Cuộc sống trên vũ trụ: Ăn không ngon, ngủ không yên, khóc cũng khó

Oakley, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 26/04/2015

Đi vũ trụ tưởng là sướng nhưng cũng thật lắm vấn đề oái oăm...

Có một điều chắc chắn có thể khẳng định, trong tương lai không xa, con người có thể du hành ra ngoài Trái đất dễ như đi chợ. Với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, nhiều chuyên gia dự đoán, tương lai kia chỉ là con số 5 hay 10 năm tới đây.

Tuy nhiên, nếu vì thế mà tin rằng, du hành vũ trụ sẽ trở thành một thú vui tận hưởng cuộc sống tuyệt vời thì bạn đã nhầm to. 

Thực tế, việc đi thám hiểm ngoài không gian là một trải nghiệm cực kì khó chịu bởi ở đó, bạn sẽ phải đối mặt với những vấn đề oái oăm...

1. Những bữa ăn dù vua đầu bếp nấu cũng không ngon

Còn gì tuyệt vời hơn khi vừa nghĩ tới cảm giác vừa được du hành vũ trụ, vừa được thưởng thức đồ ăn của các đầu bếp danh tiếng như Gordon Ramsay. Tuy nhiên, viễn cảnh tươi đẹp đó sẽ không bao giờ xảy ra trong thực tế.

Theo đó, đồ ăn của phi hành gia trên tàu vũ trụ đều phải làm dưới dạng bột hoặc chất lỏng đóng hộp để tránh chúng “bay lượn” khắp khoang tàu trong điều kiện không trọng lực. 


Ngay cả khi nhờ công nghệ hiện đại mới nhất, các phi hành gia đã có thể yên vị trên bàn thưởng thức bữa ăn của mình nhưng trong tình trạng không trọng lực, khứu giác và vị giác của ta không thể cảm nhận được mùi vị. Hệ quả là dù món ăn có ngon đến đâu đi chăng nữa thì con người cũng sẽ không có cảm giác gì.


Đến Gordon Ramsay chưa chắc đã thắng được thử thách mang tên "Nấu ăn ngoài vũ trụ"

Đặc biệt, với điều kiện đặc biệt ngoài không gian, rất có thể trong quá trình ăn uống, phi hành gia sẽ "chén" luôn cả nước mũi của mình. 

Nguyên nhân là bởi các loại dịch trong cơ thể đều có xu hướng di chuyển lên phía thân trên khi ở ngoài Trái đất. Do đó, hiện tượng vừa "thò lõ mũi xanh" vừa ăn trên tàu vũ trụ là vô cùng phổ biến.

2. Không thể "bỗng dưng muốn khóc"

Khi buồn, bạn làm gì? Đi chơi với bạn bè, đọc một cuốn sách hay đơn giản là ngồi một mình và khóc? Giờ đây, nếu du hành ngoài vũ trụ thì có lẽ bạn có muốn khóc cũng không được. Vì sao vậy nhỉ?



Về cơ bản, bạn vẫn có thể khóc trên vũ trụ bình thường. Nhưng vấn đề nằm ở chuyện nước mắt sẽ không bao giờ chịu rơi xuống. Cụ thể, ngoài không gian, tình trạng không trọng lực sẽ làm cho nước không thể rơi mà lơ lửng trong chân không. 

Nước mắt vì thế sẽ đọng lại thành một quả cầu chất lỏng trên mặt bạn. Khóc càng nhiều, quả cầu nước càng lớn và sẽ bao kín cả khuôn mặt bạn mà thôi.

3. Ác mộng mang tên "tắm giặt"

Về cơ bản, việc đánh răng, rửa mặt, cạo râu là điều không quá khó khăn đối với các phi hành gia khi du hành ngoài vũ trụ. Tuy nhiên, nỗi ác mộng thật sự của họ chính là việc... đi tắm.



Trong môi trường không trọng lực, nước tắm sẽ lơ lửng và bám chặt vào da người. Khi đó, việc kì cọ thân thể là điều vô cùng khó khăn. 

Đặc biệt sau khi tắm, các phi hành gia sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc làm khô. Thay vì sử dụng khăn lau hay máy sấy, họ phải cần tới máy hút để loại bỏ hết nước bám trên da.



