Cầu vồng kép kì diệu xuất hiện ở Anh

A, Theo Mask Online 10:59 20/04/2012

Cùng các cập nhật: Tìm thấy loại hạt huyền thoại, phát hiện cua tím ở Đông Nam Á, người dân giao nộp khỉ mặt đỏ và khỉ đuôi lợn ở Việt Nam...

Khám phá lớn: Tìm thấy loại hạt huyền thoại


Sau hàng thập kỷ tìm kiếm, cuối cùng các nhà vật lý cũng tin rằng họ đã tạo ra thành công hạt Majorana fermion huyền thoại.


Các hạt Majorana fermion được tiên đoán từ năm 1937 nhưng chưa từng được bắt gặp trong thực tế.

Nếu được chứng thực, đây sẽ là lần đầu tiên mà một hiện tượng vật lý được dự đoán từ năm 1937 bởi nhà lý thuyết người Ý Ettore Majorana xuất hiện trong thực tế. Hạt Majorana fermion là những hạt giống electron có phản hạt riêng của chúng. Chúng không phải là fermion cũng chẳng phải boson (*), và thay vào đó chúng tuân theo thống kê phi Abel. Các trạng thái lượng tử của những hạt như vậy được trông đợi là có trở kháng cao đối với các nhiễu loạn do môi trường gây ra, khiến chúng là những ứng cử viên lí tưởng cho các máy tính lượng tử.

Trong một bài báo đăng tải trên Tạp chí Science mới đây, hai nhà vật lý Vincent Mourik và Leo P.Kouwenhoven cho biết nhóm của ông đã khiến cho hạt Majorana fermion phải lộ diện bằng cách đưa một bảng mạch nhỏ vào từ trường nam châm.

Tuy vậy, theo giới chuyên môn, mặc dù các bằng chứng có được khá vững chắc nhưng vẫn cần thêm nhiều thí nghiệm tương tự trong thời gian tới để xác nhận phát hiện này.

(*) Các hạt cơ bản luôn tồn tại dưới hai dạng: fermion và boson. Fermion là những hạt như electron, lepton và quark. Fermion cấu thành nên vật chất và tuân theo Nguyên lý loại trừ Pauli về việc hai hạt không thể có cùng trạng thái lượng tử tại cùng một thời điểm. Trong khi đó, boson là những hạt như photon, boson W, boson Z, gluon...


Các hạt fermion đều có phản hạt, tức những hạt có cùng khối lượng nhưng trái dấu điện cực với chúng. Một electron có điện cực âm trong khi phản hạt của nó là positron mang điện cực dương. Khi electron tiếp xúc với phản hạt của mình (trong trường hợp này là positron) thì hai hạt sẽ triệt tiêu lẫn nhau và biến thành các photon năng lượng.


Thế nhưng khác với tất cả các hạt fermion khác, Majorana lại hoạt động giống y như phản hạt của chính nó. Chỉ có điều, các hạt Majorana sẽ vẫn triệt tiêu nhau khi tiếp xúc với phản hạt. Nếu như phát hiện của Kouwenhoven được ghi nhận, Majorana sẽ mang đến cho con người một ứng dụng trong thực tế, đó là cách thức lưu trữ thông tin đơn giản và hiệu quả hơn trong điện toán lượng tử.

(Nguồn tham khảo: Vietnamnet)

Cầu vồng kép kì diệu xuất hiện ở Anh

Hai cầu vồng xuất hiện phía trên một làng tại Anh hôm qua và một người dân chụp được cảnh tượng hiếm có này.


Cầu vồng kép xuất hiện phía trên làng Kingwear, hạt Devon, Anh hôm 19/4. Ảnh: Mirror.

Andy Kyle, một người đàn ông 53 tuổi tại thành phố Dartmouth, hạt Devon, Anh thấy cầu vồng kép ở phía trên Kingwear - tên một làng gần cảng biển - khi nhìn ra ngoài cửa sổ của văn phòng hôm 19/4, Mirror đưa tin.

Vì sao có hiện tượng cầu vồng kép hay cầu vồng nhiều tầng?

Khi tia sáng của Mặt trời gặp những giọt nước trong không khí, chúng sẽ bị bẻ cong (khúc xạ) hoặc dội ngược trở lại (phản xạ). Trong quá trình đó ánh sáng bị tán xạ thành 7 màu cơ bản. Phần lớn ánh sáng thoát ra ngoài và tập trung thành một vòng cung ở phía đối diện với Mặt trời. Đó là cầu vồng bậc một. Màu sắc của cầu vồng sắp xếp lần lượt theo thứ tự: đỏ, da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Song một phần ánh sáng lại bị bẻ cong thêm một lần nữa trong giọt nước, tạo nên cầu vồng bậc hai khi thoát ra ngoài.

