Khoa học bóc mẽ hiện tượng “phát cuồng” vì Pirate Kings

Việt Anh, Thanh Long, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 23/04/2015

Những lý do khoa học lý giải vì sao Pirate Kings lại nhanh chóng trở thành trò chơi “hot” nhất mạng xã hội như vậy.

Thời gian gần đây, những ai sử dụng mạng xã hội Facebook chắc chắn đều biết tới một trò chơi có tên là Pirate Kings (Vua cướp biển). Đây là một trò chơi với đồ họa và cách chơi đơn giản, không quá đẹp song không hiểu vì lý do gì lại gây ra một cơn sốt trong cộng đồng người dùng Facebook.

Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc và băn khoăn về sức hấp dẫn khó cưỡng của trò chơi mới này.

1. Tính ăn thua như chơi cờ bạc

Nhà nghiên cứu Johannes Roessler đến từ Khoa tâm lý học của Đại học Warwick (Anh) cho biết, con người bắt đầu biết và thích ganh đua, hiếu thắng với những người xung quanh từ khi khoảng 4 tuổi - thời điểm chúng ta biết và ý thức hoàn chỉnh về một trò chơi đối khác nào đó. 

Tính cách ganh đua đó tồn tại và ẩn sau trong tâm lý mỗi con người và Pirate Kings giúp ta thỏa mãn “máu ăn thua” có sẵn ấy.



Mặt khác, đặc điểm lớn nhất của Pirate Kings chính là cách chơi sử dụng vòng quay may mắn để thực hiện mọi thao tác và hành động. Dưới góc nhìn khoa học, thao tác này tương tự như việc quay xổ số hay chơi bạc thông thường. 



Với tính chất này, dễ hiểu khi Pirate Kings có bản chất giống như một thứ gây nghiện cho hệ thần kinh. Khi chơi, hormone dopamine được tiết ra kích thích sự hưng phấn của người tham gia. Càng chơi, hormone này tiết ra càng nhiều như một phần thưởng cho não bộ.


Ngược lại, khi bị đối phương cướp bóc hay tấn công, người chơi có cảm giác như thua cờ bạc vậy. Hiện tượng này gây nên hiệu ứng “con nghiện”, khiến người chơi rơi vào trạng thái “thèm thuốc”. Hệ quả là dù thắng hay thua, con người có xu hướng càng ngày càng “nghiện” trò chơi trực tuyến này và không thể dứt ra. 

2. Sự thỏa mãn cảm xúc

Các nhà khoa học thuộc ĐH Stanford (Mỹ) đã tiến hành chụp cộng hưởng từ não của một nhóm tình nguyện viên trong lúc họ chơi một trò chơi điện tử. Nội dung trò chơi này khá giống Pirate Kings: người chơi được yêu cầu làm nhiệm vụ xâm chiếm, cướp bóp các vùng đất trên màn hình.


Sau khi phân tích dữ liệu ghi lại được, nhóm nghiên cứu nhận thấy hành động chơi điện tử đã kích hoạt trung tâm mesocorticolimbic - vùng não điều khiển cảm giác thỏa mãn và say mê ở con người.



Họ lý giải rằng, các trò chơi điện tử sẽ kích thích sự thỏa mãn về mặt bản năng chinh phục của mỗi người, không riêng gì nam giới mà ngay cả ở các chị em cũng vậy. Và trong Pirate Kings, sự thỏa mãn tương tự sẽ diễn ra khi họ có được tiền, xây được đảo mới hay phá được nhà đối thủ.

3. Sự dễ dàng

Điều này có thể được thấy là một xu hướng trong các trò chơi di động gần đây. Chúng ta có thể thấy rõ nhất là game Flappy Bird đã một thời gây đình đám trong cộng đồng mạng bởi chính sự đơn giản của nó. 


Xu hướng tâm lý chung của con người là sự thuận tiện, trong một thời đại mà thông tin phát triển như vũ bão hiện nay. Lẽ dĩ nhiên vì thế một trò chơi đơn giản sẽ thu hút người chơi hơn các trò chơi phức tạp. 

Pirate Kings phù hợp với nguyên tắc đó khi tựa game này vô cùng đơn giản nhưng tính tùy biến lại cao chỉ với một hành động chính duy nhất - những lượt quay thưởng.



Ngoài ra, khi sử dụng thao tác chơi là những lượt quay, Pirate Kings gây nên một ảo giác cho não về sự “chắc thắng”. Theo đó, hầu như ai quay cũng cảm thấy mình chắc chắn sẽ thắng. Khi thực tế diễn ra ngược lại, não bộ nảy sinh tâm lý muốn gỡ gạc, khiến người chơi không thể dứt ra.

4. Tính tương tác và hiệu ứng đám đông

Yếu tố cuối cùng làm nên hiện tượng Pirate Kings chính là tính tương tác trên mạng xã hội rất cao dựa vào hiệu ứng đám đông. 

Theo đó, người chơi có thể tham gia chơi cùng bạn bè mình trên Facebook rất dễ dàng hay gửi những lời mời chơi để có được thêm 20 lượt quay. Khi nhiều người cùng chơi, hình ảnh của Pirate Kings sẽ tràn ngập mạng xã hội khiến nhiều người biết tới. 



Rất nhiều người than vãn về sự phiền toái của Pirate Kings nhưng ngược lại, cũng có rất nhiều người tò mò chơi thử và kết quả là nghiện trò chơi này. Giới khoa học gọi đó là hiệu ứng đám đông. 


Khi cả thế giới phát cuồng vì Pirate Kings


Bạn không thể đứng ngoài cuộc được

Hiểu một cách đơn giản, đây là xu hướng tâm lý hình thành ở con người từ thời tiền sử, khi chúng ta còn sống trong các bộ lạc, bộ tộc nhỏ. Theo đó, mỗi cá nhân đều không muốn tách rời và khác biệt khỏi tập thể bởi họ sợ bị cô lập. Phản ứng sợ hãi này gây nên sự thúc giục hành động ở con người, rằng ta cần phải chơi thử Pirate Kings cho bằng bạn bằng bè. 

Chính vì lý do này mà trong một thời gian ngắn, Pirate Kings đã tạo nên một cơn sốt thật sự trong cộng đồng mạng.

Nguồn: How Stuff Works, Scientific American, Wikipedia, Coolcat Casino