Khẳng định Người Tuyết có thể đã sống ở Nga

A, Theo Mask Online 10:39 23/06/2012

Cùng các cập nhật: Tìm thấy sữa gia súc 7.000 năm tuổi, cách chữa vết sứa đốt hiệu quả, Google kỷ niệm 100 năm sinh nhật Alan Turing...

Người Tuyết có thể đã sống ở Nga


Các nhà khoa học khẳng định, nhiều bằng chứng cho thấy khả năng Người Tuyết sống tại một khu vực thuộc Nga lên tới 95%. Đây là kết quả của hội thảo nghiên cứu những sinh vật có hình dạng giống người trong môi trường hoang dã vừa diễn ra tại thành phố Tastagol, vùng Kemerovo, Nga.



Trong mấy thập kỷ qua, người dân tại nhiều nước đồn đại về sự tồn tại của những sinh vật hình người nhưng có kích thước to lớn hơn. Chúng sống trong rừng hoặc những nơi hoang dã và hiếm khi xuất hiện trong tầm quan sát của chúng ta.

Người ta gọi chúng bằng nhiều tên - như dã nhân, Người Tuyết, Yeti, sasquatch, người khổng lồ.

(Nguồn tham khảo: Dailymail)

Tìm thấy sữa gia súc 7.000 năm tuổi


Theo thông cáo báo chí từ Đại học Bristol (Anh), một nhóm chuyên gia tại đây đã tìm ra dấu vết cho thấy con người biết nuôi gia súc lấy sữa từ mấy ngàn năm trước.

Kết quả phân tích các loại axít béo được tìm thấy bên trong những vò gốm thô tại một khu khảo cổ ở Libya đã xác định đây là sản phẩm của quá trình xử lý sữa.

Hình vẽ gia súc xuất hiện nhiều trong các tác phẩm nghệ thuật hang động ở Sahara.

Trong khi các chuyên gia phát hiện được nhiều tác phẩm nghệ thuật trên đá có ghi lại hình ảnh của gia súc tại khắp vùng Sahara, vẫn chưa tìm thấy chứng cứ trực tiếp về việc người thời xưa nuôi gia súc để lấy sữa, cho đến khi Đại học Bristol công bố báo cáo trên.

Theo các chuyên gia: Phát hiện này cũng cung cấp nền tảng mới cho các nghiên cứu về sự tiến hóa của gene kháng đường lactose và có vẻ như quá trình đó đã bắt đầu xuất hiện khi con người chuyển sang dùng sữa gia súc.

(Nguồn tham khảo: Livescience)

Phát hiện mới về băng trên Mặt trăng


Các nhà khoa học tuyên bố đã phát hiện chứng cứ mới cho thấy hố lớn nhất ở cực Nam Mặt trăng có thể chứa một lượng lớn băng.



Chiếc hố được đề cập chính là Shackleton, được đặt tên theo nhà thám hiểm Nam Cực Ernest Shackleton, rộng 19km và sâu 3km, tương đương với độ sâu của các đại dương trên Trái đất.

Phần bên trong của các hố tại vùng cực trên Mặt trăng hầu như bị chìm trong bóng tối vĩnh viễn, biến chúng thành những chiếc bẫy lạnh cóng.

Do vậy, lâu nay các chuyên gia đưa ra giả thuyết rằng có thể chúng đang “ngậm băng".

(Nguồn tham khảo: Space)

Nghiên cứu chữa vết sứa đốt hiệu quả nhất


Từ tây đến ta, những mẹo chữa vết sứa đốt không thiếu, tùy thuộc vào từng khu vực, như giấm, thuốc muối đến nước tiểu...



Kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy, phương pháp tốt nhất là dùng nước nóng rửa vết cắn và thoa kem giảm đau như lidocaine.

(Nguồn tham khảo: Khoahoc)

Dậy sớm để hạnh phúc


Một nghiên cứu mới cho thấy, những người dậy sớm thường vui tươi khỏe khoắn hơn những người làm việc về đêm.

Các nhà khoa học cũng lí giải điều này là do những người dậy sớm có nhiều phù hợp với mong đợi của xã hội. Đồng hồ sinh học của họ có một sự “ăn khớp” với đồng hồ của xã hội. Trong khi những người thức khuya thì không.



Vậy làm thế nào để những "cú đêm" từ bỏ thói quen thức khuya để dậy sớm? Các nhà nghiên cứu đưa ra lời khuyên rằng, bạn nên tăng cường tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên vào lúc sáng sớm; tập đi ngủ sớm và dậy sớm. Nhà nghiên cứu này cũng cho biết đây là cách dễ dàng để bạn có một lịch trình phù hợp với xã hội.

(Nguồn tham khảo: Vietnamnet)

Google kỷ niệm 100 năm sinh nhật Alan Turing


Alan Mathison Turing (23/6/1912 – 7/6/1954) là một nhà toán học, logic học và mật mã học người Anh thường được xem là cha đẻ của ngành khoa học máy tính.

Phép thử Turing (Turing test) là một trong những cống hiến của ông trong ngành trí tuệ nhân tạo: thử thách này đặt ra câu hỏi rằng máy móc có khi nào đạt được ý thức và có thể suy nghĩ được hay không.

Google hôm nay đã kỷ niệm 100 năm sinh nhật của ông với một phép toán cần giải mã thú vị. Sau đây là video hướng dẫn cách giải mã này.


(Nguồn tham khảo: Google/Wikipedia)