Jack Reacher: Never Go Back - Tham vọng nhưng còn nhiều điều đáng tiếc

Quang Chúc, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 23/10/2016

Các nhà làm phim của "Jack Reacher: Never Go Back có đủ những nguyên liệu hảo hạng nhưng rất tiếc, món ăn họ mang tới chỉ làm khán giả thấy vừa miệng thay vì đọng lại chút gì đó đặc sắc đáng nhớ."

Năm 2012, Tom Cruise cùng Christopher McQuarrie cho ra mắt Jack Reacher, bộ phim được chuyển thể từ tập truyện One Shot trong loạt tiểu thuyết về người cựu quân nhân đi lang thang khắp nước Mỹ - Jack Reacher. Bộ phim khá thành công tại phòng vé với hơn 218 triệu USD tiền bán vé toàn cầu trên số tiền sản xuất 60 triệu USD. Tuy nhiên, việc chọn Jack Reacher để làm phim của Tom Cruise cùng Paramount Pictures dường như là một quyết định mang chất tận dụng thương hiệu, kiếm lời cò con.

Jack Reacher: Never Go Back - Tham vọng nhưng còn nhiều điều đáng tiếc - Ảnh 1.

Khán giả đã có rất nhiều người hùng hành động gần như Reacher (đã/đang là người của quân đội/chính phủ; có trí thông minh vượt trội và khả năng chiến đấu siêu phàm) với đủ màu đủ vẻ: James Bond, Jason Bourne, Frank Martin (The Transporter), Bryan Mills (Taken)… Bản thân Tom Cruise cũng đã có loạt phim tỷ đô Mission Impossible về siêu điệp viên Ethan Hunt mà gần như ai cũng biết tên. Jack Reacher thực sự không để lại mấy ấn tượng cho khán giả. Gần 4 năm sau lần đầu ra mắt, ngoại trừ những độc giả của bộ tiểu thuyết, những khán giả nhớ đến Reacher có lẽ chỉ là một con số không đáng kể. Trên mạng, người ta vẫn sẽ chỉ tranh luận xem James Bond đấu với Ethan Hunt hay Jason Bourne thì ai sẽ thắng. Họ vẫn sẽ hóng phần phim tiếp theo của các điệp viên kia. Nhưng triết lý bao năm nay của Hollywood vẫn là: nếu phần phim đầu tiên có lời thì tại sao lại không làm phần tiếp theo? Jack Reacher: Never Go Back là kết quả của một truyền thống như vậy.

Paramount không quyết định chi nhiều hơn mà vẫn chỉ dừng lại ở mức kinh phí 60 triệu USD như phần đầu. Tất nhiên, kinh phí không luôn luôn tỷ lệ thuận với chất lượng sản phẩm nhưng điều này khó có thể cho thấy rằng hãng phim muốn làm điều gì đó lớn lao hơn phần đầu. Đúng như vậy, Never Go Back chỉ dừng lại ở mức vừa đủ xem như người đi trước.

Jack Reacher: Never Go Back - Tham vọng nhưng còn nhiều điều đáng tiếc - Ảnh 2.

Tom Cruise một lần nữa trở lại trong vai Jack Reacher. Gã cựu quân nhân lang thang khắp nước Mỹ tìm đến bộ chỉ huy cơ quan cũ tại Washington để gặp người bạn từng cùng anh làm việc: thiếu tá Susan Turner (Cobie Smulders). Song, Turner đã bị bắt vì tội làm gián điệp. Tin rằng bạn mình bị vu oan, Reacher quyết định tự mình tìm sự thật. Cũng vì thế, anh cũng đã biến mình thành đối tượng ngay lập tức cần bị tiêu diệt của những kẻ đã từng đổ tội cho Turner. Một lần nữa (vâng, thêm một lần nữa), Jack Reacker lại tiếp tục bị vu oan.

Jack Reacher: Never Go Back - Tham vọng nhưng còn nhiều điều đáng tiếc - Ảnh 3.

Đối với khán giả đại chúng, Jack Reacher: Never Go Back không phải là bộ phim dở. Cốt truyện của phim không quá đặc sắc nhưng có đủ thắt mở lẫn bất ngờ, dù một số tình tiết cũng khá dễ đoán. Tom Cruise dù chẳng giống những gì nhà văn Lee Child miêu tả Reacher trong tiểu thuyết nhưng phần diễn xuất của nam tài tử cũng không tệ. Phần thể hiện của Cobie Smulders khá tốt. Cô thể hiện thuyết phục nhân vật Turner, một nữ quân nhân rất cứng rắn, bản lĩnh nhưng không mất đi sự nữ tính. Có thể nói đây là vai diễn đáng nhớ nhất của cô kể từ sau thoát khỏi sân chơi phim truyền hình. Vai Maria Hill của cô trong Avengers thực sự nhạt nhòa. Trong khi đó, nữ diễn viên trẻ Danika Yarosh trong vai Samantha - cô con gái "hờ" của Reacher đã có một vai diễn khá lửng lơ. Nhân vật này gây rắc rối nhiều hơn là gây cảm tình cho dù các nhà làm phim đã tạo ra một quá khứ khá bi đát để khán giả có thể đồng cảm. Khó có thể đổ lỗi hoàn toàn cho phần diễn xuất của Danika bởi kịch bản đã làm khó cho vai diễn này, nhưng có lẽ cô cần cố gắng hơn nữa với các vai diễn trong tương lai.

Jack Reacher: Never Go Back - Tham vọng nhưng còn nhiều điều đáng tiếc - Ảnh 4.

Song, điểm trừ lớn nhất của phim là việc các nhân vật liên kết với nhau khá lỏng lẻo. Reacher và Turner chỉ là những đồng nghiệp bình thường, không hơn không kém. Quan hệ của họ không tiến lên một mức nào cao hơn trong suốt bộ phim và mâu thuẫn được họ tạo ra cũng không mấy căng thẳng. Cùng lúc đó, liên kết "bố con hờ" của Reacher và Samantha cũng lâm vào tình trạng tương tự.

Phần hành động cũng là một điểm trừ khác của Never Go Back. Khá nhiều cảnh đối kháng trong phim sử dụng rất nhiều những góc quay cận làm khán giả khó theo dõi được. Và không ít trong số chúng xảy ra mà chẳng có lý do thuyết phục, điển hình là cảnh Reacher bị vây bởi một đám côn đồ nguy hiểm tại khu nhà kho hoặc cảnh 2 nam nữ chính thoát khỏi nhà tù một cách dễ dàng tới ngớ ngẩn. Nếu trông chờ những cảnh hành động hoành tráng hay đặc sắc thì bộ phim này có thể làm bạn thất vọng.

Như đã nói, dù không đặc sắc nhưng Jack Reacher: Never Go Back vẫn là một lựa chọn không tệ cho khán giả đại chúng không khó tính. Tom Cruise có lẽ nên dành thời gian để tìm cho mình những vai diễn mới và cá tính hơn trong khi tiếp tục phát triển phần tiếp theo của Mission Impossible, thương hiệu để đời của anh.