5 vụ trộm tranh ly kỳ nhất lịch sử

Mèo Lợn, Theo 00:00 19/11/2010

Có những cách thật tinh vi và đầy tính "chiến thuật", nhưng cũng có vụ thật "thô thiển" và táo bạo. <img src='/Images/EmoticonOng/01.png'>

Các bức tranh nổi tiếng với giá hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu USD luôn là tâm điểm chú ý của công chúng và cũng là niềm “mơ ước” của bọn trộm. Chúng đã nghĩ ra rất nhiều mưu mô mà nhiều lúc không khác gì phim ảnh để có thể vượt qua hàng rào bảo vệ và lấy đi các tác phẩm này.
 
Vụ Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Paraguay
 
Vào tháng 7 năm 2002, Paraguay có một đợt triển lãm tranh có giá trị nhất trong lịch sử quốc gia này. Tận dụng thời cơ đó, một băng trộm đã đột nhập và lấy đi 5 bức họa nổi tiếng. Về sau này, người ta biết được bọn chúng đã bỏ ra hàng tháng trời để lên kế hoạch cho vụ trộm này.
 
Bảo tàng tại Paraguay.
 
Ít nhất đã có một tên thuê cửa hàng ở cách bảo tàng khoảng 25m, sau đó hắn “tuyển” thêm người để cùng đào một đường hầm ở độ sâu hơn 3m chạy từ cửa hàng vào thẳng bảo tàng. Chúng đã mất ít nhất 2 tháng để đào đường hầm này và tới ngày 30 tháng 7, bọn trộm điềm nhiên chui vào viện bảo tàng sau giờ đóng cửa.
 
Thiệt hại của vụ trộm là 3 tác phẩm trị giá hơn 1 triệu USD. Hiện tại, nhà chức trách đã có ít nhất 3 nghi phạm dựa trên lời khai của một nhân chứng về việc tên đầu sỏ đã thuyết phục cô ta cùng tham gia vụ trộm này. Tung tích của 3 bức tranh vẫn chưa được phát hiện ra.
 
Vụ Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Thụy Điển
 
Băng trộm năm 2000 ở Thụy Điển biết rất rõ cần phải làm gì: Súng sẽ giúp chúng đe dọa mọi người, một quả bom sẽ đánh lạc hướng cảnh sát và những chiếc xe xịt lốp sẽ trở nên vô dụng.
 
Chiến thuật đánh lạc hướng của bọn chúng đúng là vô cùng hiệu quả. Trong khi 3 tên tiến vào bảo tàng thì lũ đồng bọn đặt 2 quả bom trên xe hơi ở đầu kia thành phố và nhờ đó thu hút gần như toàn bộ lực lượng cảnh sát vào cuộc. Cùng lúc, một toán khác rải đinh nhọn ở các con đường quanh viện bảo tàng để ngăn cản xe cảnh sát tới ứng cứu. 3 tên còn lại thản nhiên rút súng đe dọa và lấy đi các bức tranh trước khi chuồn đi bằng xuồng cao tốc (viện bảo tàng nằm bên cạnh một con kênh lớn).
 
Con kênh là nơi bọn trộm tẩu thoát.
 
Chỉ trong nửa giờ, chúng đã lấy được 3 bức tranh với tổng giá trị lên tới 30 triệu USD. Sau này, bọn cướp cử đại diện ra thương lượng về khoản tiền chuộc nhưng bất thành. Người ta đã tóm được 8 tên và tống chúng vào tù, tuy nhiên vẫn còn 1 bức họa chưa được tìm thấy.
 
Vụ Bảo tàng Van Gogh
 
Một sáng cuối năm 2002, hai kẻ ngang nhiên trèo vào Bảo tàng Van Gogh và dễ dàng lấy đi 2 tác phẩm rất nổi tiếng của danh họa người Hà Lan. Một trong số chúng là tên trộm tranh tầm cỡ quốc tế có biệt danh Con khỉ. Điều nực cười là bọn chúng dùng chính chiếc thang do những người thợ gác vào tường của viện bảo tàng.
 
Dù bên ngoài Bảo tàng có không ít người nhưng 2 tên trộm táo tợn vẫn thoải mái trèo lên tầng 2, đập vỡ cửa kính bằng cách quấn áo vào khuỷu tay, chui vào trong và mang ra 2 bức tranh trị giá 8 triệu USD. Chuyện thật mà như đùa!
 
1 trong 2 tác phẩm bị lấy đi.
 
Mọi thứ diễn ra nhanh tới mức khi cảnh sát được báo động và tới nơi thì chúng đã cao chạy xa bay. Tới năm 2004, cả hai tên đều bị bắt và kết án sau khi kết quả thử DNA qua chiếc mũ tìm thấy tại hiện trường khớp với chúng. Tuy nhiên, có thể đây là chiến thuật của bọn trộm vì luật pháp Hà Lan quy định bọn trộm các tác phẩm nghệ thuật sẽ được sử hữu chính những kiệt tác đó 20 tới 30 năm sau vụ án. Thật là một quy định kỳ lạ.
 
Vụ Bảo tàng Vườn Isabella Gardner
 
Vụ này diễn ra ở Boston năm 1990 và là vụ trộm gây thiệt hại nặng nề nhất lịch sử. Hai tên trộm đã cải trang thành cảnh sát, bình tĩnh gõ cửa bảo tàng và thông báo cho nhân viên bảo vệ rằng chúng đến để kiểm tra vì đã có người báo cáo về một vụ đột nhập.
 
Nơi đã xảy ra vụ trộm tranh lớn nhất lịch sử.
 
Chỉ vài phút sau, các nhân viên bảo vệ ngây thơ đã bị trói nghiến lại và bọn trộm có cả giờ đồng hồ để hoàn thành phần việc còn lại, đó là tháo tranh và nhân tiện lấy thêm vài món cổ vật có giá trị khác. Chúng tiết lộ cho các nhân viên bảo vệ là sẽ đòi tiền chuộc nhưng tới nay vẫn chưa có yêu cầu nào được đưa ra.
 
Bảo tàng đã treo giải 5 triệu USD nhưng vẫn vô hiệu và nhà chức trách thậm chí còn khẳng định sẽ không truy tố nếu bọn trộm trả lại các tác phẩm. Tới nay, chúng vẫn bình an vô sự với số tài sản lớn của mình.
 
Vụ Bảo tàng Lourve
 
Ai cũng biết về bức tranh Mona Lisa nổi tiếng và thật đáng kinh ngạc khi nó bị đánh cắp theo cách rất thô thiển vào năm 1911. Một gã người Italy nhập cư làm nhân viên canh gác tại bảo tàng Lourve đã trốn lại sau giờ làm việc, gỡ bức họa ra khỏi khung và nhét vào trong áo. Thế là kiệt tác này biến mất trong suốt 2 năm sau đó.
 
Đây là kẻ đã đánh cắp nàng Mona Lisa.
 
Thậm chí người ta chỉ phát hiện ra vụ việc vào cuối ngày hôm sau và sau đó vẫn đinh ninh rằng bức tranh đã được tháo đi bảo dưỡng. Cảnh sát chỉ được biết vụ việc khi đã quá muộn.
 
2 năm sau, gã người Italy mang tên Vincenzo Perugia bị bắt khi đang cố bán tranh cho một nhà sưu tập ở quê nhà. Hắn thanh minh rằng mình ra tay vì lòng yêu nước và cảm thấy cần phải mang bức tranh về đúng nơi quê cha đất tổ. Thật là "cao thượng"!