3 cặp chị em khiến cả thế giới kính nể thời xa xưa

Việt Anh, Theo Mask Online 00:00 24/03/2012

Đó là Hai Bà Trưng, chị em nhà Grimke và chị em nhà Podgorski.

Phụ nữ là một nửa quan trọng của thế giới và không ít bậc "hồng nhan" đã khiến bao cánh đàn ông phải “nghiêng nước đổ thành” mà ngưỡng mộ trước tài sắc vẹn toàn của họ. Dù khác nhau về hoàn cảnh, cách thức và hành động nhưng 3 cặp chị em dưới đây đã thực sự thay đổi thế giới vào thời điểm họ sống...

1. Hai Bà Trưng

Cái tên này chắc hẳn khiến các teen nhà mình tự hào lắm. Lí do là bởi hai vị nữ tướng Trưng Trắc và Trưng Nhị (được gọi là Hai Bà Trưng) đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Hán từ năm 40 tới năm 43.

Bà Trưng Trắc và Trưng Nhị anh dũng phất cờ khởi nghĩa để đuổi sạch quân thù.

Năm 19 tuổi, bà Trưng Trắc kết duyên cùng ông Thi Sách, con trai Lạc tướng huyện Chu Diên, cũng là một người bất khuất, có ý chí quật cường. Lúc bấy giờ, giặc phương Bắc đang áp đặt chế độ đô hộ ở nước ta. Trước chính sách đồng hóa dân tộc, Thi Sách không chịu khuất phục và bị giặc bắt rồi giết chết. Không hề nao núng, bà Trưng Trắc cùng em gái mình là Trưng Nhị tiếp tục sự nghiệp mà Thi Sách đã để lại.

Tháng 3 năm 40 (theo dương lịch), Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa ở Mê Linh. Từ Mê Linh, nghĩa quân tiến đánh Luy Lâu (thuộc Thuận Thành, Bắc Ninh) rồi tiến đánh nhiều phủ huyện khác, phối hợp với lực lượng nổi dậy ở các địa phương. Bọn quan lại ở Đông Hán hoảng sợ, có nơi mới chỉ nghe tin nghĩa quân đang đến, đã phải bỏ lại cả của cải, ấn tín, giấy tờ... để cốt chạy tháo thân về nước.


Sau khi đuổi sạch bóng quân xâm lược, bà Trưng Trắc được tất cả các tướng sĩ và quân lính suy tôn lên làm vua, đóng đô ở Mê Linh. Bà Trưng Nhị và các tướng lĩnh khác đều được phong tước, chia nhau ra giữ các miền xung yếu. Hai năm liền, mọi người cả nước được miễn tất cả các khoản sưu thuế.

Tuy nhiên, triều đại hai vua nữ này chỉ kéo dài có hai năm. Giặc Hán sau khi thua tan tác đã cử danh tướng Mã Viện kéo quân sang tái chiếm Giao Chỉ. Tên này cực kì mưu mô, bày ra cách cho quân sĩ khi giao chiến thì khỏa thân khiến binh lính phần đông là nữ nhi của Hai bà Trưng bị xấu hổ, vì thế mà thua trận. Hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị sau khi bại trận, vì không muốn để giặc làm nhục nên đã trẫm mình xuống dòng Hát Môn huyền thoại. Dẫu thất bại song công lao của Hai Bà Trưng với dân tộc thì đời đời còn lưu mãi.

2. Chị em nhà Grimke

Nếu nói phụ nữ không có khả năng làm chính trị thì hai chị em nhà Grimke sẽ là ví dụ rõ ràng nhất chứng tỏ bạn đã lầm. Hai chị em này là những phụ nữ đầu tiên hoạt động công khai trong các phong trào cải cách xã hội ở Mĩ. Trong khi nhiều nhà cách mạng sinh ra và lớn lên trong gia đình ưu tú tiến bộ thì Angelina và Sarah Grimke lại ở hoàn cảnh ngược lại, họ lớn lên trong sự nuôi dưỡng của Chánh án Tòa án Tối cao bang South Carolina - một người ủng hộ chế độ nô lệ và sự bất bình đẳng giới.

Hai chị em lớn lên trên một đồn điền và đã chứng kiến những gì tồi tệ nhất của chế độ nô lê.

Hai chị em lớn lên trên một đồn điền và đã chứng kiến những gì tồi tệ nhất của chế độ nô lệ. Khi mới lên 5 tuổi, Sarah đã từng muốn bỏ nhà đi tới một nơi nào không phải thấy những sự đối xử ngược đãi. Sau này, cô đã dạy nô lệ của mình biết đọc chữ dù đó là một điều vi phạm pháp luật bấy giờ. Cô là người ham mê học tập nghiên cứu và mong muốn được trở thành luật sư, song gia đình can ngăn và cấm cô đi học đại học tiếp. Sự nghiệp bất thành, Sarah đã cố hết sức và trở thành mẹ đỡ đầu của cô em gái út Angelina. Hai người gắn bó khăng khít với nhau từ đó.


