Đi thăm Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ở Hà Nội

June, Le Diable, Theo 00:00 20/10/2011

Xem, đọc và hiểu thêm về người phụ nữ Việt Nam qua các hình ảnh, tác phẩm và hiện vật đặc trưng...

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam - nơi lưu giữ, trưng bày và tái hiện hình ảnh biểu tượng của người phụ nữ đất Việt từ thời xa xưa cho tới hiện đại.

Bao gồm 4 tầng với hàng nghìn các loại tư liệu và hiện vật, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã mất gần 10 năm để tìm kiếm và thu thập trên khắp cả nước: từ những hình ảnh cho đến các bộ trang phục, tất cả đều mang đặc trưng của người phụ nữ Việt Nam.

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam dưới tán cây xanh trên số 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân lên nền đá cẩm thạch của bảo tàng là bức tượng mang tên “Mẹ Việt Nam”, được thiết kế bởi nghệ sĩ Nguyễn Phú Cường, hiện diện trang nghiêm ngay ở sảnh ra vào.


Bức tượng "Mẹ Việt Nam" là biểu tượng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

“Mẹ Việt Nam” miêu tả hình tượng một người phụ nữ đang đỡ cậu con trai của mình trên vai. Bàn tay phải như đang đẩy những khó khăn, sóng gió xuống dưới chân mình, nhằm che chắn và bảo vệ cho con.

Nhìn lên phía trên, ta có thể thấy một mái nhà hình vòm được thiết kế độc đáo, giúp tận dụng ánh sáng mặt trời tối đa, đảm bảo chiếu sáng cả tầng một nhưng không quá nóng vào mùa hè. 


Kiến trúc mái vòm độc đáo của bảo tàng.

Tầng thứ hai của bảo tàng là nơi trưng bày những hiện vật từng gắn liền với cuộc sống người phụ nữ Việt Nam như công cụ làm việc, đồ trang sức… Một số hiện vật có niên đại từ thời trống đồng Đông Sơn.

Những hiện vật "cổ truyền" như các công cụ bếp núc, nông nghiệp...


Để thu thập các hiện vật này, bảo tàng đã phải mất gần 10 năm.


Bộ trang sức bằng bạc được chạm khắc rất tinh xảo.



Xen giữa những hiện vật thể hiện một cuộc sống bình yên của người phụ nữ là các hiện vật được lưu lại trong chiến tranh. Những bức ảnh thể hiện cảnh giam cầm, thẩm vấn của kẻ địch sẽ khiến bất cứ ai xem cũng cảm nhận được sự kiên cường, bất khuất của người phụ nữ Việt, “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.


Những hiện vật của các bác, các cô được lưu lại từ thời chiến tranh.


Trọng tâm ở tầng thứ ba chính là những ghi chép, hiện vật của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong suốt 81 năm hoạt động của mình. Tầng này được rất nhiều du khách nước ngoài yêu thích khi trưng bày rất nhiều hiện vật là những món quà của phụ nữ trên khắp thế giới gửi đến, ủng hộ hoạt động của hội.


Những tấm áp phích đầy màu sắc được treo khắp nơi trên tường đã thể hiện sự đoàn kết, sức mạnh quốc tế to lớn của phụ nữ khắp năm châu.


Một góc tầng 3 bảo tàng.

Nếu tầng 3 là quà của bạn bè quốc tế gửi tặng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thì đến với tầng 4, chúng ta sẽ được trở về chủ đề người phụ nữ Việt. Đây là nơi giới thiệu những loại trang phục của người phụ nữ Việt Nam trong suốt chặng đường dài lịch sử, bên cạnh đó là thông tin về 54 dân tộc anh em trên cả nước.




Trang phục truyền thống của phụ nữ các dân tộc thiểu số


Phiên bản tà áo dài Việt Nam qua các thời kỳ.


Lễ phục cưới truyền thống của người Việt Nam.


Còn đây là lễ phục cưới thời xưa. Trong ngày trọng đại này, cô dâu sẽ mặc một bộ lễ phục màu đỏ, tượng trưng cho sự may mắn, chúc phúc cho cuộc sống gia đình yên ấm sau này đó!


Dù mô hình ma nơ canh cứng nhắc không thể hiện được trọn vẹn nét đẹp mềm mại của những bộ trang phục này song nó vẫn đủ để chúng ta mở rộng tầm mắt, hiểu hơn về vă hóa các dân tộc thiểu số. Thông qua những bộ trang phục này, ta có thể nhận thấy sự khéo léo và tinh tế của người phụ nữ Việt Nam trong cách ăn mặc.


Sau khi tham quan xong 4 tầng của bảo tàng, chắc hẳn đã có một chút gì đó đọng lại trong bạn về hình ảnh đặc trưng của người phụ nữ Việt Nam: từ bức tượng hiện thân của người mẹ, cho tới những hiện vật lịch sử, tư liệu giao lưu quốc tế...

Nhân dịp 20/10, tại sao chúng ta không cùng các bà, các mẹ hay chị của mình làm một "tour" quanh bảo tàng đầy ý nghĩa này nhỉ? Chắc chắn rằng, đây sẽ là cơ hội giúp bạn và mọi người hiểu nhau hơn đấy!