Công việc chẳng ai muốn làm ở Ấn Độ

Bích Đào, Theo Mask Online 00:25 05/10/2014

Công việc dọn chất thải thủ công được coi là "cơn ác mộng" nhưng mức lương người lao động được trả lại vô cùng nghèo nàn - chỉ khoảng 5USD/ngày.

Công việc “dọn chất thải thủ công” được coi là một công việc phổ biến tại Ấn Độ - đất nước mà hệ thống vệ sinh công cộng còn yếu và chất lượng vệ sinh dịch tễ chưa được đảm bảo. Với hầu hết nhiều người, công việc này được coi là cơn ác mộng.


Nhà vệ sinh ở châu Âu thời xưa.

Cụm từ “dọn chất thải thủ công” được dùng để chỉ công việc dọn dẹp chất thải của người ở những nơi không có hệ thống xả nước và tự làm sạch. Công việc này được cho là đã hình thành ở châu Âu vào năm 1214 khi nhà vệ sinh công cộng đầu tiên xuất hiện. 



Tuy nhiên phát minh của nhà vệ sinh có thể xả nước vào năm 1870 đã kéo theo sự biến mất của công việc cực nhọc này. Vậy mà cho đến ngày nay, “dọn chất thải thủ công” vẫn là một nghề nghiệp được thực hành bởi rất nhiều người dân Ấn Độ.




Lịch sử của công việc này ở Ấn Độ kéo dài từ thời kì cổ đại. Theo tài liệu cổ, công việc dọn dẹp chất thải đã tồn tại từ những ngày đầu hình thành nền văn minh con người và nó dành riêng cho những nô lệ. 

Tuy nhiên công việc này không mất đi cùng với sự phổ biến của nhà vệ sinh có xả nước mà vẫn tồn tại đến ngày nay do điều kiện vệ sinh còn yếu kém của đất nước này.



Hệ thống đường sắt bẩn ở Ấn Độ.

Theo nhiều nghiên cứu, có gần 50% dân số Ấn Độ không tiếp cận được với hệ thống nhà vệ sinh hiện đại. Hệ thống nhà vệ sinh khô - các hố vệ sinh không tự tiêu hủy vẫn tồn tại ở nhiều thành phố. 

Một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến công việc này vẫn còn tồn tại là sự vi phạm quy định vệ sinh của đường sắt Ấn Độ. Những toilet trên tàu không có chỗ chứa chất thải mà xả trực tiếp xuống đường ray. Những "sản phẩm" này do một đội ngũ người lao động được thuê để dọn dẹp bằng tay. 




Tại các vùng nông thôn, công việc này thường được đảm nhận bởi những người phụ nữ không còn lựa chọn việc làm nào khác hay “kế nghiệp” từ gia đình.

Những người này phải làm việc từ sáng đến tối, quanh quẩn xung quanh các nhà vệ sinh bốc mùi và nhiệm vụ chính là dọn rửa nhà vệ sinh.



Những người lao động này phải vác chất thải trên đầu đi hàng cây số để tiêu hủy.

Không chỉ dừng lại ở vùng quê, công việc này cũng phổ biến tại các thành phố lớn nơi sự phân chia giàu nghèo được thể hiện một cách rõ ràng. 

Theo số liệu điều tra năm 2011, có đến 750.000 gia đình Ấn Độ tập trung ở các thành phố như Uttar Pradesh, Rajasthan, Bihar, Madhya Pradesh, Gujarat, Jammu, Kashmir làm việc dọn dẹp chất thải tại các nhà vệ sinh khô công cộng và ở trên đường. Tuy nhiên, con số này được ước tính là phải cao hơn, khoảng 1,3 triệu người.




Tại Mumbai - một trong những trung tâm tài chính và cũng là bộ mặt Ấn Độ hiện đại, nhiều công nhân vẫn phải đi dọn chất thải của người dân bên vệ đường mỗi ngày. 

Với số lượng người vô gia cư và người nghèo tập trung ở các thành phố lớn, việc “giải quyết nhu cầu tế nhị” ngoài đường thậm chí đã trở thành một điều bình thường.



Chỉ được trả công 5USD/ngày (khoảng 110.000 VND), những công nhân vệ sinh sẽ phải lao động từ 6h30 sáng tới tối khuya.

Nhưng ít ai biết rằng, điều kiện làm việc của những người lao động dọn chất thải này vô cùng nghèo nàn. Hầu hết họ không có công cụ làm việc phù hợp: không găng tay, không ủng, không quần áo bảo hộ. 

Họ phải sử dụng các cây gậy tre để khơi thông cống ùn tắc khi đứng trong đống chất thải cao đến ngực hay thường phải nhảy xuống các hố ga để thông vùng tắc nghẽn mà không có bất cứ dụng cụ bảo hộ nào, đôi khi họ còn không mặc áo.




Tuổi thọ của những công nhân làm nghề này bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc thường xuyên tiếp xúc với lượng chất thải lớn. Nhiều người mắc bệnh hen suyễn, nhiễm trùng da và bệnh lao do công việc. Có hàng trăm báo cáo mỗi năm về việc những người công nhân chết khi đang làm việc này mỗi năm. 



Theo tổ chức nghiên cứu Viện khoa học xã hội Tata (TISS) , 80% công nhân thu dọn chất thải mất trước tuổi 60 vì các vấn đề sức khỏe. Riêng tại Mumbai, trung bình 20 công nhân thoát nước chết mỗi tháng vì tai nạn, nghẹt thở hoặc do tiếp xúc với khí độc.

Bên cạnh các mối lo về bệnh tật, những người công nhân làm việc này còn gặp phải những kì thị từ xã hội. Họ được coi là những người “không thể chạm vào” và bị buộc phải sinh sống ngoài địa giới thành phố. 

Ít ai hiểu được rằng, những công nhân này là thành phần dễ tổn thương nhất của xã hội bởi họ làm công việc gần như mệt nhọc và có ý nghĩa nhất.




Mặc dù Quốc hội Ấn Độ đã thông qua điều luật về việc cấm thực hành công việc này vào năm 2013, các công ty tư nhân được thuê bởi chính quyền thành phố vẫn tiếp tục thuê công nhân để dọn dẹp thành phố mà không cung cấp đầy đủ điều kiện làm việc an toàn. 

Có lẽ công việc này sẽ còn tiếp tục nữa, cho đến khi hệ thống vệ sinh dịch tễ của đất nước đông dân thứ hai thế giới này thực sự phát triển. Cho đến lúc đó, vẫn đang có hàng triệu người công nhân hàng ngày mong mỏi một lối thoát cho công việc nguy hiểm này.

Video dưới đây sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ hơn về công việc vất vả này.


(Nguồn: CNN, Livemint)