Đi tìm dấu vết các họa sĩ hang động cổ đại

Pikachu, Theo 00:00 19/11/2011

Từ thời cổ đại, con người đã biết ghi lại những gì mình quan sát được lên các vách đá, tiền thân của nghệ thuật vẽ tranh sau này...

Trong lịch sử nhân loại, chúng ta từng phát hiện ra nhiều bức tranh được ghi lại trong các hang động hay những hình điêu khắc trên đá. Những tác phẩm nghệ thuật đó thường thể hiện cho khát vọng của loài người. Tuy vậy, các bức tranh này bắt nguồn từ đâu, ai là người vẽ ra nó thì vẫn là một ẩn số. Hôm nay, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về những người nghệ sĩ “giấu mặt” này nhé!



Theo nghiên cứu, những họa sĩ người Cro - Magnon (giống người hiện đại đầu tiên, hay còn gọi là người Homosapien) đã để lại nhiều bức tranh trong hang động Lascaux, Pháp. Qua bằng chứng này, các nhà sử học kết luận “máu nghệ thuật” từ lâu đã tồn tại trong con người chúng ta.



Những người theo “chủ nghĩa hiện thực”

Các họa sĩ cổ đại là những người có đầu óc thực tế. Theo một nghiên cứu được công bố vào tuần trước, trong sách Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Pháp, đội nghiên cứu nhận thấy các họa sĩ cổ đại thường hay vẽ những gì mình nhìn thấy hơn là những gì họ tưởng tượng ra.

Những con ngựa trong bức vẽ trên hang động ở Pháp đã mô tả tương đối chính xác hình dáng những con ngựa chúng ta thường thấy ngày nay, trong số đó có cả ngựa… đốm.

Theo một báo cáo của AFP (Hãng Thông tấn xã của Pháp), khi nghiên cứu xương và răng của hơn 30 con ngựa có niên đại 35.000 năm, các nhà nghiên cứu khẳng định rằng, những con ngựa thời kì này mang một loại gen tương tự gen được tìm thấy trong da của báo đốm (loại gen này cũng được tìm thấy ở ngựa hiện đại).



Những người đặt nền móng ban đầu cho nghệ thuật tranh tĩnh vật

Những bức tranh hang động có thể không giá trị bằng những bộ phim bom tấn của Hollywood nhưng có thể nói, những tác phẩm nghệ thuật này đã đặt ra những nền tảng giúp phát triển các ngành nghệ thuật sau này, trong đó có tranh tĩnh vật.

Các bức tranh này thường diễn tả một cốt truyện nhất định. Đội nghiên cứu tin rằng, vào thời kỳ cổ đại, còn người đã biết sử dụng sáo và biết cách trưng bày chúng như một đồ vật trang trí. Thậm chí, có nhà sử học cho rằng việc trang trí các cây sáo đã được nâng tầm thành một môn nghệ thuật thời đó. Dựa trên những gì quan sát, các họa sĩ bắt đầu ghi lại hình ảnh cây sáo được bày một cách cẩn thận, bước đầu hình thành nghệ thuật vẽ tranh tĩnh vật.



Phụ nữ và các bé gái - nghệ sĩ của thời kỳ đồ đá?

Phụ nữ và các bé gái đã có những đóng góp quan trọng cho nghệ thuật thời kỳ đồ đá. Họ thường sử dụng sáo hoặc các ngón tay để khắc lên đá những hình vẽ, chẳng hạn hình các con vật hay mô hình trừu tượng. Bức hình trừu tượng ở hang động Rouffignac, Dordogne (Pháp) tiết lộ rằng, rất có thể phụ nữ và các bé gái chính là những nghệ sĩ tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật vẫn tồn tại đến tận ngày nay.

Nhà nghiên cứu Leslie Van Gelder đưa ra khẳng định này dựa trên vị trí của những cây sáo in hằn trên các bức hình trong hang động. Đa số, bức hình đều ở gần mặt đất. Nhiều khả năng, đó là tác phẩm của trẻ em.



“Cướp trên giàn mướp” nhà của loài gấu

Để có thể thỏa chí thể hiện tài năng “vẽ vời” của mình, nhiều họa sĩ hang động đã đuổi các “cư dân” đang cư trú trong hang đó đi nơi khác. Và bạn biết không, đa phần, những “cư dân” mà các họa sĩ hang động cổ đại đuổi đi là các gia đình loài gấu.

Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 4/2011 trên tạp chí Khoa học Khảo cổ, hai hang động ở Pháp chứa nhiều bức tranh có niên đại khoảng 32.000 năm trước. Các nhà khảo cổ còn phát hiện ra dấu vết loài người đuổi gấu ra khỏi hang để có thể sinh sống và vẽ trong đó. Hình ảnh hang động gấu thậm chí còn xuất hiện trên một số bức tranh trong hang.



Mặc dù loài người cũng phải chịu phần nào trách nhiệm về sự tuyệt chủng của gấu cổ đại trong các hang động rộng lớn nhưng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho loài người về việc đó. Ngoài yếu tố con người, môi trường và thay đổi khí hậu cũng là nhân tố tác động không nhỏ đến sự tồn vong của loài động vật này.

“Tại sao các họa sĩ hang động cổ xưa lại chọn thể hiện các tác phẩm của mình trong hang động?” - câu hỏi đó cho đến nay vẫn là một bí ẩn. Thoạt đầu, nhiều nhà khảo cổ cho rằng các bức tranh là biểu hiện của sự sáng tạo, và họ tạo nên những bức tranh ấy với mục đích giải trí đơn thuần.



Tuy nhiên, khi nghiên cứu các bức tranh trên đá cổ đại, các nhà nhân chủng học lại cho rằng đó là sản phẩm của niềm tin tôn giáo. Ý kiến này xem ra rất đáng suy nghĩ vì nó trùng với giả thiết được công bố trên tạp chí Khảo cổ học Oxford năm 2010.