Bật mí "profile hay ho" về hầm dìm Thủ Thiêm

Tôm, Theo 12:09 20/11/2011

14h chiều nay, hầm dìm Thủ Thiêm chính thức thông xe và cho lưu thông toàn tuyến từ ngày 21/11.

Hầm Thủ Thiêm có gì đặc biệt?
 
"Trích ngang" profile Hầm Thủ Thiêm

- Nơi sinh: Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Là một phần trong dự án Đại lộ Đông Tây Quận 1, TP.HCM với Khu đô thị mới Thủ Thiêm (bán đảo Thủ Thiêm).

- "Kích cỡ": Siêu "bự" với thiết kế rộng rãi, đủ cho 6 làn xe lưu thông với tổng chiều dài là 1.490m.

- Cấu tạo "cơ thể": 

Lối vào hầm ở hai hướng hình chữ U, dài 400m. Phần nhánh và miệng hầm hai phía dài 720m. Phần hầm dìm dài 370m được chia thành 4 đốt, được đúc bê tông và thép riêng ở nơi khác trước khi lắp thành hầm, mỗi đốt nặng 27.000 tấn. Độ dốc hầm tối đa là 4%.

Phần hầm dìm dưới đáy sông cách mặt nước 24m, mặt cắt ngang rộng 33,3m, cao 9m, mặt đáy và nắp rộng 1,5m, bề dày vách hai bên 1m.

- Sức khỏe: Hầm Thủ Thiêm có thể chịu được động đất cường độ 6 độ Richter và có tuổi thọ 100 năm.

- Độ rộng "dạ dày": Có sức chứa trung bình trên dưới 200 phương tiện xe máy và ô tô tại cùng thời điểm. Trung bình một ngày, hầm Thủ Thiêm sẽ đón nhận khoảng 45.000 lượt ôtô và 15.000 xe máy qua lại.


Làm sao để có thể "chui" qua hầm Thủ Thiêm, vượt sông Sài Gòn? 

Đối với người đi bộ, xe thô sơ, xe 3 - 4 bánh tự chế, xe xích, xe siêu trường siêu trọng, xe vận chuyển súc vật sống: phải đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường. Với xe vận chuyển chất độc hại, chất dễ cháy nổ, hàng nguy hiểm không được phép đi qua hầm.

Đối với xe máy: tốc độ tối đa cho phép là 40km/giờ. Chỉ được đi qua hầm từ 6 giờ đến 21 giờ hàng ngày.

Đối với người đi ô tô: tốc độ đi trong hầm tối đa là 60km/giờ, tối thiểu là 30km/giờ. Khoảng cách tối thiểu giữa hai xe trên cùng một làn đường là 30m. Mọi chỉ dẫn, quy định về cách di chuyển trong hầm nhằm tránh các sự cố khi lưu thông được phát trên radio hệ AM với tần số: 655Khz, 610Khz hoặc 588Khz.

+ Xe ô tô con, xe khách được phép đi qua hầm 24/24 giờ. Xe có tải trọng từ 5 tấn trở xuống (gọi chung là xe tải nhẹ) được phép đi qua hầm từ 8 giờ đến 16 giờ và từ 20 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Xe có tổng tải trọng trên 5 tấn (xe tải nặng) được phép đi qua hầm từ 21 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Các loại xe có tổng tải trọng trên 30 tấn và các loại xe kéo rơ moóc, ô tô chở hàng hóa cao hơn 4,2m hoặc rộng hơn 2,5m chỉ được đi qua hầm khi có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

Tất cả các loại xe khi đi qua hầm Thủ Thiêm không được bấm còi; bật đèn ở chế độ chiếu xa và đèn ưu tiên (trừ các xe ưu tiên); không được dừng, đỗ xe trong đường hầm (trừ các loại xe ưu tiên).


Trong các trường hợp tai nạn khẩn cấp, teen nhà mình cũng lưu ý luôn để yên tâm và "lên tinh thần" nha!

Hầm Thủ Thiêm có lực lượng chữa cháy làm việc 24/24h tại hầm gồm 90 chiến sĩ thuộc đội phòng cháy và chữa cháy, chia làm 3 ca và khi cần có thể huy động thêm 30 người nữa.

Ngoài ra, luôn luôn có sẵn 10 xe đặc chủng chữa cháy chờ lệnh khi có sự cố và 1 tàu chữa cháy túc trực trên sông Sài Gòn.

Khi xảy ra sự cố, các cán bộ chiến sĩ PCCC sẽ có mặt ngay lập tức, hướng dẫn người dân thoát nạn, kích hoạt hệ thống thiết bị trong hầm và cuối cùng là thực hiện công tác tổ chức chữa cháy

Hầm Thủ Thiêm có 2 lối thoát nạn (rộng 2m, cao 2,5m) nằm dọc bên hông, được ngăn cách với phần đường cho xe lưu thông bởi tường bê tông dày 0,5m. Đường thoát nạn có đèn chỉ dẫn, loa phát thanh, hệ thống quạt hút gió, thoát khói và chống tụ khói sẽ hỗ trợ việc thoát nạn và chữa cháy.

Toàn bộ hầm có 38 cửa thoát nạn (mỗi bên có 19 cửa, cách nhau 50m) để thoát từ đường cho xe lưu thông ra.