Khám phá top 3 thành phần trị mụn được ưa chuộng 2019

Quang Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 08:00 01/09/2019

Hiệu quả trị mụn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và thành phần là một trong số đó. Cùng khám phá top 3 thành phần trị mụn được ưa chuộng trong năm 2019 qua bài viết này.

Benzoyl peroxide - Hoạt chất đặc trị mụn phổ biến

Nhắc đến thành phần trị mụn không thể không nhắc đến Benzoyl peroxide, một hoạt chất trị mụn rất phổ biến trong nhiều dòng đặc trị mụn hiện nay. Benzoyl peroxide dưới dạng lotion hoặc gel có khả năng thẩm thấu nhanh hơn, không gây ra tình trạng bít tắc lỗ chân lông trên da.

Benzoyl peroxide có hiệu quả đối với tất cả các loại mụn, đặc biệt là với mụn trứng cá. Có thể dùng Benzoyl peroxide ở dạng chấm mụn hoặc bôi thoa đều phát huy tác dụng điều trị mụn theo cơ chế thẩm thấu và xâm nhập vào lỗ chân lông, gián đoạn sự phát triển của vi khuẩn gây mụn và tiêu diệt mụn. Ngoài ra, Benzoyl Peroxide còn cho tác dụng làm bong lớp sừng trên da mặt, loại bỏ tế bào chết, giúp lỗ chân lông thông thoáng hơn dó đó hạn chế sự quay trở lại của mụn và giúp các hoạt chất khác thẩm thấu nhanh hơn.

Khám phá top 3 thành phần trị mụn được ưa chuộng 2019 - Ảnh 1.

Bác sĩ da liễu Arash Akhavan - thành viên của Hiệp hội Da liễu và Laser cho biết: "Hoạt chất này có khả năng kháng khuẩn mạnh và đặc biệt hoạt động hiệu quả đối với da dầu". Đối với các tình trạng da nhạy cảm, da khô cần có nồng độ phù hợp, thường dao động trong khoảng 2.5% - 10%. Tuy nhiên, nồng độ thích hợp còn phụ thuộc vào tình trạng da mụn của mỗi người. Nồng độ 5% phù hợp với da mụn nặng như mụn bọc, viêm, trứng cá… Nồng độ 2.5% phù hợp với da mụn nhẹ như mụn đầu đen, đầu trắng…

Có thể sử dụng Benzoyl peroxide từ 1 - 2 lần/ngày tùy vào mức độ của từng loại da. Một số biểu hiện của da khi mới sử dụng hoạt chất này như da ửng đỏ nhẹ, ngứa… Đây chỉ là phản ứng thường thấy và không đáng lo ngại. Benzoyl peroxide với cơ chế trị mụn dưới da nên da thường sẽ bong tróc. Vì vậy, khi sử dụng hoạt chất này thì hãy kèm thêm các sản phẩm dưỡng ẩm chứa Hyaluronic Acid hoặc kem chống nắng da mụn… để bảo vệ làn da tốt nhất có thể.

Glycolic acid - Hoạt chất trị mụn do Breakout

Glycolic acid được biết đến là thành phần đa năng, vừa có tác dụng chống lão hóa, vừa tẩy da chết vừa trị mụn hiệu quả. Đặc biệt, người ta nhớ đến Glycolic acid như là một "chất vàng" dành cho làn da mụn do Breakout (mụn xuất hiện nhiều liên tục trong một thời gian ngắn).

Glycolic acid hoạt động với cơ chế thẩm thấu sâu vào da, loại bỏ tế bào chết và xử lý các loại mụn, đẩy và làm khô nhanh nhân mụn, kích thích mụn tự bong tróc. Hoạt chất này cũng thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào da sau điều trị mụn, để làm mờ các vết thâm sẹo do mụn để lại.

Khám phá top 3 thành phần trị mụn được ưa chuộng 2019 - Ảnh 2.

