Hơn 8 triệu chú cún "xuống mồ" Ai Cập để tôn vinh thần Anubis

NAC, Theo Trí Thức Trẻ 10:56 20/06/2015

Đây là kết quả một nghiên cứu lịch sử về hành động thể hiện lòng thành kính đối với thần chết Anubis của người Ai Cập cổ.

Mới đây, một nghiên cứu về khu hầm mộ cổ xưa tại thành phố Memphis, cố đô của Ai Cập đã đưa ra kết quả khá sốc: ước tính, có hơn 8 triệu chú chó khác nhau đã được chôn tại mộ từ cách đây hàng ngàn năm về trước. 


Hầm mộ có chiều dài khoảng 173 mét tính từ sảnh trung tâm, và có chiều rộng khoảng 140 mét tính từ các hành lang bên sườn. Nơi này vốn là một trong những công trình do người Ai Cập cổ đại xây dựng nên để tôn vinh thần chết Anubis. Trong tín ngưỡng của người Ai Cập, Anubis là vị thần mình người đầu chó rừng có liên quan đến quá trình ướp xác và cuộc sống sau khi con người qua đời.


Tranh vẽ chân dung thần Anubis

Trong quá khứ, hầm mộ ở Memphis này đã từng được nhà khảo cổ học người Pháp Jacques de Morgan công bố trên báo chí vào năm 1897, nhưng ông đã không dành nhiều sự quan tâm đến những xác ướp của loài chó tại đây. Sau đó, nhiều nhà nghiên cứu cũng đã dành thời gian cho hầm mộ đặc biệt này nhưng cũng đã không đi sâu vào nghiên cứu chi tiết kỹ lưỡng.

Bản đồ khu hầm mộ

Mãi cho tới gần đây, bí mật về xác chết của 8 triệu chú cún dưới đây mới được phát hiện. Theo số liệu ban đầu, trong số xác ướp chó được tìm ra, có rất nhiều cá thể được ướp xác khi chỉ mới sinh ra vài giờ hoặc được vài ngày tuổi. Những chú chó lớn hơn sẽ được tiến hành ướp xác một cách phức tạp hơn hoặc sẽ được giữ lại nuôi ở trong đền cho tới khi mất.


Minh họa một xác ướp chó của người Ai Cập

Ngoài những xác ướp của chó, người ta còn tìm thấy xác ướp cáo, chim ưng, mèo và cầy hương. Đã có rất nhiều xác ướp bị phá hoại bởi những tên trộm mộ hoặc một số nhà công nghiệp với mục đích sử dụng xác ướp làm phân bón.

Tuy nhiên, việc có tới 8 triệu chú chó đã xuống mồ tại khu hầm mộ này không có ý nghĩa lên án tội ác của người Ai Cập. Thực tế, họ rất tôn sùng loài vật này. Việc ướp xác chó trong các nghĩa địa là một nét đặc trưng trong tín ngưỡng của nền văn minh này kể từ năm 747 TCN. Sau đó, tục lệ trên đã bị loại bỏ kể từ quân La Mã chiếm đóng Ai Cập vào năm 30 TCN. 

Nguồn: NBC