Ai Cập yên bình qua chùm ảnh màu chụp từ 100 năm trước

Antonio, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 24/08/2013

Cách đây một thế kỷ, Ai Cập được biết đến là một đất nước mang vẻ đẹp bình yên, trái ngược hoàn toàn với hình ảnh của ngày hôm nay…

Ai Cập - quê hương của các Pharaoh hiện nay là một trong những điểm nóng xung đột được quan tâm nhiều trên thế giới. Quốc gia này đang trượt ngã vào cuộc xung đột nội bộ đẫm máu nhất trong lịch sử, theo bước quốc gia láng giềng Syria. 

Ai Cập yên bình qua chùm ảnh màu chụp từ 100 năm trước 1

Theo CNN đưa tin, kể từ giữa tuần trước đã có ít nhất 850 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình và nổi loạn ở Ai Cập. Mới đây nhất, ngày 16/8 ở Ai Cập được gọi là “thứ Sáu đẫm máu” khi chỉ trong vòng 24h, có tới 173 người thiệt mạng. Nhìn vào những con số đáng sợ ấy, ít ai có thể tưởng tượng được, cách đây 100 năm, Ai Cập trông như thế nào… 

Ai Cập yên bình qua chùm ảnh màu chụp từ 100 năm trước 2

Ai Cập yên bình qua chùm ảnh màu chụp từ 100 năm trước 3

Chúng ta cùng ngược dòng lịch sử ngắm nhìn vẻ đẹp bình yên của Ai Cập huyền bí cách đây một thế kỷ, qua chùm ảnh dưới đây.

Ai Cập yên bình qua chùm ảnh màu chụp từ 100 năm trước 4

Cách đây 100 năm, Ai Cập là một quốc gia hòa bình và tương đối ổn định. Đây là hình ảnh cửa ngõ phía Nam của thủ đô Cairo, cánh cổng Bab Zuweila. Nó được xây dựng từ thời kỳ Trung đại, dưới thời đế chế Ottoman. Ở đây, đôi khi còn là nơi diễn ra những vụ hành quyết tội phạm, vụ cuối cùng là vào năm 1811. 

Đầu của nạn nhân sau đó sẽ bị treo lên đỉnh của các bức tường trên cánh cổng. Ngoài ra, Bab Zuweila là địa điểm ưa thích của các Quốc vương Ai Cập khi ngắm nhìn cuộc hành hương hàng năm tới thánh địa Mecca của các tín đồ Hồi giáo.


Ai Cập yên bình qua chùm ảnh màu chụp từ 100 năm trước 5

Opera Khedival tại Cairo là nhà hát đầu tiên ở châu Phi, tọa lạc ở Place de L’Opéra. Nó được cho xây dựng bởi phó vương Ismail - một tín đồ của opera nhân dịp khai trương kênh đào Suez. 

Rất tiếc, ngày 28/10/1971, toàn bộ nhà hát này đã bị hỏa hoạn phá hủy. Hình ảnh trên đây là một quán cà phê góc phố tại quảng trường Place de L’Opéra ở Cairo. Bức ảnh cho thấy rõ hình ảnh tương phản giữa tầng lớp trung, thượng lưu với những người ăn xin, nghèo khổ ở Ai Cập thời đó.


Ai Cập yên bình qua chùm ảnh màu chụp từ 100 năm trước 6

Ai Cập là quốc gia có nhiều tôn giáo, trong đó khoảng 90% mọi người theo đạo Hồi. Do đó, không khó để tìm kiếm những nhà thờ Hồi giáo ở nơi đây. Hình ảnh trên chụp lại cổng vào của một trong những nhà thờ Hồi giáo lâu đời nhất ở Cairo, có từ năm 1125, thời Fatimid - nhà thờ Al Aqmar (hay còn gọi là nhà thờ Xám).


Ai Cập yên bình qua chùm ảnh màu chụp từ 100 năm trước 7

Hình ảnh một nhà thờ Hồi giáo khác được xây dựng muộn hơn, vào khoảng thế kỷ XIV - nhà thờ Kalaoun. Công trình được xây với mục đích là nhà thờ hoàng gia, nơi quốc vương cầu nguyện mỗi ngày. 

