JustaTee: "Dù có nổi thế nào, tôi vẫn muốn mọi người gọi mình là một nghệ sĩ Underground"

Nhật Duy, Theo Trí Thức Trẻ 08:00 24/10/2018

JustaTee - chủ nhân hit "Thằng Điên" chia sẻ về hành trình đi đến thành tích hiện tại và trên con đường đó, anh chưa một lần quên đi bản ngã của mình.

Thành công của "Thằng Điên" là công sức của cả tập thể, không thừa không thiếu vai trò nào

Cơ duyên nào để anh và Viruss kết hợp trong dự án "Thằng Điên"?

Khá là tình cờ. Sau thời điểm tôi ra mắt ca khúc "Đã lỡ yêu em nhiều", Viruss có gọi điện giới thiệu và mong muốn hai anh em gặp nhau để chia sẻ công việc. Thật ra lúc ấy, tôi cảm thấy khá mông lung, không định nhận lời, bởi cậu ấy là một người tôi chưa từng gặp và làm việc cùng. Viruss cũng là một streamer nữa nên tôi cũng không liên quan. Chỉ tới lúc cậu ấy nhắc tới âm nhạc, thì cứ như tôi bị thu hút. Đúng 15 phút sau, tôi bắt xe sang nhà Viruss, hai anh em ngồi nói chuyện một lúc và Viruss đưa ra rất nhiều bản demo.

Ban đầu, những bản demo Viruss đưa ra, tôi đều không đồng ý. Nhưng tình cờ tôi thấy có một bản trong máy có cái tên lạ lạ, thế là tôi bật lên thử. Sau khi nghe xong, tôi quyết định đem về để viết tiếp "Thằng Điên". Giai điệu từ đầu thì tôi làm theo bản demo có sẵn của Viruss, còn từ đoạn điệp khúc trở về sau, tôi triển khai thêm vào. Quá trình sản xuất đi đến thành phẩm mất 11 tháng.

MV "Thằng điên" - Justatee ft. Phương Ly

Sau khi làm việc chung trong âm nhạc, anh nhận xét như thế nào về Viruss?

Viruss làm việc rất trau chuốt và có bề dày kiến thức lớn. Tôi không nghĩ một người streamer như cậu ấy lại có một tầm hiểu biết, khả năng chơi nhạc cụ tới mức như thế. Điều đó làm tôi ngạc nhiên.

Tại sao anh không thể hiện một mình mà chọn Phương Ly là giọng nữ hát cùng trong "Thằng Điên"?

Nếu mọi người để ý thì sẽ biết rằng, những sản phẩm ngày xưa của tôi rất hay có giọng nữ bởi vì tôi thường viết những bài mà cao độ và nhịp độ của bài hát rất lên xuống, cao trào. Chỉ làm nhạc như thế mới có thể thể hiện được hết cảm xúc và mong muốn của tôi trong một ca khúc. Chính vì vậy, tôi mới lựa chọn giọng nữ tham gia vào để thể hiện được trọn vẹn sản phẩm của mình. Về Phương Ly, cô ấy là một màu giọng rất phù hợp để làm chung với tôi, ngay từ những sản phẩm trước đó khán giả có thể thấy điều này.

JustaTee: Dù có nổi thế nào, tôi vẫn muốn mọi người gọi mình là một nghệ sĩ Underground - Ảnh 2.

Khi "Thằng Điên" dẫn đầu thị trường ngay khi vừa ra mắt, ê-kíp đón nhận thành công thế nào?

Anh em chúng tôi ai nấy nhắn tin cho nhau trong group rất vui mừng và thở phào nhẹ nhõm. Từ khi làm sản phẩm này, ai trong chúng tôi cũng có sự "điên rồ" và những góc nhìn không giống với người bình thường. Nên khi đứa con của mình đồng điệu được với số đông những người thưởng thức nghệ thuật, cảm giác hồi hộp lúc đầu đã qua.

