Đi tìm nguồn gốc cây kem mát lạnh thời xa xưa

Việt Anh, Theo Mask Online 00:00 11/05/2012

Những thông tin thú vị về nơi khai sinh ra kem và con đường kem tới Việt Nam...

Mùa hè đến mang theo cái oi, nóng kinh khủng khiến ai cũng cảm thấy uể oải, khó chịu. Trong thời tiết ấy, một ly nước giải khát hay vài que kem mát lạnh là sự lựa chọn không thể bỏ qua. Thế nhưng, không phải ai cũng biết tường tận về thứ đồ giải khát ấy. Chúng ta cùng leo lên "cỗ máy thời gian" và khám phá tất-tần-tật lịch sử của những cây kem mát lạnh nhé!

Hoàng đế La Mã Nero là người đầu tiên ăn kem. Vào một buổi đại tiệc năm 54, ông đã nghĩ ra một món tráng miệng cực kỳ lạ lẫm với cái tên “tuyết ngọt”. Đây là món ăn tiền thân của món kem hiện đại ngày nay, nó được làm từ tuyết trên đỉnh núi Apennine ướp nhiều lần với hoa quả và mật ong.


Món kem Trung Quốc thời cổ đại gần với kem ngày nay hơn. Dưới thời nhà Đường, người ta chế ra một món giải khát bao gồm hỗn hợp sữa trâu, bò, dê đã lên men, trộn cùng bột mỳ, sau đó được ướp long não cho có hương vị và làm lạnh bằng băng với muối. Tất nhiên, chỉ có giới hoàng gia quý tộc mới có cơ hội để thưởng thức thứ đồ xa xỉ này.


Tuy là nguồn cội của kem song chỉ tới khi Marco Polo trở về từ Trung Quốc mang theo những điều lạ lẫm về “sữa được làm khô trong đống bột nhão”, kem mới thực sự trở thành một món giải nhiệt phổ biến ở châu Âu.


Có thể chia kem thành rất nhiều loại theo tiêu chí khác nhau: kem hoa quả, kem hương vị ngọt, kem que... với cách ăn phổ biến là cho vào ly hoặc ốc quế.


Cây kem que đầu tiên ra đời cách đây hơn 80 năm, do một người Mĩ tên Christian Nelson và người bạn cùng kinh doanh Russell Stover sáng tạo ra. Khi đó, người ta đặt cho nó một cái tên kì lạ: Eskimo Pie (nghĩa là bánh Eskimo).


Que để làm kem que cũng phải đạt những yêu cầu khá cao, không phải bất cứ thứ gỗ nào cũng dùng được. Gỗ làm que kem thường là gỗ bạch dương, gỗ sồi, dẻ gai, tre và một số loại gỗ khác. Ở vài nước, ngoài những que được làm từ gỗ bình thường, người ta còn dùng que bằng cao su được làm đông cứng.


Kem du nhập vào Việt Nam đầu thế kỉ XX theo bước chân xâm lược của thực dân Pháp.


Nơi bán kem đầu tiên tại thủ đô là khách sạn Grand trên phố Hàng Trống, nay là siêu thị Intimex ở phố Lê Thái Tổ. Nhân viên quán bar của khách sạn cho kem vào cốc thủy tinh miệng rộng, kèm theo một chiếc thìa con bằng đồng.


Năm 1936, quán kem đầu tiên do người Việt mở ra ở số 37 phố Cầu Gỗ có tên là Zéphyr (tạm dịch là: Gió heo may). Chủ tiệm là cô con gái lớn Phạm Thị Hồng, con cụ Phạm Quang Hưng làm phán ở Bưu điện Bờ hồ. Tuy nhiên, quán chỉ hoạt động được khoảng 3 năm thì phải đóng cửa.


Song, không phải người Pháp mang kem que tới Việt Nam. Chủ tiệm kem que đầu tiên tại Hà Nội nằm ở Bờ hồ lại chính là người Nhật. Loại kem này tiện và thu hút hơn, người dân bình thường cũng có thể mua nên được ưa chuộng nhiều.