Huawei khẳng định mình là nạn nhân bị ăn trộm công nghệ trong vụ kiện với startup Mỹ

Nguyễn Hài, Theo Trí Thức Trẻ 16:24 25/05/2019

Đây cũng là một trong các trường hợp hiếm hoi Huawei tuyên bố mình là nạn nhân của một vụ ăn trộm công nghệ từ đối thủ.

Trong khi đang bị khiếu nại trên toàn thế giới với các cáo buộc ăn trộm bí quyết công nghệ của những công ty khác, trong một vụ kiện tại Texas, Huawei Technologies đang cho rằng họ mới là nạn nhân của một vụ trộm như vậy.

Đó là vụ kiện giữa Huawei và CNEX Labs, startup tại Mỹ do một cựu nhân viên của công ty, kỹ sư Yiren Ronnie Huang, lập nên. Huawei cho rằng cựu kỹ sư này đã lôi kéo nhân viên của công ty và ăn trộm các thông tin độc quyền để lập nên một hãng mới, để cạnh tranh với chính công ty. Trong khi đó, vị cựu kỹ sư này lại cho rằng, Huawei đã cố ăn trộm sáng kiến của ông ta và giờ đang tìm cách phá hủy startup của ông.

Huawei khẳng định mình là nạn nhân bị ăn trộm công nghệ trong vụ kiện với startup Mỹ - Ảnh 1.

Việc xét xử của vụ kiện này sẽ được bắt đầu từ ngày 3 tháng 6 tới đây và có thể nó sẽ làm sáng tỏ một số chi tiết về hoạt động bên trong của công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc này. Vụ kiện này cũng là một trong số các trường hợp hiếm hoi Huawei tuyên bố mình là nạn nhân của một vụ ăn trộm công nghệ từ đối thủ.

Vụ kiện giữa Huawei và CNEX xoay quanh công nghệ ổ đĩa thể rắn, được làm nên từ các chip được gọi là bộ nhớ NAND Flash để lưu trữ thông tin trên các chất bán dẫn. Chúng cho phép truy cập dữ liệu nhanh đáng kể hơn công nghệ ổ đĩa từ truyền thống.

Huang đã nghiên cứu về lĩnh vực này trong hàng thập kỷ nay tại Cisco và sau đó được tuyển dụng vào làm việc trong bộ phận FutureWei của Huawei ở Santa Clara, California vào tháng Một năm 2011. Công việc của ông tại đây là giám sát một nhóm nghiên cứu về các công nghệ lưu trữ để có thể tích hợp vào các sản phẩm mạng lưới của Huawei.

Huang cho rằng công việc này là một cách để Huawei ăn trộm sáng tạo của ông như một phần trong "nỗ lực thống trị công nghệ của Trung Quốc." Ông làm việc cho hãng này trong hơn 2 năm và sau đó rời FutureWei để thành lập nên CNEX với hai cựu giám đốc điều hành của Marvell Technology Group trong vòng một tuần sau đó.

Luật sư của CNEX, ông Matthew Gloss cho biết: "Huawei đang nỗ lực sử dụng hệ thống tòa án liên bang của Mỹ tại Texas để ăn trộm các tài sản trí tuệ được các nhà sáng tạo bán dẫn Mỹ tạo ra và phát triển." Theo ông, buổi xét xử này "sẽ làm sáng tỏ các phương pháp có hệ thống và trải rộng mà Huawei sử dụng để ăn trộm công nghệ cho trung tâm dữ liệu nền tảng và mới nổi được kỳ vọng có thể hỗ trợ cho mạng 5G trong nay mai."

Huawei khẳng định mình là nạn nhân bị ăn trộm công nghệ trong vụ kiện với startup Mỹ - Ảnh 2.

Hàng loạt nhân viên khác của FutureWei sau đó cũng chuyển sang CNEX, bao gồm một người được Huawei cho rằng "đã bị bắt gặp khi đang tải xuống hàng nghìn trang tài liệu." Huang đã đệ đơn xin cấp một trong những bằng sáng chế của mình một tháng sau đó.

Huawei cho biết trong đơn kiện của mình: "Huang đã sử dụng thông tin anh ta thu thập được thông qua nhân viên của mình tại FutureWei cùng với nguồn lực và công nghệ của FutureWei trong bản phác thảo về ứng dụng của các bằng sáng chế này."

Tuy nhiên, CNEX đã giành được một chiến thắng quan trọng trong buổi xét xử vào ngày 2 tháng Tư vừa qua. Theo đó, thẩm phán Tòa án Quận Judge Amos Mazzant đã phán quyết rằng CNEX không phải chuyển quyền sở hữu các bằng sáng chế và ứng dụng của Huang cho Huawei.

Trong khi cuộc chiến địa chính trị xung quanh Huawei vẫn đang diễn ra bên ngoài phòng xử án, ông Mazzant vẫn nhận thức sâu sắc về nó. Thẩm phán này cũng là người chủ trì vụ kiện của Huawei nhằm vào chính phủ Mỹ khi đưa ra đạo luật hạn chế các cơ quan chính phủ và các nhà thầu mua thiết bị của Huawei, ngăn họ tham gia vào mạng lưới viễn thông của Mỹ.

Tham khảo Bloomberg