Nếu ánh sáng bị bẻ cong ba hoặc bốn lần, cầu vồng bậc ba hoặc bốn sẽ xuất hiện. Nhưng sau mỗi lần phản chiếu, ánh sáng trở nên yếu hơn và cầu vồng cũng mờ hơn. Vì thế con người hay thấy cầu vồng bậc một và bậc hai, song hiếm khi thấy cầu vồng bậc ba và bậc bốn.

(Nguồn tham khảo: The Mirror/Dailymail)

Chechnya tuyên bố phát hiện nhiều trứng khủng long khổng lồ

Theo ông Said-Emin Dzhabrailov, chuyên gia địa chất tại Đại học Chechen thì có khoảng 40 hóa thạch mà họ tin là trứng khủng long khổng lồ đã được tìm thấy tại dãy núi Caucasus khi một nhóm công nhân tiến hành nổ mìn để xây dựng một con đường gần biên giới với Georgia.


Những quả trứng này có kích thước rất lớn, dài từ 0,25m đến 1m. Số lượng trứng có thể sẽ còn nhiều hơn và các nhà cổ sinh vật học đang nghiên cứu xem đây là trứng của loài khủng long nào.


Hóa thạch hình trứng được tìm thấy ở Chechnya.

Tuy nhiên, một nhà cổ sinh vật học người Nga nghi ngờ tính chân thực của tuyên bố này. Bà Valentina Nazarova (Đại học Moscow) cho rằng trứng khủng long nhỏ hơn nhiều. Hơn nữa, khủng long có thể chưa từng sống ở vùng núi Bắc Caucasus. 

 (Nguồn tham khảo: Bee)

Phát hiện cua tím ở Đông Nam Á


Một nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra các loài cua màu tím trên đảo Palawan của Philippines.

Insulamon palawanense là tên của loài cua nước ngọt trong ảnh. Đây là một con cua đực. Ban ngày cua Insulamon palawanense rúc trong bùn và ban đêm chúng ngoi lên để kiếm mồi.

Hendrik Freitag, một nhà nghiên cứu của Bảo tàng Động vật Senckenberg tại Đức, cùng các sinh viên của Đại học Manila, Philippines đã tìm thấy 4 loài cua mới trên đảo Palawan của Philippines. Nhóm nghiên cứu cho rằng màu tím trên cơ thể con cua là kết quả của quá trình tiến hóa tự nhiên. Màu tím giúp lũ cua nhận ra đồng loại một cách dễ dàng hơn.

Insulamon johannchristiani, một giống cua mới được phát hiện khác, cũng có màu tím.

Song những con đực Insulamon johannchristiani có vị thế cao trong đàn lại sở hữu vẻ ngoài màu đỏ.

Loài cua Insulamon magnum có chiều ngang của thân khoảng 53mm. Trong ngôn ngữ Latinh, "magnum" có nghĩa là "to".

Một con cua Insulamon magnum đang mang trứng. Cả 4 loài cua mới đều gặp mối đe dọa lớn hơn các loài cua nước ngọt khác vì chúng chỉ sống trong suối và sông nhỏ, Hendrik Freitag nhận định.


(Nguồn tham khảo: Mongabay/Datviet)

Vận động người dân giao nộp khỉ quý hiếm


Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng vừa tiếp nhận 3 cá thể khỉ quý hiếm do Phòng Cảnh sát môi trường (PC49), Công an tỉnh Quảng Bình bàn giao.


Khỉ mặt đỏ tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng.

Ngày 11/4, tổ công tác Phòng PC49 phối hợp với Công an xã Nghĩa Ninh, TP. Đồng Hới vận động gia đình chị Nguyễn Thị Hương, trú tại xã này giao nộp 1 cá thể khỉ mặt đỏ. Cùng ngày, Phòng PC49 tiếp tục phối hợp với Công an phường Bắc Nghĩa, TP. Đồng Hới vận động một hộ dân khác trú tại phường này giao nộp 2 cá thể khỉ (1 cá thể khỉ mặt đỏ và 1 cá thể khỉ đuôi lợn). Trong số đó, khỉ mặt đỏ (tên khoa học là Macaca arctoides) là một trong những động vật thuộc hàng nguy cấp, quý hiếm trong nhóm II B - Sách đỏ Việt Nam.

(Nguồn tham khảo: Datviet)