Chưa hết, do trên tàu vũ trụ không có máy giặt nên quần áo và đồ lót sẽ được mặc tiết kiệm hết sức có thể. Thông thường, phi hành gia sẽ thay áo và đồ lót 2 ngày/lần, còn với quần là 7 ngày/lần. Đồng thời, quần áo bẩn sau đó sẽ được cho vào túi nilon và gom vào một góc, chờ ngày tàu về Trái đất để giặt.

4. Đi vệ sinh "siêu" khó chịu

Ngoài việc giữ vệ sinh thân thể, phi hành gia còn phải giữ gìn vệ sinh cho khoang tàu và nơi ở để tránh vi khuẩn và mầm bệnh. 

Họ dùng chất tẩy rửa lỏng Biocide xịt lên bề mặt tàu và dùng khăn để lau. Sau khi dọn dẹp xong, khăn ẩm sẽ được phơi lên để nước trong khăn bốc hơi và họ có thể tái sử dụng nguồn nước đó.




Sẽ thật thú vị nếu hàng ngày được sống chung với toilet đặc biệt này!

Trên phi thuyền cũng không có bể-phốt vì thế chất thải từ việc phi hành gia đi toilet sẽ được chia ra: chất thải rắn sẽ được giữ lại trên thân tàu cho tới khi con tàu đáp xuống, còn chất lỏng sẽ được… xả thẳng vào không gian. Không khí trong phòng toilet cũng được hệ thống lọc khí loại bỏ hết mùi và vi khuẩn.

5. Muốn lười cũng không được

Nếu bạn muốn tận hưởng một kì nghỉ thư giãn và không phải vận động nặng thì du hành vũ trụ là lựa chọn không thể tồi hơn.

Trong môi trường không trọng lực, các cơ không cần phải nâng đỡ khung xương nên chúng sẽ sớm bị “bèo nhèo”. Vì vậy, mỗi ngày họ sẽ phải bỏ ra hai tiếng đồng hồ cho các bài tập thể dục, để khi quay trở về Trái đất cơ thể họ không bị "mềm như bún".



Chưa hết, các số liệu thống kê cho thấy, sống lâu trong tình trạng không trọng lực sẽ khiến cơ thể có nguy cơ cao bị mắc các bệnh loãng xương, sỏi thận... Đây quả thật là điều mà không một ai mong muốn.

6. Đi ngủ cũng không hết rắc rối

Trong điều kiện không trọng lực, khi ngủ đầu và cánh tay của bạn sẽ nổi lềnh bềnh, tạo nên những tư thế hết sức kỳ quặc. Đôi khi, bạn có thể thức dậy vào buổi sáng và nhìn thấy một cánh tay trước mặt mà không biết đó là tay của mình.





Chưa hết, dù mỗi tối được ngủ 8 tiếng rưỡi nhưng đa số các phi hành gia chỉ ngủ khoảng 6 tiếng mà thôi. Nguyên nhân là do trong không gian, họ sẽ phải trải qua những đêm sáng như ban ngày bởi ánh sáng của các ngôi sao bất ngờ chiếu tới. 

7. Xử trí ra sao khi có người đột ngột qua đời?

Đây là vấn đề đã gây ra nhiều tranh cãi cho NASA. Thậm chí họ đã phải tạo dựng các tình huống giả lập cho buổi diễn tập “Nếu như đồng nghiệp của bạn đột ngột qua đời” cho các ứng cử viên phi hành gia để họ làm quen với tình huống khó khăn này. 



Giả sử khi một người chết, họ sẽ phải làm gì, báo lại cho người thân ra sao, xử lý mùi thế nào, xác sẽ để vào đâu? Đây là vấn đề nan giải, nhất là khi chỉ riêng việc thiếu mất một người trên đường làm nhiệm vụ đã đủ gây cho phi hành đoàn quá nhiều khó khăn.

Gần đây nhất, dự án du hành vũ trụ Mars One đã từng đưa ra một đề xuất giải quyết vấn để trên: xác của họ sẽ được đưa vào trong một cỗ máy rung mạnh, cho tới khi rã ra, sau đó tro sẽ được đem lên sao Hỏa. Tất nhiên là đề xuất này sau đó đã bị phản đối, dù rằng các chuyên gia phải công nhận, đây là phương án hiệu quả nhất.

Nguồn: BusinessInsider, Wikipedia