Hình ảnh quý về người lính cụ Hồ tại Thành cổ Quảng Trị 1972

Antonio, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 27/07/2014

Cùng ngắm nhìn những bức hình hiếm về người lính cụ Hồ trong 81 ngày đêm chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị 1972.

Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm nhưng hình ảnh những chiến sĩ cách mạng dũng cảm hi sinh để bảo vệ Tổ quốc vẫn luôn in sâu trong tâm trí mỗi người dân đất Việt. Đối với chúng ta, họ là các anh hùng dân tộc sống mãi với thời gian. 

Nhân dịp kỉ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27/07, hãy cùng chiêm ngưỡng lại khoảnh khắc không thể nào quên của những người lính cụ Hồ đã chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972…
 

Bức ảnh chụp toàn cảnh khu vực Thành cổ Quảng Trị nhìn từ trên không - tòa thành có chu vi 2.080m, diện tích chưa đầy 3km2. Năm 1972, đây là địa danh chứng kiến một trong những trận đánh ác liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, kéo dài 81 ngày đêm: từ 28/06 – 16/09/1972.


Hình ảnh Thành cổ sau trận chiến vì hứng chịu bom đạn của kẻ thù.

Nhằm gây sức ép trên bàn đàm phán Hội nghị Paris, địch huy động lực lượng tấn công vô cùng hùng hậu: sử dụng bom bi, bom 7 tấn, bom điều khiển laser, pháo khoan… 

Số bom đạn trút xuống Thành cổ trong 81 ngày đêm lên tới 328 nghìn tấn, tương đương sức mạnh của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Nhật Bản năm 1945.

 

Có những thời điểm, quân địch bắn tới 5.000 quả đạn, phá tan những bức tường dày tới 12m của Thành cổ. Người ta ước tính, tại Quảng Trị, một chiến sĩ ta phải hứng chịu 100 quả bom và 200 quả đạn pháo mỗi ngày.


Những nụ cười vô tư, tươi tắn - điều không tưởng nhưng luôn hiện hữu trên khuôn mặt của các chiến sĩ trẻ.


Đứng trước sức mạnh vượt trội hoàn toàn của kẻ địch, những người lính cụ Hồ vẫn luôn dũng cảm chiến đấu, bảo vệ từng tấc đất quê hương. Họ phần lớn là các chàng trai trẻ tuổi đôi mươi, nhưng tất cả đều quyết hy sinh mà không chịu đầu hàng. 

 
 

Ngay trong nghịch cảnh, phẩm chất và vẻ đẹp của người chiến sĩ cách mạng vẫn được bộc lộ một cách tối đa. Đây là bức hình thể hiện sự lạc quan yêu đời của người lính trẻ - giữa bom rơi đạn lạc, các anh vẫn cắt tóc cho nhau. 

   

Để đáp ứng nhu cầu phục vụ chiến đấu, Đại đội 1, tiểu đoàn 25 vận tải, sư đoàn 320B đã lĩnh nhiệm vụ vận chuyển nhu yếu phẩm và đạn dược từ bên ngoài vào Thành cổ, bất chấp sức ném bom khủng khiếp của địch. Họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng cái giá phải trả là sự ra đi mãi mãi của 1/3 đại đội.


 

Các chiến sĩ quân giải phóng nhận những suất cơm trưa được vận chuyển dưới làn mưa bom bão đạn của quân địch.



 
Hình ảnh hai cha con người dân địa phương không quản ngại gian lao đưa các chiến sĩ vào Thành cổ chiến đấu. 

Những cựu chiến binh sau này từng kể lại, khi bộ đội xin giúp đỡ, người vùng này ai cũng tự nguyện hiến tặng: từ máy xát gạo, thuyền đánh cá cho tới máy bơm, các thùng nhiên liệu. Nhiều người còn nói: “Mấy chú từ miền Bắc vô đây chẳng tiếc máu xương để giải phóng cho bà con thì tụi tôi tiếc chi các thứ đó...”.


 

Với tinh thần chiến đấu dũng cảm và sự giúp đỡ, ủng hộ của nhân dân, các chiến sĩ quân giải phóng đã bảo vệ kiên cường từng tấc đất trong Thành cổ. Đây là tấm hình chụp lại niềm vui vô bờ bến của những người lính trẻ khi chiếm được một cứ điểm của địch ở Thành cổ.

 

Cuối cùng, sau 81 ngày đêm, quân giải phóng đã bảo vệ thành công tòa Thành cổ, đẩy lui đội quân xâm lược hơn 5 vạn người với vũ khí hiện đại vượt trội. 

Quan trọng hơn, chiến thắng ở Quảng Trị đã phá tan âm mưu gây sức ép cho ta trên bàn đàm phán ở Paris của địch. Song, để có được chiến thắng cuối cùng, khoảng 18.000 người con yêu nước đã ngã xuống vĩnh viễn.

Ngày 27/07 là ngày Thương binh Liệt sĩ Việt Nam. Đây là dịp chúng ta tưởng nhớ và tri ân công lao của những chiến sĩ cách mạng đã hi sinh một phần xương máu hay cả tính mạng, tuổi thanh xuân của mình vì độc lập, tự do và hòa bình của đất nước, dân tộc.

Ngày lễ này được ghi nhận như là một biểu hiện của truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, ăn quả nhớ kẻ trồng cây của người Việt Nam.


 * Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: History.vn, QĐND, LSVN...