Hiện thực cuộc sống qua "Người tí hon - đồ ăn khổng lồ"

Oksein, Theo 00:01 17/12/2011

Y hệt khung cảnh trong những câu chuyện cổ tích vậy...

Nếu bạn đã từng đọc qua câu chuyện cổ tích về anh chàng Gulliver lạc vào xứ Liliput, chắc hẳn bạn cũng từng thắc mắc không biết cuộc sống ở xứ sở tí hon sẽ như thế nào. Vậy thì hôm nay, chúng ta sẽ cùng đến thăm thế giới kỳ thú của những người tí hon, nhưng không phải trong truyện mà là trong một bộ ảnh rất ngộ nghĩnh đưới đây nhé!


Trượt kẹo - trò chơi chỉ có trong thế giới người tí hon.

Lướt xe trên... quả đỗ chắc thú vị lắm đây!

Các tu sĩ đi vào khu rừng nấm khổng lồ làm gì thế nhỉ?

Sinh ra và lớn lên ở miền Nam California đầy nắng ấm, ngay từ nhỏ, nghệ sĩ Matthew Carden đã thích vẽ tranh để kể lại những câu chuyện thú vị về những người mình gặp hàng ngày. Niềm đam mê của ông đến nay vẫn không hề vơi đi mà còn được hỗ trợ bởi một phương pháp thể hiện mới mẻ hơn, đó là nhiếp ảnh. 

Các loại rau củ và những người nông dân, công nhân là mô-típ chụp hình yêu thích của nhiếp ảnh gia này.





Mỗi bức hình của Carden lấy bối cảnh trên nhiều loại thực phẩm khác nhau mà trong đó, những người tí hon là nhân vật chính. Trong khung cảnh ấy, miếng pho mát, cây súp lơ, quả lê... bỗng biến thành khổng lồ và những con người bé bé xinh xinh cũng làm mọi công việc thường ngày như chúng ta: chơi thể thao, lao động trên công trường, thu hoạch mùa màng trong nông trại... Tất cả tái hiện một thế giới thực được thu nhỏ, tuy giản dị nhưng thật gần gũi và đáng yêu. 


Những công nhân miệt mài làm việc trên “công trường” chế biến cà phê.

Họ còn dùng cả rìu để khai thác sô-cô-la đấy nhé!

Những hoạt động hàng ngày được tái hiện qua thế giới tí hon, bỗng trở nên dí dỏm và ngộ nghĩnh đến lạ.


Màu sắc tự nhiên của các loại thực phẩm khiến những bức ảnh trông thật “ngon mắt”, đúng không nào? 

Các “nhân vật” tí hon chính là những mẫu đồ chơi hình người với đủ hình dáng, tư thế sinh động được nhiếp ảnh gia mua về từ các cửa hiệu đồ chơi. Các loại thực phẩm hay món ăn làm phông nền thì do vợ ông - một đầu bếp đồng thời cũng là food stylist (người tạo dáng đồ ăn) chuẩn bị. Sau khi sắp xếp bối cảnh, các nhân vật sẽ được gắn lại với thực phẩm bằng keo siêu dính.


Những người thợ lặn trong đám rong biển làm từ churro - một loại bánh rán kiểu Tây Ban Nha.

Nếu muốn xem bóng đá trong thế giới tí hon, bạn hãy đến sân... bánh mì nhé!

Đưa thực phẩm vào trong những tấm hình, nhiếp ảnh gia Matthew Carden muốn người xem ý thức hơn về một thói quen ăn uống lành mạnh, có lợi cho sức khỏe: “Cuộc sống hiện đại đầy bận rộn khiến chúng ta bị cuốn theo công việc và ít quan tâm hơn đến bữa ăn của mình. Chúng ta ăn trong lúc làm việc, ăn khi đang dán mắt vào màn hình máy tính hay thậm chí ăn cả trên đường đi. Các loại fast food, thực phẩm chế biến sẵn tuy rất hấp dẫn và giúp tiết kiệm thời gian, nhưng dường như chúng ta đã quá lệ thuộc vào chúng”. 


Thám hiểm vách đá phô mai.

Người thợ lặn chuẩn bị nhảy xuống ly nước.

Con đường củ cải.

Không chỉ vậy, việc đặt các loại rau quả, thức ăn... cạnh những người tí hon còn là cách rất khéo léo để tác giả truyền đạt một thông điệp ý nghĩa hơn. Hãy thử hình dung những người tí hon này là những người nghèo, những người hành khất, những trẻ em lang thang... Đối với chúng ta, mỗi quả táo, mỗi mẩu bánh mì là vô cùng bé nhỏ, nhưng khi đặt cạnh những người "tí hon" này, chúng thực sự trở nên quý giá. Khi mà chúng ta vứt bỏ thức ăn thừa, thì biết bao em nhỏ, bao người nghèo ở đất nước chúng ta và trên cả thế giới này thậm chí không có cái để ăn.


Leo núi trên những miếng pho mát.


Vượt thử thách leo lên đỉnh núi từ ngũ cốc.

Trên công trường khai thác... thịt gà tây.

Cả một kho bánh ngọt luôn bạn này!

Theo số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), 7 tỉ người trên thế giới lãng phí trung bình 1,3 tỉ tấn lương thực – thực phẩm/năm. Tính riêng năm 2010, có tới 925 triệu người bị đói trên toàn thế giới. Vào thời điểm mà từng đó con người vẫn đang vật lộn với nạn đói; thời điểm mà đất, nước và các nguồn tài nguyên năng lượng cần thiết để tạo ra thực phẩm nuôi sống loài người đang ngày càng cạn kiệt; thì tiết kiệm đồ ăn cũng chính là một cách để chúng ta bảo vệ hành tinh này. Vì vậy, hãy trân trọng từng miếng ăn dù là nhỏ nhất.