Bộ ảnh thú vị khắc họa chứng bệnh "trái tim lo âu"

, Theo Trí Thức Trẻ 15:49 26/05/2015

Mỗi bức hình sẽ khiến người xem hiểu hơn về chứng bệnh mà 4,5% dân số thế giới đang mắc phải.

Nhiếp ảnh gia Katie Joy Crawford đã từng phải vật lộn với chứng rối loạn âu lo trong cuộc sống. Do đó mà cô luôn thấu hiểu và đồng cảm với những người bị mắc chứng bệnh này giống cô. 

Để giúp những người khác hiểu hơn về chứng bệnh mà cô từng trải qua, Katie Joy Crawford đã thực hiện bộ ảnh mang tên "My Anxious Heart" (tạm dịch: Trái tim lo âu của tôi). 

Qua bộ ảnh, cô đã cố gắng truyền đạt cảm giác một người mắc chứng trầm cảm, rối loạn lo âu mà không ít người hiện nay đang phải trải qua. 

Katie Joy Crawford chia sẻ: "Tôi thực hiện dự án này như một cách bày tỏ cho mọi người thấy những trải nghiệm cá nhân mình. Tôi hi vọng bộ ảnh sẽ giúp những người không biết về chứng bệnh này có thể hiểu và đồng cảm hơn với người bệnh".

Rối loạn lo âu là một trong các rối loạn tâm lý có tính phổ biến cao. Theo thống kê, khoảng 273 triệu người (chiếm 4,5% dân số thế giới) từng mắc chứng bệnh này, trong đó nữ giới thường gặp hơn.



Rối loạn lo âu là sự lo sợ quá mức trước một tình huống xảy ra, có tính chất vô lý, lặp lại và kéo dài gây ảnh hưởng tới sự thích nghi với cuộc sống.



Người bệnh mắc chứng rối loạn lo âu thường tự nhiên có cảm giác hoảng sợ quá mức với mọi sự vật, hiện tượng mà không xác định được nguyên nhân rõ ràng.



Đó có thể là nỗi hoảng sợ bóng tối, nỗi sợ khi phải đi ra ngoài hay đi thang máy... 



Bệnh có các biểu hiện về tâm trạng như luôn bất an, hồi hộp, thể chất hay run rẩy, căng cứng cơ bắp, vã mồ hôi, thắt ngực, nóng lưng, đau bụng, khó ngủ.




Nghiên cứu chỉ ra, bệnh có thể liên quan đến các chất hoá học trong não thường gọi là các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, GABA (gamma-aminobutyric acid) và norepinephrine.




Nguyên nhân bệnh có thể là một sự phối hợp của những quá trình sinh học trong cơ thể, các yếu tố di truyền, môi trường sống, nhân cách.



Người bệnh trở thành "tù nhân" trong chính tâm hồn mình.


Những nỗi lo âu này có thể bắt đầu từ thời thơ ấu, nhưng chúng cũng vẫn có thể xuất hiện khi đã trưởng thành.



Những liệu pháp tâm lý cùng liệu trình phù hợp sẽ giúp bạn sớm có thể thoát khỏi chứng bệnh lo âu này.



Nguồn: BoredPanda, HuffingtonPost, Wikipedia