"Khai quật" bộ phim hoạt hình đầu tiên trên thế giới

Ling Ling, Theo 00:00 28/11/2011

Thêm vào đó, đừng bỏ qua tác phẩm nghệ thuật làm từ 60.000 bút sáp màu và cách mô phỏng... cơn gió rất kì diệu!

Thích thú cùng trải nghiệm khám phá phim hoạt hình đầu tiên trên thế giới

“Fantasmagorie” là phim hoạt hình đầu tiên trên thế giới được tạo ra bởi một họa sĩ người Pháp tên là Emile Cohl vào năm 1908.

Sản xuất cách đây hơn 100 năm, bộ phim này không có tiếng động và được cho là thể loại phim câm (silent film). Với những nét vẽ trắng trên nền đen chiếc bảng ở lớp, bộ phim này nói về cuộc phiêu lưu của những nhân vật hoạt hình được gọi là “stick figure”. Tất cả đều được thể hiện bằng những dấu chấm và nét gạch đơn giản.



Dù là phim hoạt hình đầu tiên trên thế giới nhưng khi xem “Fantasmagorie”, chúng ta có thể thấy Emile Cohl đã tạo ra được một cuộc phiêu lưu “siêu thực”. Các hình ảnh chuyển động nối tiếp nhau liên tục, tạo sự liền mạch dù chỉ được tạo ra bởi những nét vẽ đơn giản nhất.

Sau hơn 100 năm, chúng ta vẫn dùng “stick figure” để làm những bộ phim ngắn nhấn mạnh vào hành động của các nhân vật.

Những ngọn lửa khổng lồ bằng bút màu sáp và bài học nhân văn về môi trường

Thay vì thể hiện ý tưởng bằng giấy và màu trực tiếp thì họa sĩ Herb Williams lại sử dụng chính những chiếc bút sáp màu làm “nguyên liệu chính” cho tác phẩm của mình.


Thông thường, Herb cần khoảng 60.000 chiếc bút sáp với nhiều màu khác nhau để tạo nên các tác phẩm nghệ thuật mà tác giả gọi đó là "một điều kì diệu".




Tác phẩm mới nhất của Herb Williams được gọi là “Vị khách không mời”, có hình dạng những ngọn lửa khổng lồ vừa được khai trương ở Trung tâm Di sản Văn hóa Quốc gia, thuộc Đại học Công nghệ Texas ở Lubbock, Mỹ. Năm ngọn lửa khổng lồ được làm từ hàng ngàn cây bút sáp tượng trưng cho những đám cháy rừng xảy ra liên tục vào thời gian gần đây.


Theo thời gian, những tác phẩm bút màu này sẽ tự chảy ra do nhiệt độ nắng nóng của Texas thành những giọt sáp màu chảy xuống như khi chúng ta thắp nến. Với triển lãm lần này, Herb Williams muốn cảnh tỉnh tất cả chúng ta về hiện tượng nóng dần lên của Trái đất, dẫn đến những đám cháy khủng khiếp tàn phá thiên nhiên.



Các cây bút sáp chảy ra sau một thời gian "tắm nắng".

"Vẽ" gió - từ "không thể" thành "có thể"


Khác với phong cách vẽ tĩnh vật, việc thể hiện... ngọn gió khó khăn hơn rất nhiều vì chúng ta không nhìn thấy, mà chỉ có thể cảm nhận "nó". Và để mô phỏng được cơn gió thành thứ nhìn thấy được, việc này đòi hỏi giác quan tinh tế của người họa sĩ, và anh Peter Jellitsh là một ví dụ như thế.



Cảm nhận và hình dung ra ngọn gió, Peter đã sử dụng phần mềm phân tích gió để khắc họa dưới dạng mặt phẳng mềm mại. Đối với anh, điều quan trọng nhất là anh đã chứng minh được rằng ngay cả những kỹ thuật vẽ đơn giản nhất cũng có thể phản ánh được các hình ảnh đòi hỏi chiều sâu và khó như gió hay không khí.

Mô phỏng ngọn gió qua hình ảnh.

Về cơ bản, bản vẽ này là những nét gạch ngắn đơn giản nhưng chúng được bố trí đan xen và không hề giống nhau, khiến bạn không thể nhận ra điểm giới hạn, góc cạnh của bản vẽ. Tuy được thể hiện bằng tay nhưng chúng lại rất sinh động, trông “thật” không thua kém gì các hình ảnh 3D được dựng bằng máy tính hiện nay.