Đúng hay sai việc "cầm tù" động vật quý hoang dã

Sơn Hải, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 30/03/2014

Nuôi nhốt những loài động vật hoang dã là điều đúng hay sai, đến nay vẫn là một câu hỏi khó cho tất cả mọi người...

Trong những năm gần đây, một tranh cãi rất lớn nổi lên về việc cá nhân có thể nuôi dưỡng những con vật hoang dã. Một số người cho rằng, đây là một việc làm đúng khi nó sẽ giúp bảo vệ, nhân bản số lượng các loài thú quý hiếm tuy nhiên nhiều người khác lại không hề nghĩ như vậy…

Việc nuôi dưỡng các loài động vật hoang dã trong môi trường nhân tạo làm mất đi bản tính sinh tồn và sức sống vốn có của chúng. Một người đàn ông tên John Matus đã mua một chú gấu cái tên Boo Boo tại một club. 

Tuy nhiên, sau một thời gian nuôi dưỡng, người đàn ông ở Ohio đành phải đưa chú gấu đến một khu bảo tồn động vật hoang dã. Ông cho rằng: "nó cần phải được ở với đồng loại của mình, cuộc sống của Boo Boo trước đây là một cuộc sống hoàn toàn cô đơn".

Việc nuôi nhốt các loài động vật này vô cùng nguy hiểm với con người. Như trong hình, để đáp ứng sự an toàn, Mike Stapleton đã xây dựng một hàng rào bao vây quanh con hổ của mình. Ông chia sẻ rằng: "Tôi không dám vào trong lồng bởi bạn không bao giờ biết khi nào bản năng của chúng sẽ trỗi dậy".



Không ai biết chính xác có bao nhiêu con thú hoang dã hiện đang sống trong điều kiện nuôi nhốt ở Mỹ. Điều duy nhất chúng ta biết là rất nhiều con thú đã bị bỏ rơi, được đưa tới khu bảo tồn vì chi phí chăm sóc chúng trở nên quá đắt đỏ hay chủ của chúng không thể tiếp tục nuôi dưỡng vì quá nguy hiểm.

Trong năm 2011, Terry Thompson đã phóng thích hơn 50 vật nuôi hoang dã của mình bao gồm sư tử, hổ, gấu, chó sói. Sở dĩ Terry có thể dễ dàng phóng thích động vật mà không bị cơ quan chính quyền "hỏi thăm" là bởi khi ấy, bang Ohio không đòi hỏi phải có giấy phép sở hữu các động vật hoang dã. Và người nuôi dưỡng động vật cũng không phải chịu trách nhiệm trước những hành vi của mình.



Chính bởi chính quyền không kiểm soát hết được tình trạng thả động vật hoang dã ra môi trường nên trọng trách mà cảnh sát trưởng Matthew Lutz phải đảm nhiệm càng thêm lớn lao. Ông được giao nhiệm vụ tiêu diệt động vật hoang dã trốn thoát ra bên ngoài để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.  

Ông chia sẻ trong tiếc nuối: "Đó quả là một quyết định khó khăn với tôi. Tôi không muốn giết chúng nhưng sự an toàn của cộng đồng luôn được đặt lên hàng đầu".



Trong một lần truy quét của cảnh sát, 48 con thú đã bị sát hại, số còn lại bị bắt và được đưa về sở thú Columbus. Kể từ sau vụ việc đau buồn này, các chính sách kiểm soát người nuôi thú hoang dã ở Ohio càng trở nên chặt chẽ. 

Tính đến ngày 1/1/2014, chủ sở hữu "động vật hoang dã nguy hiểm" phải đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về an ninh, bảo hiểm trách nhiệm và nhiều thứ hơn nữa. Chính quyền còn xây dựng một cơ sở lớn để tạm thời nuôi dưỡng bất kỳ loài động vật hoang dã nguy hiểm nào bị tịch thu trước khi trả về tự nhiên.



