Các kỹ thuật ướp xác cổ quái từ 7.000 năm trước

Tôm, Theo Mask Online 00:01 09/02/2013

Nhiều người cho rằng, "ông tổ" của nghề ướp xác là người Ai Cập, nhưng liệu có đúng là như vậy không?

Mặc dù người Ai Cập nổi tiếng với các xác ướp huyền bí, nhưng chính xác thì những thổ dân Nam Mỹ mới là người đầu tiên tiếp cận với tập tục ướp xác.

Tại vùng hoang mạc gần bờ biển nằm ở phía Bắc Chile và phía Nam Peru, các nhà khảo cổ học đã tìm ra bằng chứng cho thấy, những thổ dân Chinchorro tìm ra cách ướp xác từ cách đây hơn 7.000 năm.

Các kỹ thuật ướp xác cổ quái từ 7.000 năm trước 1

Ban đầu, những người Chinchorro chôn xác người chết trên hoang mạc. Chính khí hậu khô cằn tại nơi này đã “sấy khô” các xác chết đồng thời ngăn quá trình phân hủy. Khi dân số của bộ tộc này bùng phát, lãnh thổ sinh sống dần mở rộng, những xác được chôn khi xưa bị phát hiện.

Có lẽ chính sự phát hiện tình cờ này đã mang đến những ý tưởng đầu tiên cho tục ướp xác bằng cách “copy” lại quá trình của tự nhiên.

Các kỹ thuật ướp xác cổ quái từ 7.000 năm trước 2

Để thấy rõ được sự cổ xưa của những xác ướp Chinchorro, chúng ta có thể làm một phép toán đơn giản như sau. Xác ướp Ai Cập cổ nhất từng được phát hiện có niên đại vào khoảng năm 3.000 TCN, trong khi đó, xác ướp Chinchorro cổ nhất được phát hiện đã hơn 7.000 năm tuổi, tức là vào khoảng năm 5.000 trước TCN.

Điều đó nghĩa là, so với những xác ướp nổi tiếng của Ai Cập, xác ướp của người Chinchorro có niên đại nhiều hơn khoảng hai thiên niên kỷ.

Mặt khác, theo những truyền thống xưa, tục ướp xác chỉ dành cho những người có địa vị hoặc giàu có, nhưng người Chinchorro thì hoàn toàn ngược lại. Theo họ, tất cả các thành viên trong xã hội đều có quyền được ướp xác không kể tuổi tác, giới tính, địa vị...

Các kỹ thuật ướp xác cổ quái từ 7.000 năm trước 3

Trong số 282 xác ướp Chinchorro được phát hiện, ngoài những xác ướp không thể xác định niên đại ra, có khoảng 64 xác ướp người trưởng thành và 42 xác ướp trẻ em.

Nhắc đến kỹ thuật, người Chinchorro cũng là những người tiên phong trong việc sáng tạo tìm ra các cách thức ướp xác khác nhau và cải tiến qua từng thời kỳ. Chúng ta có thể chia những kỹ thuật đó thành những loại như sau:

Kỹ thuật tự nhiên

Trong tổng số 282 xác ướp Chinchorro được tìm thấy, có đến 47% được dùng kỹ thuật này. Ở khu vực phía Bắc Chile có điều kiện khí hậu cực kỳ thích hợp cho quy trình ướp xác tự nhiên. Đất có độ nitrat cao kèm theo nhiệt độ ở hoang mạc đã giúp bảo quản tốt phần nội tạng.

Các kỹ thuật ướp xác cổ quái từ 7.000 năm trước 4

Ngoài ra, do ở gần bờ biển, muối cũng làm giảm thiểu khả năng hoạt động của vi khuẩn, những phần mềm của cơ thể, nhờ đó cũng đã được “sấy khô” trước khi kịp phân hủy.

Một điểm đáng lưu ý là tuy chưa thật sự dùng kỹ thuật nhân tạo để ướp xác, nhưng những xác ướp thời điểm này cũng được chôn cất bằng cách quấn cây sậy và chuẩn bị nơi an nghỉ khá chu đáo.

Kỹ thuật “xác ướp đen”

Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách tách rời các bộ phận của thân thể như tay, chân, đầu. Những bộ phận này sau khi được xử lý sẽ gắn lại vào cơ thể.

Các kỹ thuật ướp xác cổ quái từ 7.000 năm trước 5

Cụ thể, những phần được tách rời sẽ được phơi khô, sau đó tách phần thịt ra khỏi xương. Sau khi ráp lại, cơ thể sẽ được bao phủ bởi một lớp keo từ tro trắng, lông thú, cỏ... rồi cuối cùng cơ thể được sơn bởi một lớp “sơn phủ” mangan đen.

Kỹ thuật “xác ướp đỏ”

Khác một chút với kỹ thuật xác đen, kỹ thuật xác đỏ không tháo rời từng bộ phận ra. Bộ phận duy nhất bị gỡ ra khỏi cơ thể là phần đầu, sau đó được xử lý để tách não. Ở phần thân, nội tạng được lấy ra thông qua những vết rạch trên ngực và vai, rồi sau đó làm khô phần cơ thể còn lại.

Các kỹ thuật ướp xác cổ quái từ 7.000 năm trước 6

Phần đầu sau khi được xử lý cũng sẽ được gắn lại vào cơ thể cũ, nhưng khi này đã được phủ bởi một lớp mặt nạ đất sét, kèm theo là một bộ tóc dài khoảng 60cm. Phần cơ thể còn lại được sơn một lớp đất sét màu đỏ để bảo quản.

Kỹ thuật “phủ bùn”

Vào thời điểm người Chinchorro phát hiện ra sự biến đổi của đất tạo ra đất sét và thạch cao, kỹ thuật ướp xác của họ từ đó cũng có những sự thay đổi. Đất sét được mang vào sử dụng nhiều hơn do dễ tạo hình, màu sắc khác biệt, thêm nữa, mùi từ các xác ướp cũng được giữ lại.

Các kỹ thuật ướp xác cổ quái từ 7.000 năm trước 7

Những nghệ nhân ướp xác không còn phải lấy những phần nội tạng của người chết ra khỏi cơ thể nữa, thay vào đó là một lớp áo bùn, đất và một số chất kết dính được dùng bên ngoài.

Kỹ thuật “băng bó”

Kỹ thuật này chỉ mới được phát hiện gần đây và còn rất nhiều bí ẩn cần được khám phá. Tuy nhiên, nhìn chung, đây là một kỹ thuật lai tạp giữa kỹ thuật “xác đỏ” và “xác đen”.

Các kỹ thuật ướp xác cổ quái từ 7.000 năm trước 8

Theo đó, phần thân thể cũng được tách rời như “xác đen” nhưng phần đầu lại được xử lý như “xác đỏ”. Bao bọc bên ngoài cùng là lớp da thú thay cho đất sét. Cuối cùng, phần thân thể lại được sơn đất sét đỏ trong khi phần đầu lại được sơn mangan đen.

Cũng như rất nhiều nơi trên thế giới, người Chinchorro xem ướp xác như một tục lệ mang tín ngưỡng tôn giáo. Họ tin rằng, nếu xác của người chết không bị phân hủy hoàn toàn thì linh hồn của người đó cũng không siêu thoát. Đó cũng là một cách để họ tin rằng, cuộc sống có thể kéo dài và tưởng nhớ đến người đã khuất.
 


Bạn có thể xem thêm: