Hiểm họa thiên thạch: Mỹ, châu Á có thể thành đất chết

Lê Giang, Theo Mask Online 11:28 20/05/2012

Cùng các cập nhật: Hướng dẫn quan sát nhật thực hình khuyên ngày 21/5, thông minh hơn nhờ... điện giật.


Hiểm họa thiên thạch: Mỹ, châu Á có thể thành đất chết


Nhiều khu vực tại châu Á sẽ trở thành vùng đất chết nếu sóng thần xảy ra do thiên thạch rơi xuống biển. Cảnh báo này được đưa ra sau khi các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Southampton (Anh) sử dụng phần mềm NEOimpactor mô phỏng hàng nghìn vụ va chạm có thể xảy ra trên khắp thế giới. 

Theo mô hình NEOimpactor, nếu di chuyển với vận tốc khoảng 20.000km/giây, một thiên thạch có đường kính 100m cũng có thể gây ra những thiệt hại về người và tài sản cho một vài quốc gia. Thiên thạch có đường kính 200m nếu rơi xuống biển có thể gây ra những trận sóng thần có mức độ ảnh hưởng toàn cầu. Còn với thiên thạch đường kính 500m, mất mát về sinh mạng và của cải của hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới sẽ là vô cùng to lớn.

Xét riêng về những thiệt hại liên quan đến tính mạng người dân, những nước có dân số tập trung đông ở các vùng duyên hải sẽ có con số thương vong cao nhất. Đó là Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ. Tổn thất này sẽ cực kỳ nghiêm trọng nếu thiên thạch rơi xuống khu vực châu Á ven Thái Bình Dương. Trong tình huống xấu nhất, nhiều bang của nước Mỹ và một số nước châu Á có thể trở thành vùng đất chết.


Về mặt kinh tế, Mỹ đứng đầu danh sách các nước bị tàn phá do hầu hết các khu vực phát triển của quốc gia này đều tập trung ở vùng bờ biển Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Tiếp theo lần lượt là Trung Quốc, Thụy Điển, Canada và Nhật Bản. Mức độ thiệt hại về tài sản và cơ sở hạ tầng sẽ nặng nề nhất nếu vụ va chạm xảy ra ở vùng biển Bắc Đại Tây Dương, nơi sóng thần có thể lan tỏa đến cả châu Âu và Bắc Mỹ, san phẳng nhiều khu đô thị sầm uất trên đường nó đi qua.

Tuy nhiên, những dự báo trên đây có thể sẽ sai lệch khá nhiều nếu thiên thạch không đâm thẳng vào Trái đất mà vỡ thành nhiều mảnh khi bay qua bầu khí quyển, tạo thành không phải một mà là nhiều vụ va chạm với quy mô nhỏ hơn nhưng xảy ra trên phạm vi lớn hơn. Khí quyển Trái đất có thể bảo vệ chúng ta khỏi phần lớn các thiên thạch có đường kính dưới 40m. Tuy nhiên, trong số những vật thể gần Trái đất (NEO) thì có đến hơn 1 triệu thiên thạch đường kính lớn hơn 40m. Các thiên thạch đường kính dưới 500m thường khó phát hiện hơn các thiên thạch lớn từ 1km trở lên, nhưng khả năng chúng đâm vào Trái đất lại dễ xảy ra hơn, trung bình 1 lần trong 10.000 năm, trong khi các thiên thạch lớn thì khoảng 100.000 năm mới có 1 lần.   
    
Các thiên thạch có thể va chạm với Trái đất trong một thế kỷ tới:
-    2036, thiên thạch Apophis, đường kính khoảng 300m. Xác suất 1/45.000
-   2082, thiên thạch 2006 CS, đường kính khoảng 2,1km. Xác suất 1/77 triệu. Đây là thiên thạch có kích thước lớn nhất và khả năng va chạm nhỏ nhất trong danh sách NEO có khả năng va chạm với Trái đất.
-    2102, thiên thạch 2004 VD17, đường kính 580m. Xác suất 1/2777.
(Nguồn tham khảo: New Scientist)

Thông minh hơn nhờ… điện giật


Ai cũng biết rằng chất xám là chiếc chìa khóa để để có được trí nhớ phi thường, trí tuệ sắc sảo, phát minh tuyệt vời. Các nhà khoa học Trường ĐH Sydney (Australia) đã phát hiện dường như kích thích não bằng dòng điện làm cho người ta thông minh hơn. 



