Hình ảnh xả rác "phá hoại" đại dương khiến con người xấu hổ

Antonio, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 22/04/2014

Theo ước tính của các chuyên gia, có khoảng 46.000 phế phẩm, rác thải từ nhựa trôi nổi trên 2,6 km vuông nước biển.

Nhựa là một trong những chất liệu tiện dụng nhất mà con người từng phát minh. Với đặc tính rẻ, bền, tiện lợi, nhựa được ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống - từ túi nilon cho tới đồ dùng, chai lọ nhựa… 

Tuy nhiên, cuộc sống chúng ta ngày nay đang phải đối mặt với mối đe dọa từ chính thứ chất liệu này gây nên. Những phế phẩm, rác thải từ nhựa bị vứt một cách bừa bãi xuống biển đang từng ngày, từng giờ đưa thế giới tới bờ vực ô nhiễm nặng nề…



Nhựa (hay chất dẻo) là các hợp chất cao phân tử, thành phần chủ yếu là các polymer hữu cơ. Nhựa được dùng làm vật liệu sản xuất nhiều đồ dùng hàng ngày như áo mưa, ống dẫn điện, chai lọ, túi nilon… 

Nhựa có tính bền, nhẹ, khó vỡ và màu sắc đa dạng nhưng rất khó phân hủy và tái chế. Trong lịch sử, chất liệu nhựa nhân tạo đầu tiên được sản xuất chính là vinyl clorua năm 1838.



Hiện nay, con người đang phụ thuộc rất lớn vào nhựa. Chỉ tính riêng ở Mỹ, có khoảng 331 triệu thùng dầu và khí thiên nhiên được dùng để sản xuất nhựa, tương đương 5% lượng tiêu thụ dầu mỏ của quốc gia này. 

Trong đó, 40% sản phẩm nhựa không đủ tiêu chuẩn có chứa chất hóa học độc hại như DDT, 50% chứa PCBs (một chất độc thần kinh bị cấm sử dụng ở Mỹ từ năm 1979).





Mỗi năm người Mỹ sử dụng 100 tỷ túi nilon, sản phẩm nhựa. Để phân hủy toàn bộ số lượng nhựa, túi nilon khổng lồ này cần phải mất từ 400 - 1.000 năm nếu chôn dưới lòng đất. Xét trên quy mô toàn cầu, con số này lên tới 1 tỷ tỷ và chỉ có chưa tới 1% trong số chúng được tái chế sử dụng.




Câu hỏi được đặt ra là, vậy phần lớn rác thải từ nhựa sẽ đi đâu? Chúng hoặc được chôn dưới lòng đất, hoặc bị ném vô tội vạ xuống biển. Theo thống kê của trang Clean Air, cứ mỗi phút lại có 1 triệu túi nilon được con người sử dụng và phần nhiều trong số này bị lãng phí và vứt chủ yếu ra biển cả và đại dương. 

Các chuyên gia ước tính, có khoảng 46.000 phế phẩm từ nhựa trôi nổi trên diện tích 1 dặm vuông (khoảng 2,6 km vuông) nước biển.





Rác thải, phế phẩm từ nhựa như chai, lọ, túi nilon bị vứt xuống biển theo các dòng hải lưu chu du khắp thế giới. Theo ước tính hiện nay, 33,5 triệu kg rác thải nhựa đang lênh đênh trên đại dương. Chỉ tính riêng dòng hải lưu Bắc Thái Bình Dương trong 40 năm qua, lượng phế thải nhựa gia tăng tới 100 lần. 





Một phát hiện thú vị do các nhà khoa học tìm ra: một chú vịt nhựa rơi trên biển Bắc Thái Bình Dương theo các dòng hải lưu qua Scotland, Bắc Đại Tây Dương, Nhật Bản và tới Bắc Mỹ chỉ mất 10 tháng. Nói cách khác, những loại rác, phế thải từ nhựa bạn vứt xuống biển ngày hôm nay sẽ chẳng mấy chốc mà chu du vòng quanh khắp thế giới.




Thời gian phân hủy của các phế phẩm từ nhựa luôn xếp top đầu trong số các loại rác thải bị vứt bừa bãi xuống biển, đại dương. Thống kê cho thấy, những chiếc dây cước câu cá làm từ nhựa chỉ có thể tan biến sau 600 năm, tiếp theo là chai nhựa với khoảng 450 năm và các vật dụng nhựa khác là 400 năm. 

Nếu nối tất cả rác thải từ nhựa được con người vứt bừa bãi trong một năm thành một sợi dây thì độ dài của sợi dây ấy có thể quấn quanh Trái đất tới 4 vòng.




Rác thải từ nhựa đặc biệt nguy hiểm đối với sự sống của các sinh vật biển. Trong số 120 loài thú sống dưới biển, có tới 54% loài thường xuyên ăn hoặc nuốt các phế thải nhựa bị vứt xuống đại dương. 






Các sinh vật này không phân biệt được đâu là thức ăn, đâu là rác thải từ nhựa như túi nilon, chai lọ… Chúng ăn các loại phế phẩm này và nhanh chóng bị các chất độc trong nhựa giết chết. 

Đặc biệt với túi nilon, do thời gian phân hủy rất lâu nên khi rơi xuống biển, chúng phủ lên bề mặt và giết chết các quần thể san hô, gây biến dạng hệ sinh thái dưới đáy biển.




Hiện nay, ở Việt Nam, dẫu tác hại của việc vứt rác thải từ nhựa như túi nilon bừa bãi luôn được dư luận lên án song dường như tình hình không mấy chuyển biến. Ít ai ngờ, mỗi ngày, người Việt xả ra khoảng 2.500 tấn rác nhựa ra môi trường bên ngoài, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. 

Theo dự đoán của các chuyên gia, con số này vẫn chưa dừng lại và còn gia tăng hơn gấp vài lần nếu như mỗi người dân không tự ý thức được hành động xả rác thải nhựa, túi nilon ra môi trường.

Ngày Trái đất (Earth Day) là ngày để giúp mọi người nâng cao nhận thức và giá trị của môi trường tự nhiên Trái đất. Sự kiện này lần đầu tiên được tổ chức tại Mỹ vào 22/04/1970 do thượng nghị sĩ Gaylord Nelson đề xuất.

Sau này, Ngày Trái đất được đưa lên tầm quốc tế vào năm 1990 với sự tham gia của 141 quốc gia. Năm 2009, Liên Hiệp Quốc chính thức chọn ngày này là Ngày Quốc tế Mẹ Trái đất.


* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Clean Air, Envirosax, Reuseit, Wikipedia...