Cận cảnh "cơn bão hoa hồng" trên sao Thổ

J, Theo Mask Online 10:37 30/04/2013

NASA mới đây đã công bố hình ảnh của một "cơn bão hoa hồng" khổng lồ, bao quanh bởi các tán mây xanh trên bề mặt sao Thổ.

Tàu thăm dò Cassini của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) mới đây đã ghi lại hình ảnh của một cơn bão có hình dạng khá giống một bông hoa hồng khổng lồ, bao quanh bởi các "tán mây xanh".

Tuy nhiên, trên thực tế, đây là một cơn bão lớn, dữ dội trên bề mặt sao Thổ với những xoáy bão có màu đỏ đậm, rất sâu, được bao quanh bởi vô số "tán mây xanh" và nó được ấp ủ trong nhiều năm qua.

Cận cảnh "cơn bão hoa hồng" trên sao Thổ 1
Xoáy bão có màu đỏ đậm, rất sâu, được bao quanh bởi vô số "tán mây xanh".

Qua hình ảnh chụp có độ phân giải cao, các nhà khoa học nhận thấy, mắt bão rộng khoảng 2.000km, lớn hơn mắt bão trung bình trên Trái đất khoảng 20 lần.

Tàu vũ trụ Cassini của NASA đã cung cấp cho các nhà khoa học cái nhìn cận cảnh về những điểm sáng đầu tiên của một cơn bão khổng lồ xoáy xung quanh cực Bắc của sao Thổ. Những đám mây ở rìa ngoài cơn bão di chuyển với tốc độ khoảng 150m/s. Các xoáy bão lớn, bí ẩn, có hình lục giác.

Andrew Ingersoll, một thành viên trong nhóm Cassini chụp ảnh tại Viện Công nghệ California ở Pasadena cho biết: "Chúng tôi đã phát hiện ra cơn lốc này bởi nó trông rất giống một cơn bão trên Trái đất. Nhưng sự thực, nó là cơn bão trên sao Thổ với quy mô cực lớn. Bằng cách nào đó, chúng đã nhận một lượng hơi nước nhỏ trong môi trường khí hydro của sao Thổ".

Cận cảnh "cơn bão hoa hồng" trên sao Thổ 2

Cơn bão này khác với bão ở Trái đất do nó bị kẹt ở vùng cực và không di chuyển ra xung quanh, còn các đám mây lại nằm bên trên tâm bão, cao hơn 2-5 lần so với mây của các cơn bão ở Trái đất...

Cơn bão trên mặt đất và cực Bắc của sao Thổ có một con mắt trung tâm và những đám mây xung quanh bay thấp. Những đám mây trên sao Thổ tạo thành một bức tường cao, xoáy theo hình xoắn ốc quay xung quanh mắt bão, ngược chiều kim đồng hồ. Một điểm đặc biệt nữa là chúng quay nhanh ngạc nhiên, đôi khi nhanh gấp 4 lần so với Trái đất.

Hiện, các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu cơn bão này cũng như sự thay đổi theo mùa ở vùng cực của sao Thổ nhằm tìm hiểu vai trò của các mùa trong việc giữ cơn bão này ở cực Nam. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng muốn học thêm về cơ chế mà các cơn bão trên Trái đất được tạo ra và duy trì.

(Nguồn tham khảo: Dailymail)