Trong quá trình thí nghiệm người ta áp dụng một bài đố quen thuộc: có 9 điểm trên một tờ giấy. Làm thế nào dùng bút nối được 9 điểm ấy bằng một nét bút liền mạch, không nhấc lên hoặc gấp giấy. Tưởng chừng đây là một câu đố đơn giản nhưng thực ra, nó vẫn là một “bài đố”  khá khó khăn.

Các nhà khoa học Australia đã tìm ra một phương pháp đơn giản mà vô hại để làm con người thông minh hơn. Họ kích thích não những người tình nguyện liên tục bằng một dòng điện một cách gián tiếp (tức là không có tiếp xúc). Bằng cách đó, các nhà khoa học đã ức chế phần não ở thái dương bên trái, đồng thời kích thích phần não phải. Nhờ vậy đã cải thiện được trí nhớ và tăng cường khả năng tiếp thu những điều mới mẻ cho những người tham gia thí nghiệm.

Sau 10 phút kích thích, 40% số người tình nguyện đã giải được bài đố 9 điểm nói trên. Như vậy, việc kích thích bằng dòng điện xuyên qua não có thể giúp con người giải quyết những bài toán trí tuệ rất phức tạp mà ở trạng thái bình thường họ không giải nổi.

Thí nghiệm của các nhà khoa học Sydney là một trong rất nhiều cố gắng để làm con người thông minh hơn. Để buộc bộ não làm việc hiệu quả hơn, các nhà sinh lý học thần kinh, tâm lý học, các bác sĩ đã đưa ra nhiều phương pháp khác nữa nhưng tác dụng rất thất thường.

* Đây mới chỉ là giả thiết nghiên cứu của các nhà khoa học, chưa có kết luận cuối cùng. Các bạn không nên tự ý thử nghiệm.

(Nguồn tham khảo: Vietnamnet)

Hướng dẫn quan sát nhật thực hình khuyên ngày 21/5


Pha nhật thực hình khuyên với độ che phủ 94,39% sẽ được quan sát trong một dải hẹp có bề rộng từ 240 đến 300km kéo dài từ bờ biển phía Đông Trung Quốc đến phía Nam Nhật Bản, qua Thái Bình Dương và kết thúc ở vùng phía Tây của nước Mỹ. Điểm quan sát được nhật thực cực đại nằm trên Thái Bình Dương. Dải nhật thực một phần được quan sát trong một vùng rộng lớn hơn bao gồm Đông Á, Đông Nam Á, Thái Bình Dương và Tây Mỹ.
 
Theo giờ Hà Nội, nhật thực một phần bắt đầu lúc 03:56:07 (giờ:phút:giây), kết thúc lúc 09:49:21. Nhật thực toàn phần bắt đầu lúc 05:06:17, cực đại lúc 06:53:54, kết thúc lúc 08:39:11, 
 
Ở Việt Nam, chỉ có thể quan sát được nhật thực một phần vào sáng sớm lúc Mặt trời mọc. Hầu hết các địa điểm trên lãnh thổ Việt Nam quan sát được cực đại của nhật thực một phần vào thời điểm Mặt trời bắt đầu mọc ở đường chân trời phía Đông. Tuy nhiên, cần lưu ý là do nhiều nguyên nhân như hạn chế tầm nhìn, che khuất đường chân trời, thời tiết không thuận lợi… nên chúng ta rất khó quan sát được nhật thực lúc Mặt trời mọc theo như tính toán mà chỉ quan sát được khi Mặt trời đã lên cao một chút. 

