thế giới 8

"Dự án Cyrillic" là công trình kiến trúc tương tự đặt ở ĐH Bắc Carolina (Mỹ), được sáng tác từ nguồn cảm hứng “Kryptos”. Kết quả giải mã “Dự án Cyrillic” là một đoạn tài liệu mật của cơ quan tình báo Nga KGB. 

“Nhóm Kryptos” áp dụng các thuật toán hiện đại hoặc các phần mềm máy tính mới nhất phục vụ cho việc giải mã. Dù vậy, cộng đồng tài năng này cũng bó tay với phần còn lại của Kryptos.

Đáp lại sự hâm mộ, quan tâm của nhiều người trên thế giới, Sanborn tiết lộ thêm 6 chữ cái giúp giải mã thông điệp cuối cùng gồm NYPVTT, nếu giải mã sẽ mang nội dung BERLIN. Tất nhiên, đây cũng chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” vì nó còn rất nhiều bí ẩn khác nằm trong những chữ cái còn lại. 

Kryptos - bản mật mã thách thức cả thế giới 9

Việc thông điệp thứ 4 không thể bẻ khóa nổi sau 2 thập kỷ cũng khiến Sanborn vô cùng ngạc nhiên. Ông nhận được nhiều lời tán thưởng và cả lời đe dọa từ những kẻ muốn biết nghĩa thật sự của mật mã. Nhưng Sanborn cũng quả quyết rằng, ông sẽ để tận đến khi sang thế giới bên kia mới tiết lộ phần còn lại nếu như thế giới chưa giải mã hết.

Tác giả của bức mã vĩ đại này cũng tiết lộ rằng giải mã được 4 bản thông điệp mới chỉ là bước khởi đầu để đi đến một bí ẩn lớn hơn. Ông nói: “Họ sẽ đọc được những gì tôi viết, nhưng bản thân những gì tôi viết cũng là một bí ẩn”. Và những người ham mê khám phá lại tiếp tục miệt mài tìm hiểu “Kryptos” - một trong những đoạn mật mã bí ẩn nhất của nhân loại.

* Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: MNN, NY Times, Mentafloss, Telegraph, Wikipedia...


Bạn có thể xem thêm: