Giải mã “lời nguyền” của dòng họ nhà bác học Darwin

An Ninh Thủ Đô/PLTP, Theo 14:18 10/06/2010

Là cha đẻ của thuyết tiến hóa, người đã tạo ra cuộc cách mạng về di truyền học của loài người, nhưng Charles Robert Darwin lại không thể thay đổi được lời nguyền mang tính di truyền của chính gia tộc mình.

Bi kịch truyền đời

Năm 1838, Charles Robert Darwin cầu hôn và cưới người chị họ xinh đẹp, thông minh Emma Wedgwood làm vợ. Những năm đầu của cuộc hôn nhân trôi qua trong êm đẹp.

Tuy vậy, bóng đen của sự bất hạnh nhanh chóng ập xuống. Từ năm 1839-1858, DarwinEmma sinh được 10 người con, nhưng 3 đứa trẻ đã chết khi còn nhỏ. Trong số đó, đứa con gái được ông cưng chiều nhất, Anne chết năm 10 tuổi vì viêm phổi. Sau này, nhà sinh vật học vĩ đại viết trong cuốn sách của mình: “Cả gia đình đã mất đi niềm vui”. Em gái của Anne, Mary sau khi sinh được 23 ngày cũng qua đời, còn đứa em trai tiếp theo Charles chết khi được 18 tháng vì nhiễm bệnh sốt phát ban. Những đứa con còn sống của họ phần lớn yếu ớt và nhiều bệnh tật, trong đó 3 người sau này bị vô sinh.


Charles Darwin cùng một trong những người con, William Erasmus Darwin

Nỗi bất hạnh đó dường như ám ảnh hầu hết các thành viên trong gia tộc Darwin. Trong số 62 người thuộc thế hệ sau, có tới 38 người không thể sinh con, còn tỷ lệ tử vong lên tới 30%. Bản thân Charles Darwin ngay từ thời trẻ cũng mắc rất nhiều bệnh, trong đó có căn bệnh kỳ quái về da. Cho đến cuối đời, ông luôn bị hành hạ bởi các căn bệnh như đau dạ dày, đau đầu, tim, run tay… Người ta đã nhắc tới một lời nguyền độc ác nào đó với dòng họ có nhiều nhà khoa học hàng đầu này, song mãi tới gần đây, nguyên nhân mới được các nhà nghiên cứu Mỹ tìm ra: Bi kịch của gia tộc Darwin chính là do những cuộc hôn nhân cận huyết thống.

Hôn nhân cận huyết thống

Các học giả Tim Bella thuộc Đại học Ohio, Gonzalo Alvarez và Francisco Ceballos thuộc Đại học Santiago de Compostela đã nghiên cứu 176 thành viên thuộc 4 thế hệ của gia tộc Darwin và phát hiện ra ông bà ngoại của Charles Darwin cùng mang họ Wedgwood. Mẹ của ông sau khi kết hôn đổi sang họ Darwin, còn bản thân ông sau này lại cưới chị họ bên ngoại, người mang họ Wedgwood. Khi đưa dữ liệu về sự liên hệ của 2 dòng họ WedgwoodDarwin vào một phép tính, người ta tính được “chỉ số giao phối cận huyết” của họ là 0,063%. Điều đó có nghĩa, trong số gene mà con cái của Darwin thừa hưởng từ bố mẹ, có 6,3% là tương đồng.

Nhìn từ góc độ di truyền học hiện đại, gene của một đứa trẻ có ½ đến từ bố và ½ đến từ người mẹ. Có một số gene gây bệnh di truyền là gene ẩn, nếu chỉ có bố hoặc mẹ mang gene này, thì khi tiếp nhận, gene gây bệnh ở thế hệ sau cũng có thể là gene ẩn. Tuy nhiên, nếu cả bố và mẹ đều cùng mang, ở thế hệ sau nó sẽ trở thành gene hiện. Vì vậy, “chỉ số giao phối cận huyết” càng cao, tỷ lệ con cái thừa hưởng gene mang bệnh hiện càng lớn vì chúng không được sự bù đắp gene tốt từ bố hay mẹ. Đó chính là nguyên nhân khiến thế hệ sau của những cuộc hôn nhân gần huyết thống mắc nhiều bệnh và có khả năng miễn dịch thấp.

Thực ra, Charles Darwin cũng đã có những dự cảm về việc này, ông cũng từng phát hiện ra trong các công trình nghiên cứu của mình rằng thế hệ sau của những thực vật tạp giao so với thế hệ sau của những thực vật không lai tạo có gene ưu việt hơn, khỏe hơn và sức sống mạnh mẽ hơn. Từ kết quả đó, ông lờ mờ nhận ra rằng việc kết hôn cận huyết thống của gia đình mình là không ổn và nghi ngờ chính điều đó dẫn đến bi kịch của thế hệ sau.

Tuy vậy, thời Darwin sống là thế kỷ 19, việc kết hôn cận huyết thống trong các gia đình giàu có để giữ gìn tài sản và ảnh hưởng của dòng họ là chuyện không hiếm gặp. Theo thống kê, ở Anh khi đó có khoảng 10% dân số có quan hệ gần gũi. Một vài người ở thời đại đó cũng bắt đầu nhận ra “hôn nhân cận huyết thống khiến đời sau câm điếc bẩm sinh”. Năm 1870, Darwin gửi thư cho người hàng xóm, nghị sỹ Anh John Rubauk, đề nghị điều tra dân số toàn quốc để kết luận về tình trạng thế hệ sau của những cuộc hôn nhân cận huyết thống, tuy nhiên yêu cầu này bị từ chối.