Đem phép thuật của Harry Potter vào đời thực

Mèo Lợn, Theo 00:00 16/11/2010

Những dân thường (Muggle) như chúng ta cũng chẳng thua kém giới phù thủy là mấy đâu nhé. <img src='/Images/EmoticonOng/02.png'>

Chẳng cần tới thần chú hay những phép nhiệm màu, con người vẫn có thể tạo ra những điều kỳ diệu không thua gì Harry Potter. Cùng “ngắm nghía” những tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp đưa cuộc sống xích lại gần những điều viễn tưởng nhé.
 
Đũa phép
 
 
Đây có lẽ là vật tượng trưng cho thế giới phù thủy, là thứ đồ bất ly thân của bất của bất cứ nhân vật tài phép phi thường nào. Trong cuộc sống thực, việc tạo ra những chiếc đũa có thể tung ra những bùa phép chết người vẫn là chuyện của tương lai nhưng các nhà sáng chế cũng đã kịp làm ra những vật khá ấn tượng.
 
Ngay từ năm 2001, một nhà sản xuất đồ chơi mang tên Gene Korienek đã nộp bằng sáng chế một món đồ chơi chạy pin có hình chiếc đũa có thể phản hồi lại các động tác vung tay của người dùng bằng cách rung và sáng lên.
 
"Đũa thần" Wii
 
Giờ đây, những “chiếc đũa thần” đã xuất hiện khá nhiều trong ngành công nghiệp game. Các bộ điều khiển cảm ứng của máy Nintendo Wii, PlayStation 3 đều có dạng thanh và biến các chuyển động do người chơi tạo ra thành động tác trong game. "Kinect" của máy Xbox 360 do Microsoft thiết kế còn đi xa hơn khi không cần “đũa thần” mà nhận biết luôn các cử động của người chơi.
 
Chổi bay
 

Chổi bay là một trong những món đồ rất hot của thế giới phù thủy và giới phù thủy teen rất thích thú nếu được sở hữu các model mới nhất. Chính nhờ khả năng điều khiển chổi bay bẩm sinh mà Harry Potter trở thành một cầu thủ Quidditch nổi tiếng cũng như nhiều lần thoát hiểm.

Những thiết bị bay cá nhân cũng là mơ ước từ lâu của giới "Muggle" chúng ta. Dù chưa thể tiện dụng và "xịn" như chiếc chổi Tia chớp nhưng bộ động cơ phản lực cá nhân thực tế đã được bán ra trên thị trường đầu năm nay với mức giá 80.000 USD.
 
Một công ty ở New Zealand đã tạo ra bộ động cơ này và trong thử nghiệm, nó có thể bay với tốc độ khoảng 100km/h trên quãng đường khoảng 50km cũng như đạt tới độ cao đáng nể hơn 2.500m. Tất cả là nhờ động cơ chạy xăng và hai chiếc quạt cực mạnh hình ống.
 
Nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật lý năm 2010 Andre Geim cũng từng nổi tiếng với thí nghiệm nâng bổng một con ếch sống bằng lực nghịch từ cách đây hơn 10 năm. Nếu ứng dụng được trong đời sống, nó rất có thể sẽ thỏa mãn ước mơ bay của mỗi cá nhân.
 
Chiếc áo tàng hình
 
 
Đây là tài sản cá nhân quý giá nhất của Harry Potter và chắc hẳn nhiều fan của chàng phù thủy này đều từng mơ ước có lúc được khoác lên mình tấm áo mượt mà như nước với tính năng kỳ diệu. Điều đó rất có thể sẽ sớm thành hiện thực.

Các vật liệu tiên tiến là thứ mà giới Muggle chúng ta gần đạt tới “đẳng cấp” của phù thủy nhất. Các nhà khoa học đã tạo ra những vật liệu có thể “đánh lừa” các quy luật vật lý như bẻ cong ánh sáng hay âm thanh theo những cách kỳ dị. Họ cũng đã chế được những vật liệu có thể khiến mọi vật trở nên vô hình dù hiện mới chỉ ở mức độ cực nhỏ.

Gần đây, các nhà vật lý ở Trường Đại học St. Andrews tại Scotland đã phát minh ra vật liệu Metaflex được làm từ polyme và silicon có thể “nắn” ánh sáng mà con người nhìn thấy được. Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình “may” những tấm áo tàng hình tương lai.

Những cánh cổng bí mật
 
 
Harry và các bạn cùng lớp phải đi qua một nhà ga ma thuật để bắt chuyến tàu tới trường. Chuyện tưởng như đùa này có thể sắp xuất hiện vì các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang sắp hoàn thành một “cánh cổng điện từ có thể điều hướng được”.
 
Để dễ hiểu, cánh cổng đó có thể ngăn cản sóng điện từ nhưng cho phép các vật thể khác nhau đi xuyên qua. Các nhà khoa học cũng hoàn toàn đủ sức bật tắt cổng bằng cách điều khiển từ trường. Hãy chờ tới ngày cánh cổng nhà bạn trở nên hoàn toàn bí mật với người ngoài và chỉ mở khi người trong gia đình bật công tắc.
 
Ảnh tự chuyển động
 
 
Trong thế giới phù thủy, các nhân vật xuất hiện trong báo có thể cử động một cách thoải mái. Hiện tại, các văn bản điện tử trên smartphone cũng đã có khả năng này với việc nhúng thêm video, tuy nhiên chúng chưa thể so sánh với cảm giác đọc một tờ báo thực thụ.
 
"Báo" điện tử trong tương lai sẽ như thế này chăng?

Tuy nhiên, người ta đã tiến những bước rất xa trong việc tạo ra các màn hình mỏng hơn, đẹp hơn và có khả năng uốn dẻo thoải mái. Trong tương lai không xa, chúng ta có thể cầm trên tay những “tấm giấy” mỏng, nhẹ, đầy màu sắc và chuyển động. Khi đó sẽ đến lượt giới phù thủy phải ghen tị với Muggle.