Chim cánh cụt ăn trộm để thể hiện bản lĩnh với vợ

A, Theo Mask Online 11:00 02/04/2012

Cùng các cập nhật: Giả thiết mới cho vụ chìm tàu Titanic, Đà Lạt đang nóng dần lên, vệ tinh "già" nhất của Mỹ rơi xuống Trái đất...

Chim cánh cụt ăn trộm để thể hiện bản lĩnh với vợ


Trong 4 tháng tại Đảo Ross (Nam Cực), nhóm quay phim của kênh truyền hình BBC đã quay lại được một trong những cách thức xây tổ đặc biệt của chim cánh cụt Adelie, đó là ăn trộm đá của những con khác trong bầy. Một con chim cánh cụt đực cần mẫn kiếm đá xây tổ, trong khi con đực lười nhác hơn chỉ chờ hàng xóm của mình sao nhãng là tận dụng cơ hội trộm đá mang về - đây là tập tính của loài chim cánh cụt.

Chim cánh cụt Adelie xây tổ bằng đá để bảo vệ trứng khỏi bị cuốn trôi khi băng tan và thể hiện bản lĩnh của mình trước con cái. Con đực xây được tổ đẹp nhất chứng tỏ khả năng mang lại sự an toàn cho các thế hệ sau và vì thế sẽ thu hút được sự chú ý của con cái.


(Nguồn tham khảo: BBC, Youtube)

Cựu Thủ tướng Anh làm chìm tàu Titanic?


Gần đây, người ta cho rằng nguyên nhân làm chìm tàu Titanic là do siêu Mặt trăng, một hiện tượng thiên nhiên làm nước triều dâng lên bất ngờ, chứ không phải băng trôi. Tuy nhiên, một nhà báo Anh không đồng ý. Theo ông, đó là do… cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill.

Nhà báo Anh Robert Strange đã kết tội gây ra vụ chìm tàu Titanic tại Đại Tây Dương năm 1912 cho cựu Thủ tướng Anh hồi Thế chiến 2 là Winston Churchill. Điều này được viết trong một cuốn sách mới xuất bản của nhà báo này.



Trong cuốn sách của mình, cựu phóng viên hình sự Strange, dựa trên những tài liệu lưu trữ của Anh và Mỹ chỉ đích danh Churchill là thủ phạm chính trong thảm họa Titanic. Theo tác giả, trong thời gian thiết kế và chế tạo con tàu du lịch khổng lồ này, Churchill giữ chức Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp. Khi con tàu chìm ông đứng đầu Bộ Hải quân Hoàng gia Anh, chịu trách nhiệm về an toàn của con tàu Titanic của Anh đi lại trên mặt biển.

Strange viết: "Những tham vọng chính trị đã làm Churchill quên đi nhiệm vụ quan trọng của mình là bảo đảm an toàn cho con tàu. Gánh nặng trách nhiệm về cái chết của hơn 1.500 người đàn ông, phụ nữ và trẻ em phải đặt lên vai ông chứ không phải những tảng băng trôi ở Đại Tây dương hay lý do… siêu Mặt trăng như người ta viện ra vừa qua”.

Trong số những người có liên quan đến thảm họa này, nhà báo Anh còn nêu ra nhà tài chính Mỹ, chủ nhà băng John Pierpont Morgan, người mà năm 1912 điều hành công ty đóng tàu White Starr Line đã sản xuất con tàu Titanic. Ngoài ra theo Strange, không thể bỏ quên trách nhiệm của người chỉ huy việc đóng tàu là Lord William Jamess Pirrie.

(Nguồn tham khảo: Vietnamnet)

Đà Lạt đang nóng dần lên


Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Lâm Đồng, khí hậu điều hòa, mát mẻ, trong lành – tài sản lớn nhất của Đà Lạt đang bị đe dọa chưa từng có trong lịch sử hình thành đô thị cao nguyên này.