Người cho xây nhà thờ Kaloun chính là Sultan al-Nasir Muhammad, một vị vua kỳ dị: què một chân, mù một mắt, rất lùn song lại vô cùng thông minh, nhiệt huyết. Tên của nhà thờ được lấy theo tên của cha Sultan, quốc vương Al Mansur Qalawun.


Ai Cập yên bình qua chùm ảnh màu chụp từ 100 năm trước 8

Trên đây là khung cảnh một góc phố yên bình của Cairo cách đây 100 năm về trước. Phụ nữ Ai Cập mang những trang phục Hồi giáo truyền thống với mạng che kín mặt. 

Trong khi đó, phong cách ăn mặc của những người đàn ông có phần phong phú hơn. Đáng chú ý, từ thập niên 1800, trang phục Tây Âu bắt đầu du nhập vào quốc gia này, nhất là trong tầng lớp thượng lưu Ai Cập.


Ai Cập yên bình qua chùm ảnh màu chụp từ 100 năm trước 9

Trang phục truyền thống của đàn ông Ai Cập là những chiếc áo dài với tay áo to, rộng và tối màu, gọi là “gallibaya”. Họ cũng đeo một dải giống thắt lưng, gọi là “hizan”. 

Một điểm khá thú vị ở người Ai Cập là dường như họ không có thiện cảm với những chiếc mũ Tây. Nếu sống vào thời đó ở Ai Cập, bạn có thể mặc complet, vest kiểu Tây tùy ý nhưng buộc phải quấn khăn đeo trên đầu, hoặc sử dụng những chiếc mũ có hình giống như quấn khăn có màu đỏ - có tên gọi là “tarbush”.


Ai Cập yên bình qua chùm ảnh màu chụp từ 100 năm trước 10

Ngày nay, không khó để tìm thấy những chiếc ô tô tại các thành phố của Ai Cập. Nhưng vào năm 1910, xe ngựa “ôm” gần như là phương tiện duy nhất giúp bạn di chuyển trong các thành phố ở quê hương Pharaoh.


Ai Cập yên bình qua chùm ảnh màu chụp từ 100 năm trước 11

Hình ảnh một tiệm đồ ăn ở Helwan, trung tâm công nghiệp lớn của Ai Cập trong thế kỷ XX. Nằm bên bờ sông Nile, đối diện với thành phố lịch sử Memphis, Helwan là một trong những nơi đầu tiên ở Ai Cập được xây dựng đài thiên văn. Năm 1903, đài thiên văn Khedivial được lắp đặt tại đây để quan sát sự di chuyển của sao chổi Halley.


Ai Cập yên bình qua chùm ảnh màu chụp từ 100 năm trước 12

Zaffa là buổi lễ diễu hành trong đám cưới truyền thống của người Ai Cập. Bất kể sang, hèn, giàu, nghèo, các cặp vợ chồng khi làm đám cưới đều phải tổ chức Zaffa với sự góp mặt của ban nhạc cổ truyền, múa bụng và múa kiếm với lửa. 

Trong đó, cô dâu, chú rể sẽ mặc quần áo trắng, ăn bánh mì nướng, còn các khách mời được dùng nước uống hoa hồng, gọi là Sharpat. Đặc biệt, trong các lễ cưới Hồi giáo, rượu là thứ bị cấm tiệt.


Ai Cập yên bình qua chùm ảnh màu chụp từ 100 năm trước 13

Trên đây là chân dung hai người phụ nữ ở chợ cá Cairo cách đây 100 năm. Cả hai đều là gái mại dâm. Hình ảnh này gợi lại một góc khuất của Ai Cập ở cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Từ năm 1882, thực dân Anh đã cho phép hợp pháp hóa mại dâm ở quốc gia này do đó mà nhu cầu về gái mại dâm ngày một tăng cao.

* Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: The Ring Bearer, Buzzfeed, Rags, Wikipedia...