Cuộc sống ổ chuột ở bãi rác thải điện tử siêu ô nhiễm

Việt Anh, Theo Mask Online 00:00 28/05/2012

Bước chân vào bãi rác thải điện tử, ngay lập tức, bạn sẽ bị đau đầu, choáng váng bởi sự ô nhiễm nghiêm trọng nơi đây.

Rác thải điện tử đang ngày càng trở thành một vấn nạn môi trường lớn đe dọa toàn cầu. Cuộc sống phát triển chóng mặt kéo theo sự ra đời các sản phẩm công nghệ thông tin tiện ích. Thế nhưng một khi những sản phẩm công nghệ ấy cũ nát, lỗi thời, chúng lại đóng vai trò là một “kẻ khó ưa” phá hoại môi trường. Rác thải điện tử rất khó phân hủy, chúng chất đầy thành những bãi rác khổng lồ và được chuyển từ các nước phát triển sang các nước nghèo đói như ở châu Phi…

Mỗi năm, thế giới sản sinh ra hơn 50 triệu tấn đồ phế thải điện tử. Đây là loại rác thải không thể tái chế, cộng với tần suất phát triển cực nhanh của công nghệ, khối lượng rác này sẽ không ngừng tăng lên theo cấp số nhân. Bãi rác Agbogbloshie tại Accra, Ghana trên đây được mệnh danh là bãi chứa đồ phế thải công nghệ lớn nhất ở Tây Phi, nơi hàng ngày tiếp nhận hàng trăm tấn phế thải từ các sản phẩm công nghệ.


Người dân địa phương gọi bãi chứa này là Sô-đôm hay Gô-mô-rơ. Tại Ghana, hay như Nigeria, Ấn Độ, Pakistan, mỗi ngày có tới hàng trăm triệu tấn chất thải điện tử được vận chuyển vào biên giới các quốc gia này. Chúng đa dạng, phong phú về chủng loại, hầu hết đều có nguồn gốc từ các quốc gia cực kì phát triển về công nghệ như Mỹ, Anh và các nước châu Âu.


Các bãi rác điện tử là nơi mưu sinh của hàng vạn những người dân nghèo khổ không có việc làm ở Ghana. Họ sống trong những mái lều, nhà dựng tạm ngay trong bãi rác, ngày ngày bới đào và tìm nguồn sống trong thứ hiểm họa nguy hại của môi trường. Không khó để bắt gặp hình ảnh các bà mẹ nấu ăn ngay trên đống phế liệu, hay những đứa trẻ tìm kiếm, lục lọi mong thấy được gì đó từ rác điện tử như thế này ở Agbogbloshie.


Từ những đống phế thải này, một ngành công nghiệp tạm bợ ngày càng có cơ hội phát triển mạnh ở Ghana. Theo thống kê, riêng tại Accra, có tới hơn 3.000 người kiếm sống nhờ bán kim loại có trong các thiết bị công nghệ bị bỏ đi: tivi cũ, ổ cứng máy tính, màn hình, bàn phím…


Còn đối với những sản phẩm không thể bán, họ đốt cháy các vi mạch và dây điện để tái chiết xuất lấy các kim loại quý. Một con số ấn tượng không thể bỏ qua: 3% lượng vàng khai thác được hàng năm trên thế giới nằm trong những thiết bị điện tử phế thải. Năm 2008, tổng giá trị của vàng, bạc, đồng, paladi và coban tính riêng trong máy tính lên tới 3,78 tỷ USD (khoảng 78,7 nghìn tỷ VNĐ).


Song cũng chính ngành công nghiệp tưởng chừng như giúp dân thoát nghèo này mà những nước đang phát triển như Ghana sẽ phải đối mặt với vấn nạn hủy hoại môi trường nghiêm trọng. Bạn có biết, một màn hình máy tính có chứa lượng chì đủ độc để gây nguy hại cho cả một cộng đồng dân sinh lớn nếu bị thải ra môi trường. 


Theo nghiên cứu, nồng độ chì, cadimi, thủy ngân tại bãi rác ở Accra đạt ngưỡng gấp 100 lần so với quy định cho phép. Những đứa trẻ hàng ngày vẫn hồn nhiên tìm kiếm, chở xe phế liệu phụ giúp gia đình liệu có biết, bản thân các em đang phải đối mặt với một hiểm họa lớn từ rác thải công nghệ.


Đối với nguồn nước, những chất thải như chì, cadimi được thải ra gây ô nhiễm nặng. Nguồn nước này được người dân lân cận sử dụng rất “vô tư” khiến chất độc cứ thế thấm vào cơ thể và tích tụ dần dần.


Những đàn gia súc như trâu, bò được chăn thả tại các bãi rác như thế này sẽ hứng chịu toàn bộ lượng chất hóa học độc hại thải ra từ phế phẩm công nghệ. Sau đó, chúng được đem bán cho thương lái, làm thịt và lại đến tay người tiêu dùng khắp mọi nơi…


Đối với người dân địa phương đồng thời cũng là lực lượng lao động chính trong ngành công nghiệp nói trên, họ không chỉ sống trong một bầu không khí bẩn, sử dụng nguồn nước nhiễm độc mà chính sự thiếu hiểu biết đã khiến họ hàng ngày, hàng giờ tiếp tay làm cho môi trường thêm ô nhiễm nặng hơn.


Jim Puckett - Giám đốc điều hành Mạng lưới hành động Basel nhận xét về tình trạng trên: “Đó là một phần của thế giới… nơi mà hàng ngàn người phụ nữ ngồi nấu ăn trên các bo mạch. Kết quả là họ đang hít thở tất cả lượng chì và các chất độc hại khác trong khí quyển. Bước chân vào bãi rác thải điện tử, ngay lập tức, bạn sẽ bị đau đầu, choáng váng bởi sự ô nhiễm nghiêm trọng nơi đây".



Mạng lưới hành động Basel là một tổ chức tư nhân tập trung vào việc đình chỉ hành động mua bán các hàng hóa độc hại, nhất là đồ phế thải, kêu gọi thế giới phải có biện pháp cấp thiết nhằm chấm dứt việc thải rác độc hại, cùng với đó kêu gọi người dân nhận thức được nguy cơ đáng sợ của rác thải điện tử. Các buổi thảo luận của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (United Nations Environment Programme - UNEP) đã luôn đặt vấn đề này lên hàng đầu, đề xuất ra những biện pháp hạn chế. Hy vọng rằng, tình trạng này sẽ được giải quyết trong thời gian sớm nhất.