Tim Harrison là một cựu sĩ quan an ninh. Từ năm 2012, ông đã tham gia các hoạt động cộng đồng ở Ohio, chủ yếu là công việc vận chuyển các động vật hoang dã nguy hiểm đến khu bảo tồn. Ông chia sẻ rằng : "Chó và mèo cần sống trong nhà với người còn động vật hoang dã thì không".



Tuy nhiên, không ít người lại cho rằng việc động vật hoang dã tiếp xúc với con người, đặc biệt là những con thú non sẽ mang lại lợi ích cho chúng nhiều hơn. Khi được nuôi nhốt trong môi trường nhân tạo, số lượng chúng sẽ được nhân lên nhanh hơn. Nhiều loài động vật hoang dã còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của rất nhiều người.



Leslie-Ann Rush là một huấn luyện viên ngựa tại Florida. Cô nói rằng: "Cuộc sống của tôi chính là các loài động vật”. Leslie-Ann Rush nuôi, chăm sóc rất nhiều chuột túi và các loài vượn cáo từ giai đoạn sơ sinh bởi theo cô, việc này giúp ích rất nhiều cho việc bảo tồn các loài vật quý hiếm này.



Bác sĩ thú y Melanie Butera đã nuôi dưỡng hươu cái Dillie sau khi nó bị mẹ bỏ rơi. Dillie được chăm sóc như thành viên trong gia đình. Butera thậm chí còn dành một căn phòng ngủ riêng cho cô nàng hươu này. Butera nói, "Dillie được đối xử như một công chúa".




Không ít các động vật hoang dã được nuôi nhân tạo đã phục vụ tích cực cho việc nghiên cứu khoa học. Nhà động vật học Alison Pascoe Friedman đã mua một chú khỉ mang tên Amelia vào năm 1980. 

Sau đó, Amelia được sử dụng để nghiên cứu về một dự án hành vi. Khi dự án kết thúc, Alison đã thu khá nhiều tài liệu quan trọng cho khoa học. Cô đã mang con khỉ đến ở nhà của mình tại New York và chăm sóc rất tận tình. Amelia sống an nhàn tới năm 45 tuổi và qua đời trong giấc ngủ yên bình.


Trong ảnh là Bobbi Phelan bên cạnh con khỉ patas tên Eujo của mình. Mặc dù chú khỉ rất ngoan nhưng có một lần con khỉ đã thoát khỏi chuồng và cắn chết con chó của Phelan. Sau đợt đó, Bobbi Phelan đã để chú khỉ Eujo vào lồng cùng nhiều con thú khác để mọi người cùng được ngắm nhìn.



Sau khi chồng đầu tiên chết vì suy gan, Melanie Typaldos đã mua Garibaldi Rous - một con hải ly và chăm sóc nó như con của mình. Điều này đã thu hút được sự chú ý của khoa học khi đa phần các động vật gặm nhấm khổng lồ có xu hướng chết trong điều kiện nuôi nhốt.


Các động vật hoang dã nuôi nhốt nhân tạo còn đóng góp vai trò quan trọng trong các hoạt động nghệ thuật. Huấn luyện viên động vật Pamela Rosaire Zoppe người Florida đã mua chú tinh tinh Chance. Ông đã huấn luyện Chance thành một bậc thầy diễn xuất và giúp chú xuất hiện trong các bộ phim Hollywood. Bây giờ Chance đã trở thành một ngôi sao lớn và có một cuộc sống vô cùng vương giả.

Tại Việt Nam, tổ chức/cá nhân chỉ được nuôi các loài thuộc danh mục động vật rừng mà Pháp luật cho phép. Đồng thời, phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở nuôi và nguồn gốc của động vật theo đúng quy định của Pháp luật.

* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: National Geographic, Discovery News...


Bạn có thể xem thêm:

xot-xa-truoc-tieng-khoc-cua-loai-ho