Việt Nam chỉ có thể quan sát được nhật thực một phần vào sáng sớm lúc Mặt trời mọc.

Một điều thú vị là do lần này nhật thực xảy ra lúc rạng đông nên chúng ta sẽ thấy Mặt trời màu đỏ lửa và khá dịu mắt do ánh sáng phần lớn bị hấp thụ bởi khí quyển. Ngoài ra, do ảo giác đánh lừa thị giác mà chúng ta cũng sẽ thấy Mặt trời to hơn so với khi nó ở trên đỉnh đầu. Bởi vậy, ngay trong thời khắc khi Mặt trời mọc và ánh sáng còn dịu, chúng ta có thể chiễm ngưỡng nhật thực bằng mắt thường.
 
Tuy nhiên, ngay sau đó, chúng ta phải sử dụng kính lọc chuyên dụng, hoặc các phương pháp quan sát truyền thống (như sử dụng kính lọc, kính hàn, chiếu hình ảnh của Mặt trời thông qua kính thiên văn hay ống nhòm lên tờ giấy trắng…) để chiêm ngưỡng nhật thực một phần, vì lúc này cường độ ánh sáng của Mặt trời cũng đã khá mạnh có thể làm tổn tương đến võng mạc.
 
Do nhật thực xảy ra vào sáng sớm nên chúng ta khó sử dụng phương pháp phản chiếu qua gương đặt trong chậu nước pha mực. Trong trường hợp này, muốn quan sát chúng ta phải sử dụng hai chiếc gương (chiếc gương thứ nhất đặt nghiêng dưới chậu nước pha mực, chiếc thứ hai có tác dụng định hướng hình ảnh của Mặt trời qua gương thứ nhất để tới mắt).
 
Cũng vì nhật thực lần này xảy ra lúc sáng sớm nên chúng ta phải chọn nơi thoáng, bao quát được chân trời phía Đông. Ở thành phố, chúng ta có thể quan sát trên những nhà cao tầng. Trên lãnh thổ Việt Nam vùng đất liền, Móng Cái là địa điểm quan sát được tỷ lệ che khuất lớn nhất 86,6% vào lúc 05:49:03, nhật thực một phần kết thúc lúc 06:14:20. Những hải đảo ở phía Đông sẽ quan sát được tỉ lệ che khuất lớn hơn.

Nhật thực hình khuyên xảy ra ngày 21/5 là lần nhật thực đầu tiên của năm 2012, lần thứ hai là nhật thực toàn phần sẽ xảy ra vào ngày 13/11. Nhật thực lần này chỉ được quan sát ở phía Nam Thái Bình Dương. Những người dân ở phía Bắc nước Úc có cơ hội được quan sát nhật thực toàn phần. Dải một phần sẽ bao phủ phía Nam Thái Bình Dương và châu Nam Cực.

Một số địa điểm quan sát nhật thực hình khuyên ở nước ta

-    Hà Nội quan sát được tỷ lệ che khuất cực đại 79,5% lúc 5h15'48'', nhật thực một phần kết thúc lúc 6h13'27''.
-    Cao Bằng quan sát được tỷ lệ che khuất cực đại 85,4% lúc 5h12'42", nhật thực một phần kết thúc lúc 6h15'35".
-    Đà Nẵng quan sát được tỷ lệ che khuất cực đại 67,3% lúc 5h15'06", nhật thực một phần kết thúc lúc 6h07'35".
-    Huế quan sát được tỷ lệ che khuất cực đại 65,9% lúc 5h17'54", nhật thực một phần kết thúc lúc 6h08'09".
-    TP. Hồ Chí Minh quan sát được tỷ lệ che khuất cực đại 32,5% lúc 5h30'51", nhật thực một phần kết thúc lúc 6h01'11".
-    Nha Trang quan sát được tỷ lệ che khuất cực đại 51,5% lúc 5h17'51", nhật thực một phần kết thúc lúc 6h02'35".


(Nguồn tham khảo: Bee)