Chuyện giàu nghèo ở thời thơ ấu cũng ảnh hưởng đến não bộ

Mai Anh, Theo Trí Thức Trẻ 11:08 24/10/2013

Nghèo đói và stress mãn tính trong thời thơ ấu gây hậu quả là sự yếu kém về kiểm soát và điều hòa cảm xúc của não bộ khi trưởng thành.

Mới đây, tiến sĩ, giáo sư tâm thần học K. Luan Phan thuộc ĐH Illinois (Mỹ) cùng các cộng sự khác từ ĐH Cornell, ĐH Michigan và ĐH Denver (Mỹ) đã công bố kết quả nghiên cứu về mối quan hệ giữa thời thơ ấu và hành vi của con người trong tương lai. 

Các nhà khoa học khẳng định: "Áp lực mà đứa trẻ hứng chịu trong suốt tuổi thơ đói nghèo có liên quan chặt chẽ tới cách thức hoạt động não bộ khi trưởng thành”.

Chuyện giàu nghèo ở thời thơ ấu cũng ảnh hưởng đến não bộ 1
Tuổi thơ nghèo đói có thể ảnh hướng tới khả năng điều chỉnh cảm xúc của hai vùng vỏ não trước trán - màu cam trong hình.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm với những người trưởng thành mà khi bé (khoảng 9 tuổi), họ sống trong gia đình nghèo khó. Các đối tượng nghiên cứu được cho xem những bức ảnh có thể khơi gợi cảm xúc tiêu cực và được yêu cầu phải tiết chế, ngăn chặn cảm xúc đó. Đồng thời, nhóm nghiên cứu sẽ sử dụng thiết bị cộng hưởng từ để kiểm tra hoạt động của não bộ khi các đối tượng cố gắng điều chỉnh xúc cảm của mình.
 
Kết quả cho thấy tại thời điểm hiện tại, phần hạch hạnh nhân trên vỏ não - nơi điều khiển nỗi sợ hãi và cảm xúc tiêu cực hoạt động nhiều hơn người bình thường. Trong khi đó, vùng vỏ não trước trán, nơi điều hòa những cảm xúc tiêu cực, lại kém “năng động” hơn hẳn. 

Sự rối loạn chức năng ở hai vùng não này có thể gây nên nhiều bất ổn trong tâm lý con người, khiến họ bị trầm cảm, hay lo lắng, tính tình trở nên hung hăng bốc đồng và có khuynh hướng lạm dụng thuốc.

Chuyện giàu nghèo ở thời thơ ấu cũng ảnh hưởng đến não bộ 2
Sự rối loạn chức năng ở hai vùng não này có thể gây nên nhiều bất ổn trong tâm lý con người: hay lo lắng, hung hăng, bốc đồng...

Tiến sĩ Phan cho biết, những ảnh hưởng tiêu cực của quá khứ đói nghèo làm tăng các yếu tố gây rủi ro cho quá trình phát triển tâm sinh lý và thể chất ở trẻ. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu vẫn chưa tìm ra những tác động cụ thể lên chức năng não bộ, đặc biệt là việc điều chỉnh cảm xúc. 

Đây là yếu tố rất được chú trọng, bởi khả năng điều chỉnh các cảm xúc tiêu cực có thể giúp bảo vệ con người khỏi những hệ quả xấu mà stress mãn tính và cấp tính gây ra cho sức khỏe con người.  

(Nguồn tham khảo: Science Daily)