Về phía bản thân tôi, tôi thấy sung sướng vì được làm nghệ thuật đúng nghĩa và được khán giả đón nhận một cách văn minh. Thực ra bây giờ, khán giả rất công tâm trong việc lựa chọn nhạc nghe và lựa chọn sản phẩm để ủng hộ.

Anh nghĩ đâu là yếu tố "gây nghiện" của "Thằng Điên"?

Đây là công sức của một tập thể, nên nếu chia tách từng cái ra thì khó lòng mà phân tích được đâu là cái làm nên sản phẩm được đón nhận như này. Tôi nghĩ mỗi vai trò trong ca khúc này đã kết hợp với nhau, không thừa không thiếu, tất cả đều vui sướng khi được làm đủ trọng trách của mình. Từng khía cạnh đã góp phần tạo nên hiệu ứng riêng để có một sản phẩm hoàn chỉnh.

JustaTee: Dù có nổi thế nào, tôi vẫn muốn mọi người gọi mình là một nghệ sĩ Underground - Ảnh 3.

Thành công của "Thằng Điên" liệu có phải là động lực để anh làm ra thêm những sản phẩm mang tính định hướng cho tai nghe nhạc của khán giả không?

Tôi đã nuôi niềm ao ước có thể định hướng được tai nghe nhạc của khán giả từ rất lâu rồi. Tôi luôn luôn đi theo con đường đó, chứ không phải là người làm nhạc đi theo thị hiếu của khán giả. Tôi chỉ có một niềm tin rằng: Khi theo đuổi âm nhạc nghiêm túc và đúng nghĩa, tôi sẽ thu hút được những khán giả chỉ theo dõi tôi nhờ âm nhạc. Đó là những người không chạy theo trào lưu, không bị nhanh chán. Dù sau này tôi có ra sao, tôi nghĩ họ sẽ là người luôn ủng hộ âm nhạc tôi làm.

Tôi luôn muốn mỗi nghệ sĩ Việt Nam sẽ có cùng suy nghĩ như thế để một phần nào đó, mỗi người sẽ góp một chút công sức vào việc xây dựng nền âm nhạc của đất nước. Bởi yếu tố quyết định và có ảnh hưởng đến nền âm nhạc Việt Nam đều đến từ nghệ sĩ. Người nghe nhạc chỉ là những người ủng hộ, nhìn nhận âm nhạc một cách chung chung thôi. Còn nghệ sĩ mới là người làm ra âm nhạc để người khác theo dõi và hiểu hơn về âm nhạc. Tôi chỉ mong muốn các nghệ sĩ có những sản phẩm đừng bị cuốn theo thị hiếu, xu hướng quá nhiều mà đánh mất đi chất nghệ sĩ của mình.

JustaTee: Dù có nổi thế nào, tôi vẫn muốn mọi người gọi mình là một nghệ sĩ Underground - Ảnh 4.

Những người trẻ mà làm nghệ thuật được như tác giả của "HongKong1", tôi rất mừng

Anh đánh giá thế nào về "HongKong1" - đối thủ chạy đua cùng thời điểm ra mắt với "Thằng Điên"?

Xưa nay tôi không có tâm thế ganh đua với ai. Những gì mọi người xây dựng về sự ganh đua, đều chỉ là những tác động bên ngoài thôi. Còn nghệ sĩ như chúng tôi nhìn vào nhau đều có sự tôn trọng và kỳ vọng nhất định.

Những người trẻ mà làm nghệ thuật được như tác giả của "HongKong1", tôi rất mừng. Các bạn ấy có tâm hồn rất trong trẻo. Con đường của các bạn ấy dù còn rất mới nhưng đã nhận được nhiều hiệu ứng tốt. Các bạn ấy nên vận dụng những cái đấy để làm những sản phẩm sau tốt hơn nữa. Từng vật lộn làm âm nhạc và gặp rất nhiều biến cố, tôi luôn muốn truyền cảm hứng cho các bạn trẻ, dù đi lên từ hiện tượng hay từ điều gì đi chăng nữa thì hãy làm nghệ thuật thật sự nghiêm túc và đừng để bị cuốn theo sự hào nhoáng của showbiz.

