Ca phẫu thuật ghép mặt vĩ đại nhất thế giới được thực hiện như thế nào?

J, Thế Anh, Theo Trí Thức Trẻ 16:02 19/11/2015

Video sau đây sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ hơn về ca ghép mặt được đánh giá là "phức tạp và toàn diện" nhất trong lịch sử y học.

Vừa qua, đội ngũ bác sĩ thuộc Trung tâm y tế Langone (ĐH New York) đã thực hiện ca ghép mặt phức tạp nhất trên thế giới.

Ca phẫu thuật kéo dài 26 giờ, với hơn 100 y bác sĩ tham gia. Người được ghép mặt là Patrick Hardison - một người lính cứu hỏa với khuôn mặt bị biến dạng nghiêm trọng sau một vụ hỏa hoạn vào năm 2001. 

Hardison đã phải trải qua 70 ca phẫu thuật mới có thể sống sót. Tuy nhiên, các bác sĩ đành chịu bó tay với gương mặt đã chịu tổn thương quá lớn. Anh đã mất cả 2 tai, mí mắt, môi, mũi và toàn bộ tóc. Thậm chí, anh không dám nhìn vào gương trong suốt nhiều năm qua.

151119face01-53980
Patrick Hardison trước và sau khi phẫu thuật

Tuy nhiên vào khoảng đầu năm nay, bác sĩ ngoại khoa hàng đầu Eduardo Rodriguez thuộc ĐH New York đã thực hiện một ca phẫu thuật được đánh giá là "phức tạp và toàn diện nhất lịch sử", giúp Hardison có một gương mặt mới. Người hiến tặng mặt cho anh là David Rodebaugh, một thợ cơ khí bị chết não tại Brooklyn.

Quá trình ghép mặt được diễn ra như thế nào, các bạn có thể xem qua video dưới đây.



Bác sĩ Rodriguez đã cảnh báo cho Hardison rằng anh chỉ có khoảng 50% cơ hội sống sót, đồng thời sẽ phải sống cả đời phụ thuộc vào thuốc ức chế miễn dịch - nhằm ngăn cơ thể đào thải gương mặt mới.

Nhưng sau hơn 3 tháng, tình trạng của Hardison tiến triển rất tốt, giúp các bác sĩ tự tin tuyên bố rằng ca phẫu thuật đã thành công. Theo dự tính Hardison có thể ăn uống và nói chuyện bình thường trong 6 tháng tiếp theo. Đồng thời trong năm 2016, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật lại nhằm giúp gương mặt anh dễ nhìn hơn.

Tuy nhiên, bác sĩ Rodriguez cho rằng: "Sớm muộn gì cơ thể cũng có phản ứng đào thải. Chúng tôi hi vọng các loại thuốc ức chế miễn dịch đủ mạnh để ngăn quá trình này lại. Tuy nhiên về cơ bản, Hardison có thể sống một cuộc sống bình thường kể từ lúc này".

Nguồn: Tech Insider, IFL Science