Họ bắt đầu theo đuổi lí tưởng của mình một cách công khai từ năm 1835. Angelina cho ra đời cuốn sách viết về chế độ nô lệ đầu tiên của mình và gây ra một cú sốc lớn khi đó. Cô kêu gọi phụ nữ miền Nam chống chế độ nô lệ vì lí do đó là thời cơ cho các ông chồng lừa dối vợ mình. Điều này thẳng thắn tới nỗi vấp phải sự phản kháng tương đối mạnh mẽ của nhân dân thời bấy giờ. Chưa hết, cặp đôi chị em này còn tiếp tục kêu gọi, diễn thuyết, biểu tình và viết báo với những lời lẽ chỉ trích đanh thép mạnh mẽ.


Cuối cùng, họ cũng thành công vào năm 1838 khi thỏa thuận được với các cơ quan lập pháp tiểu bang Massachusetts. Họ cũng thu hút và kêu gọi được hàng nghìn phụ nữ ở bang New England tham gia bãi nô. Cùng năm, Angelina kết hôn với một người đàn ông cùng chí hướng tên Theodore Weld. Lúc này, họ đã quá bận rộn và không còn đủ thời gian để trực tiếp tham gia các phong trào nữa. Sarah đã dọn về ở với em gái và họ chỉ tiếp tục viết báo và tờ rơi để thể hiện ý chí. Điều đặc biệt là sau cuộc nội chiến (1961 - 1965), tới tận năm 80 tuổi, Sarah và cô em gái mới có cơ hội đi bỏ phiếu bầu cử lần đầu tiên trong suốt sự nghiệp chính trị của mình.

3. Chị em nhà Podgorski

Họ đã làm cả thế giới phải "kính nể" ngay trong Thế chiến thứ 2, khi mới có 16 tuổi. Đó là chị em Podgorski: Stefania và Helena.


Họ sống tại thị trấn Prozemysl - giáp ranh giữa Đức và Liên Xô. Hai chị em sớm mồ côi và anh trai thì bị quân Đức bắt đi lao động phục vụ. Stefania bị bỏ lại trông nom đứa em gái mới lên 6 tuổi Helena. Stefania làm việc tại cửa hàng tạp hóa của một gia đình Do Thái tốt bụng Diamants và cùng gia đình này chuyển tới sống tại một khu ổ chuột khi Prozemysl bị giải tán.

Ngôi nhà mà hai chị em Podgorski đã sống cùng 13 người Do Thái.

Năm 1942, quân Đức quốc xã tiến hành lùng sục và bắt người Do Thái đưa về trại tập trung Belzec. Gia đình Diamants cũng bị bắt, ngoại trừ hai đứa con trai đã trốn thoát và tìm tới nhà của hai chị em Podgorski. Dù còn rất nhỏ nhưng hai chị em đã rất dũng cảm và tìm cách giúp đỡ những người Do Thái. Họ thuê một căn nhà gần đó và đưa những người Do Thái lên ở tầng gác mái. Chẳng bao lâu, trên gác mái đã có tới 13 người. Để nuôi sống họ, hai chị em Stefania đã làm đủ mọi nghề từ dệt quần áo tới buôn bán thực phẩm… Đáng khâm phục hơn, ngôi nhà họ thuê lại nằm ngay cạnh nhà một sĩ quan Đức vậy mà trong một thời gian dài không hề bị phát hiện. Cuối cùng, quân Liên Xô giải phóng khu vực đó và những người Do Thái ở đây đã được trả lại tự do.

Một kết thúc có hậu cho hai bé gái dũng cảm làm nên kì tích. Stefania kết hôn với một trong những con trai của gia đình Diamants và di cư sang Mĩ, còn Helena thì ở lại Ba Lan và trở thành một bác sĩ. Trong năm 1979, họ bay sang Jerusalem và nhận huân chương vì sự dũng cảm của mình trong cuộc chiến khốc liệt.

Dẫu khác nhau ở cách thức hành động việc làm và hoàn cảnh song ở 3 cặp, nhóm chị em trên đều đã làm nên những kì tích. Họ đã thực sự thay đổi thế giới vào thời điểm họ sống.

* Bài viết có sử dụng thông tin tham khảo từ các nguồn: LSVN, Neatorama, The Guardian/Culture, Wikipedia...