Anh có nói về quãng thời gian gặp phải biến cố trong âm nhạc, giai đoạn đó thế nào?

Tôi từng có thời gian bị bí bách trong con đường âm nhạc. Bởi vì nhạc của tôi lúc đó chỉ ra bản audio, không phát triển Music Video vì xin tài trợ như thế nào đi chăng nữa thì người ta cũng không hiểu được. Những người thuộc Underground như tôi khi ấy rất khó để tiếp cận được với nhãn hàng và làm được MV chỉn chu, mọi thứ chỉ tự phát thôi.

JustaTee: Dù có nổi thế nào, tôi vẫn muốn mọi người gọi mình là một nghệ sĩ Underground - Ảnh 5.

Cộng thêm nữa là con đường Underground lúc ấy chưa được định hình rõ ràng rằng mọi người nên hoạt động như thế nào. Có quá nhiều anh em ở trong giới nhưng mỗi người lại theo một thiên hướng riêng. Có người có thể lên được truyền hình và các phương tiện giải trí khác để đẩy mạnh tên tuổi còn tôi lại không phù hợp lắm để làm điều đó. Chính vì thế, tôi quyết định ra làm kinh doanh riêng để không phụ thuộc kinh tế vào showbiz và không bị ảnh hưởng đến đam mê. Đó là 3 năm tôi ngưng ra các sản phẩm âm nhạc. Sau khi cảm thấy nền tảng hoạt động kinh doanh ngoài Hà Nội đủ rồi, tới năm ngoái, tôi vào lại TP.HCM để làm âm nhạc trở lại. "Đã lỡ yêu em nhiều" là sự khởi đầu trở lại của tôi.

Tôi đúng tâm thế là khởi nghiệp luôn, bởi vì thời điểm đó, tôi không quen ai mà chỉ loanh quanh một mình. Tính tôi từ trước đến nay luôn khép kín như thế, chỉ có Phương Ly thường sang nhà để thu âm và sản xuất ca khúc mới. Cho đến thời điểm hiện tại, tôi cũng không quen biết rộng và chơi với nhiều người. Tôi chỉ biết làm âm nhạc và quen những người trong ê-kíp cùng làm sản phẩm. Nên việc ra sản phẩm và được khán giả đón nhận đó là niềm vui duy nhất đối với tôi.

Thành công của ca khúc "Đã lỡ yêu em nhiều" mang lại cho anh điều gì?

Điều đầu tiên tôi trân trọng là sau bao nhiêu năm không ra bài mới, khi tôi trở lại, mọi người vẫn đón nhận và không lãng quên mình. Như nghệ sĩ bình thường, chỉ tầm nửa năm, 1 năm không ra bài là khán giả đã dễ quên. Còn với đối tượng khán giả của tôi, người ta chỉ đến với tôi nhờ âm nhạc thôi nên họ luôn giữ trong lòng ngọn lửa ủng hộ cho người nghệ sĩ mà họ tin tưởng. Những điều đó là động lực cực kì to lớn đối với một người vào Nam khởi nghiệp như tôi.

Nhìn chung, cuộc sống hiện tại của tôi cũng tốt hơn so với những tháng ngày vật lộn, khó khăn trước đó. Tôi lấy những khoản kiếm được để tái đầu tư vào nghệ thuật, lấy tiền đầu tư làm MV. Còn trước đây, muốn làm MV thì tôi phải lấy tiền riêng do mình kinh doanh ra để làm chứ không nhận được tài trợ gì.

Dù có thế nào, vẫn muốn mọi người gọi mình là một nghệ sĩ Underground

Trong khoảng thời gian gần đây, bảng xếp hạng nhạc Việt tràn ngập những ca khúc của Underground. Đây cũng là một tín hiệu thú vị của Vpop. Nhưng bên cạnh đó cũng có quá nhiều ca khúc có nội dung không "sạch" chiếm sóng làm đảo lộn giá trị của nhạc Việt. Anh nghĩ như thế nào?

