Ăn đường khiến con người "xì hơi" nhiều nhất

J, Theo Mask Online 10:01 28/01/2013

Phân loại mới về 4 loại chất đường gây "xì hơi" nhiều nhất.

"Xì hơi” là một hoạt động sinh lý cơ bản của con người nhưng đôi khi, chúng lại gây bất tiện cho “khổ chủ” và khiến nhiều người xung quanh khó chịu. Tuần qua, một phân loại mới đã giúp các nhà khoa học đưa ra 4 loại chất đường gây "xì hơi" nhiều nhất.

an-duong-khien-con-nguoi-xi-hoi-nhieu-nhat
Từ lâu, chúng ta đã biết "xì hơi" là phản ứng của cơ thể thải khí ra khỏi ruột qua đường hậu môn, chúng thường kèm theo tiếng động và mùi hương đi kèm thực sự không dễ chịu chút nào. Trên thực tế, một người "xì hơi" tới 1,9 lít khí mỗi ngày (khoảng 15 - 20 lần) vẫn được coi là bình thường.  

Khi chúng ta nhai hay nuốt thức ăn, không khí đi vào trong cơ thể cùng với chúng. Nếu bạn nghĩ ợ hơi là hành động bất lịch sự thì bạn nên biết rằng, dù bằng cách này hay cách khác, không khí cũng sẽ bị "tống" ra khỏi cơ thể chúng ta.

Tuy nhiên, nguồn khí thải cho quá trình "xì hơi" bắt nguồn từ đám đông vi khuẩn trú ngụ trong đường ruột. Đó là lý do vì sao phải vài giờ sau bữa ăn, khí mới bắt đầu “xì” ra ngoài. 

Trong quá trình biến bữa ăn thành các chất dinh dưỡng có ích, thức ăn không tiêu hóa hết ở dạ dày đi xuống ruột và những vi sinh vật ở đây sẽ phân hủy chúng, tạo ra sản phẩm phụ bốc mùi là khí hydro sulfua, có mùi tương tự như quả trứng thối.

Theo các nhà khoa học, mặc dù phản ứng sản sinh khí từ việc vi khuẩn phân hủy thức ăn ở mỗi người khác nhau nhưng chất liệu tạo khí nhiều nhất là các loại đường, đặc biệt là 4 loại sau:

Fructose - đây là thành phần tự nhiên trong thực vật như hành, ngô, lúa mì và thậm chí cả quả lê. Nó thường được cô đọng thành một loại siro dùng để sản xuất nước giải khát hay nước hoa quả.

Lactose - thành phần tự nhiên có vị ngọt trong sữa và thường được cho thêm vào thực phẩm như bánh mỳ hoặc ngũ cốc. Một số người sinh ra với hàm lượng lactase (enzym phân hủy được tìm thấy ở mép ruột non) thấp khiến họ dễ bị “xì hơi”.

Raffinose - thành phần tạo khí có mặt trong đậu, súp lơ, bắp cải, măng tây và một số loại rau củ khác.

Sorbitol - loại đường khó tiêu hóa, tìm thấy trong các loại quả. Sorbitol thường được sử dụng như yếu tố tạo ngọt nhân tạo trong thực phẩm ăn kiêng và không đường. Chính vì vậy, kẹo cao su, soda không đường và bất kỳ thứ gì khác đánh lừa cảm giác ngọt cũng có thể cung cấp nguồn khí dồi dào.


Nhóm nghiên cứu còn cho biết thêm, 2 yếu tố khác dẫn đến việc "xì hơi" là chất xơ và tinh bột - phổ biến trong các loại thực phẩm như ngô, khoai tây, lúa mì. Mặc dù chất béo và protein không gây ra khí nhưng chúng là nhân tố khiến thời gian tiêu hóa một bữa ăn bị kéo dài, tạo cơ hội cho vi khuẩn sản sinh khí từ nhiều yếu tố khác. Loại thực phẩm duy nhất không gây khí chính là gạo.

an-duong-khien-con-nguoi-xi-hoi-nhieu-nhat

Để tránh tình trạng đầy hơi và hậu quả là việc "xì hơi", bạn cần tìm ra loại thực phẩm nào gây kích thích vi khuẩn trong ruột của mình và cắt giảm lượng tiêu thụ chúng. 

Một giải pháp khác là bạn sử dụng các sản phẩm chống gây khí như alpha-galactosidase (Beano), enzym lactase (Lactaid) hay simethicone (Gas-X) đi kèm với những thực phẩm “dễ gây vấn đề”. Chúng sẽ giúp bạn giảm đầy hơi bằng cách đẩy khí đi nhanh hơn.

Tuy nhiên, nếu bạn “xì hơi” thấy khó chịu và đau thì nên đi khám chuyên khoa tiêu hóa sớm để được tư vấn cách chữa trị bởi đó là dấu hiệu của một căn bệnh.

(Nguồn tham khảo: Lifeslittlemysteries)