Mụn xuất hiện nhiều trong thời gian ngắn thì nên sử dụng sản phẩm chứa Glycolic acid

Tương tự như Benzoyl peroxide, Glycolic acid cũng có nồng độ điều trị phù hợp với từng loại da mụn. Thông thường sử dụng Glycolic acid ở nồng độ 7% là tốt nhất. Các bác sĩ da liễu khuyên không nên tự ý sử dụng Glycolic acid ở hàm lượng nồng độ cao vì sẽ gây nguy hiểm cho da.

Tiến sĩ Brian Zelickson cho biết: "Thường xuyên sử dụng Glycolic acid với nồng độ thích hợp sẽ giúp chúng ta cải thiện tình trạng mụn, giảm sự ảnh hưởng tiêu cực từ ánh mặt trời và chống lão hóa". Ngoài ra, khi sử dụng Glycolic acid sẽ khiến cho da nhạy cảm hơn nên sử dụng thêm kem chống nắng để bảo vệ da.

Không chỉ có hiệu quả trị mụn tối ưu, Glycolic acid còn giúp làm sạch bề mặt da và cải thiện tình trạng da sạm màu rất tốt.

Salicylic acid - Hoạt chất trị mụn gốc dầu

Salicylic acid còn được biết đến với tên gọi Beta Hydroxy Acid (BHA), cũng là một dạng acid gốc dầu có tác dụng trị mụn hiệu quả. Chính là một gốc dầu nên khi tiếp xúc với da dầu sẽ xuyên qua lỗ chân lông chứa đầy bã nhờn, phá hủy các tế bào chết đang bị tắc nghẽn ở lỗ chân lông. Từ đó, loại bỏ bã nhờn gây nghẽn lỗ chân lông để làm sạch mụn, ngăn ngừa mụn và kiểm soát lượng dầu thừa trên da.

Salicylic acid có khả năng trị mụn gián tiếp tốt hợp là diệt mụn trực tiếp. Chuyên gia Arrille N.B Kauvar khẳng định: "Salicylic acid không tiêu diệt vi khuẩn, nhưng có khả năng giải quyết tế bào chết hiệu quả giúp ngăn chặn tình trạng vi khuẩn gây mụn do bít tắc lỗ chân lông". Khi dầu thừa kết hợp với tế bào chết sẽ làm tắc nghẽn lỗ chân lông khiến vi khuẩn phát triển gây ra mụn. Salicylic acid còn giúp loại bỏ lượng dầu thừa trên da và làm ổn định cấu trúc da".

Khám phá top 3 thành phần trị mụn được ưa chuộng 2019 - Ảnh 3.

Nếu da dầu mụn thì đừng bỏ qua Salicylic acid, một hoạt chất trị mụn gốc dầu nổi tiếng

Salicylic acid hoạt động với cơ chế thẩm thấu vào tế bào da khi thoa trực tiếp lên da giúp tăng cường độ ẩm, làm mềm keratin và hòa tan các chất gây kết dính tế bào, làm bong lớp da chết khô sần trên bề mặt da, kích thích quá trình tái tạo tế bào da mới mịn màng và rạng rỡ hơn.

Salicylic acid thường hoạt động tốt hơn khi ở nồng độ 1 -2%, độ pH 3 - 4. Ở nồng độ 0.5 - 1% không làm khô da, từ nồng độ 3% được sử dụng để điều trị tình trạng mụn cóc. Hoạt chất này đặc biệt phù hợp với da dầu.

Một số trường hợp không nên sử dụng Salicylic acid như người thiếu kẽm, phụ nữ mang thai, đang cho con bú, da nhạy cảm. Ngoài ra, nếu sử dụng quá liều lượng Salicylic acid cũng gây ra một số tác dụng phụ cho cơ thể. Vì vậy, cần chú ý hàm lượng nồng độ trong quá trình điều trị mụn bằng thành phần này.