Nghiên cứu của TS Phạm Đức Thi, kĩ sư Nguyễn Thu Bình, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cũng ghi nhận sự biến đổi rõ rệt tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Nhiệt độ ở thành phố Đà Lạt đang nóng dần lên, sự khắc nghiệt gia tăng với biên độ nhiệt dãn cách đột biến chưa từng thấy: chênh nhau giữa nhiệt độ cao nhất và thấp nhất bình quân từ 8-10 độ C trong những năm trước đây, nay tăng lên 12-15 độ C.

Bắt đầu từ năm 2007, các nhà nghiên cứu đã có một số ghi nhận về thay đổi sinh thái ở Đà Lạt. Sâu bệnh lạ xuất hiện nhiều hơn ở những mùa vụ gần đây. Các thứ cây chịu nóng miền đồng bằng như đu đủ, mía, phượng hồng… trước đây không thể trồng ở Đà Lạt thì giờ thấy xuất hiện nhan nhản. Nghĩa là trồng “vô tư” vẫn trổ bông, đơm trái. Ngay cả các loài hoa như mai, anh đào..., giờ mỗi năm trổ mỗi khác, không theo chu kỳ nào cả.

TS Phạm Đức Thi băn khoăn, Đà Lạt với mức độ tăng của nhiệt độ không cao mà hệ sinh thái đã có những biến động lớn như vậy thì với mực độ tăng cao của nhiệt độ trên độ cao từ 100-800m, hệ sinh thái sẽ còn biến động đến mức nào? “Câu hỏi này đòi hỏi các nhà khoa học phải tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ”, TS Thi nói.

(Nguồn tham khảo: Đất Việt)

Vệ tinh "già" nhất của Mỹ rơi xuống Trái đất


Một trong những vệ tinh đầu tiên của Mỹ mang tên Explorer 8 phóng ngày 3/10/1960 sau nửa thế kỷ bay trên quỹ đạo đã đi vào bầu khí quyển dày đặc sáng 31/3.

Theo thông báo của Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ, vệ tinh này rơi vào lúc 05h15 giờ quốc tế. Hãng thông tấn RiaNovosti cho biết, theo các chuyên gia ngành tên lửa - vũ trụ Nga thì Explorer 8 đã đi vào lớp khí quyển dày đặc lúc 07h23 giờ quốc tế. Người ta chưa dự đoán chính xác được địa điểm rơi của vệ tinh.

Vệ tinh Explorer 8 là thiết bị vũ trụ thứ 8 của Mỹ chỉ nặng 40,9kg và dùng để xác định mật độ, năng lượng electron trên tầng điện ly. Chiều cao quỹ đạo của nó là từ 400 đến 1.600km.



Vệ tinh chỉ xác định được các thiên thể nhỏ (micrometeorite). Nó hoạt động được có 54 ngày, đến 27/12/1960 thì “tịt” vì pin thuỷ ngân hết điện. Những số liệu nó thu được chỉ đủ để đánh giá lớp heli trong khí quyển mà thôi.

(Nguồn tham khảo: Space)

Ảnh đẹp: Cuộc chiến của loài chim


Những khoảnh khắc vô cùng ấn tượng và huyền ảo của thế giới loài chim đã được nhiếp ảnh gia người Phần Lan - Markus Varesvuo, ghi lại.

Một con chim lặn cổ đỏ hớt hải mang con mồi vừa bắt được về mớm cho chim con.

Một con chim ưng biển ngụp xuống nước săn mồi. Loài chim này có thể lặn xuống độ sâu gần 1m.

Chú chim mòng biển này đang ra sức mổ vào mắt kẻ vừa phá hoại tổ của mình.


Sau khi quây lại để kiếm ăn, hàng ngàn con ngỗng Barnacle lại lũ lượt kéo nhau tới những mỏm đá ưa thích của chúng ở ngoài biển.

(Nguồn tham khảo: Telegraph)