Tất cả đều là do khán giả nhìn nhận và đón nhận như thế nào. Không ai có thể kiểm soát được sự thành công của người nghệ sĩ khi họ đã đến với tai nghe của khán giả, và ngược lại, không ai bắt khán giả nghe điều họ không muốn nghe. Song, tôi vẫn tin một điều rằng nếu người nghệ sĩ có một cái hồn đẹp thì họ sẽ được mọi người đón nhận.

Thật ra đối với bất kì người nghệ sĩ nào, nhất là thế hệ nghệ sĩ đường phố sau này, họ đều có những thời khắc sống với tuổi trẻ, muốn phá tung những luật lệ để được sống phóng khoáng từ lời lẽ đến hành động. Những điều này nếu mà ở nước ngoài thì không sao nhưng khi về Việt Nam, nên có sự kìm chế tốt hơn.

JustaTee: Dù có nổi thế nào, tôi vẫn muốn mọi người gọi mình là một nghệ sĩ Underground - Ảnh 6.

Dù biết cá tính riêng là cần có ở mỗi nghệ sĩ, chỉ có điều khi các bạn hiểu biết về cuộc sống mưu sinh, rằng khi đam mê còn phải đối diện với nhiều khó khăn, sóng gió bên ngoài xã hội và những người xung quanh thì họ sẽ tự nhiên bớt đi sự phẫn uất đến mức phải có những lời lẽ gay gắt trong sản phẩm âm nhạc của mình. Đến một thời khắc nào đó, người ta sẽ tự lớn lên và tự trưởng thành.

Bây giờ, tôi thấy các bạn trẻ làm nhạc đã đỡ đi nhiều rồi, các bạn chủ yếu chỉ rap về cuộc đời, về cá tính nghệ sĩ trong các bạn thôi. Đây là bước chuyển mình rất tốt. Ngày xưa, khi mọi thứ còn mới, mọi người chưa làm quen được với thuần phong mĩ tục của Việt Nam thì còn nhiều ca khúc hơi phản cảm, nhưng về sau, nhiều người đã nghiệm ra được làm như thế cũng chẳng giải quyết được gì nên họ tự chuyển mình. Vẫn có những ca khúc nói lên được cái tôi nghệ sĩ, phóng khoáng, tự do mà vẫn phù hợp với xã hội Việt Nam.

Anh có cảm thấy khó chịu hay không vui khi người ta vẫn coi anh là một nghệ sĩ Underground không?

Không. Tôi muốn như thế. Bởi vì tôi luôn muốn giữ cái chất đó, ít nhất là về đời sống. Ở Việt Nam, Underground không chỉ là chất liệu âm nhạc đâu mà còn là một lối sống của những người theo đuổi nó. Đó là sự phóng khoáng, tự do nhưng sống có anh em, giống như một tập thể. Đây là luật bất thành văn của giới này rồi. Tôi thấy rất thích khi được sống trong không gian đường phố như thế, không phải ngần ngại, nề hà bất kì điều gì, thích thì nói là thích, ghét thì cũng nói thẳng.

Về sau này, có rất nhiều người mang danh Underground nhưng thực ra họ làm những sản phẩm để kinh doanh thì tinh thần Underground giảm bớt đi. Tất nhiên ai cũng phải có lúc mưu sinh, lo cho cuộc sống. Nhưng tôi là một người sinh ra từ Underground nên sau này, dù có nổi tiếng hay thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn muốn mọi người biết đến mình với tư cách là một nghệ sĩ Underground. Thật ra cách tôi làm âm nhạc cũng không phải hào nhoáng, chuyên nghiệp theo kiểu thương mại hoá sản phẩm như những nghệ sĩ thực thụ. Tôi vẫn sống phóng khoáng, giữ tinh thần để ra được những ca khúc có hồn.

JustaTee: Dù có nổi thế nào, tôi vẫn muốn mọi người gọi mình là một nghệ sĩ Underground - Ảnh 7.