Hình ảnh "đẫm máu" về thực trạng săn bắt cá voi

Quốc Trung, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 07/04/2014

Hãy dừng lại 1' và tự hỏi, liệu rằng con người có nên từ bỏ việc săn bắt cá voi và cứu chúng khỏi nguy cơ tuyệt chủng?<br/>

Cuối tháng 3 vừa qua, Tòa án Công lý quốc tế đã tuyên bố cấm Nhật Bản thực hiện việc đánh bắt loài động vật này ở các vùng biển Nam bán cầu. Đây là bước đi mới nhất của cộng đồng quốc tế trong nỗ lực bảo vệ cá voi.

Ngành săn bắt cá voi vốn đã có lịch sử từ hàng nghìn năm nay, trở thành một phần bản sắc văn hóa của nhiều cộng đồng dân cư trên thế giới. Tuy nhiên trước nguy cơ tuyệt chủng ngày một đe dọa, loài người đang nhìn nhận lại về ngành công nghiệp này.


Loài người đã đánh bắt cá voi từ hàng nghìn năm nay. Một trong những tài liệu xa xưa có ghi lại rằng, cách đây 5.000 năm, con người đã biết đánh bắt cá voi. Hình ảnh trên là một bức tranh khắc gỗ của Hà Lan vào thế kỉ XVIII, mô tả hoạt động săn bắt cá voi.



Thời xưa, con người săn bắt cá voi để lấy thịt ăn và mỡ làm chất đốt. Ban đầu, các thuyền đánh bắt cá voi còn rất thô sơ. Những người thợ săn cá voi thường phải đối mặt với muôn vàn nguy hiểm trong công việc.



Bước sang thế kỉ XVII, các đội tàu săn cá voi lớn bắt đầu hình thành với sự tổ chức quy củ và chặt chẽ hơn. Những thành tựu về máy móc công nghiệp sau đó làm cho hoạt động săn cá voi ngày một trở nên dễ dàng hơn.



Kết quả là đến thập niên 30 của thế kỉ XX, mỗi năm có đến 50.000 con cá voi bị giết. Sang đến giữa thế kỉ XX, số lượng cá voi mới sinh ra không đủ bù lại số cá bị con người giết hại. 

Năm 1986, Ủy ban Quốc tế về Săn bắt cá voi (International Whaling Commission – IWC) chính thức tuyên bố cấm hoàn toàn việc săn cá voi vì mục đích thương mại.


Tổ chức IWC cũng khẳng định, trên thế giới vẫn tồn tại một số ngoại lệ mà việc săn cá voi vẫn được coi là hợp pháp. Ví dụ, người dân Inuit sống ở vùng biển Bắc Cực vẫn được phép săn cá voi nhằm duy trì nguồn thực phẩm thiết yếu đối với họ. Tuy nhiên, số lượng cá voi bị giết hại phải nằm dưới mức cho phép.



Tại nhiều nền văn hóa khác nhau, thịt cá voi là thành phần không thể thiếu của nền ẩm thực truyền thống. Tại Iceland, nhiều món ăn của người dân đất nước này được chế biến từ thịt cá voi (trong ảnh). Loại thịt này cũng được tiêu thụ nhiều ở Nhật Bản và Na Uy.



Quần đảo Faroe, Đan Mạch cũng là một địa phương có truyền thống đánh bắt và sử dụng thịt cá voi làm nguồn thực phẩm.


Hàng năm tại quần đảo Faroe, người dân còn tổ chức một lễ hội đánh bắt cá voi. Họ dồn một số lượng lớn cá voi từ ngoài biển vào một vịnh hẹp, rồi “chế biến” chúng ngay trên bãi biển. 



Hình ảnh đường bờ biển đỏ màu máu của Faroe từng nhiều lần gây chấn động cả thế giới.

Thịt cá voi ở Faroe sau đó được chia cho người dân địa phương chứ không nhằm mục đích thương mại. Tuy vậy, việc có tới gần 1.000 con cá voi bị giết hàng năm tại đây vẫn khiến nhiều người kinh hãi.



Đây là hình ảnh một con cá voi bị xẻ thịt tại Nhật Bản. Nước này tiếp tục đánh bắt một số lượng lớn các loài cá voi ở Thái Bình Dương với mục đích “nghiên cứu khoa học”. Hành động này đã gặp phải sự phản đối của một số nước trong khu vực, trong đó có Australia và New Zealand.

  

Việc thịt cá voi được bày bán công khai tại các siêu thị và nhà hàng ở Nhật càng khiến cộng đồng quốc tế nghi ngờ mục đích thực sự của việc đánh bắt cá voi của nước này.


  

Bức ảnh trên ghi lại hình một con tàu đánh bắt cá voi của Nhật đang hoạt động, trên thân tàu có dòng chữ “legal research” (phục vụ cho việc “nghiên cứu hợp pháp”). Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, việc giết cá voi là trái đạo đức và việc thực hiện nghiên cứu khoa học không nhất thiết phải giết nhiều cá voi đến vậy. Thế nhưng, cuộc chiến pháp lý nhằm bảo vệ loài cá voi chắc chắn sẽ vẫn còn dai dẳng.

Tạm kết:

Những luật lệ về đánh bắt cá voi không chỉ gây tranh cãi về mặt pháp lý mà còn dấy lên câu hỏi về sự xung đột không ngừng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. 

Phải chăng, vì những tục lệ hay nguồn lợi trước mắt mà chúng ta sẵn sàng ra tay sát hại cá voi và làm ô nhiễm thêm nguồn nước biển? Đó thực sự là một vấn đề nhức nhối khi nạn ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái đang biến đổi từng ngày. Điều này phụ thuộc nhiều bởi chính thái độ ứng xử của loài người với tự nhiên.

* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: National Geographic, International Whaling Commission (IWC), Wikipedia...