“Hpny” và những tin nhắn chúc Tết "kiểu mẫu": Chúc nhau mà cũng lười thế này sao?

Hoàng Xuân, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 03/01/2019

Khi cần, bạn hãy dành thời gian viết lời chúc riêng cho từng người, với đầy đủ sự quan tâm chân thành và tình cảm dành cho họ, với hiểu biết thực sự về ước mong của họ, để lời chúc chuyển tải sự quan tâm và gắn bó thực sự với nhau.

Anh em ơi tôi có hẳn một list lời chúc tết cực chất này, ai thích bấm like tôi gửi cho nhá!

Còn lâu ý! Tự nghĩ đi.

“Hpny” và những tin nhắn chúc Tết kiểu mẫu: Chúc nhau  mà cũng lười thế này sao? - Ảnh 1.

Tết dương lịch vừa qua, tôi phải xóa một thúng lời chúc trong messenger trên FB, Zalo, Viber, tin nhắn điện thoại… Vì liếc cái biết ngay là lời chúc được sản xuất hàng loạt, chủ nhân bấm phát gửi đi cho tất cả ai có tên trong danh sách.

Cho nên mới có chuyện nhận được lời chúc đầu năm dài thườn thượt nhấp nháy đủ màu mà có khi dở khóc dở cười.

Đường đường một đấng nam nhi 18 tuổi được chúc "Chúc gia đình anh chị năm mới đầu năm sinh con trai, cuối năm sinh con gái". Người vừa trải qua tang cha mẹ thì được chúc "song thân khang kiện, cả nhà an vui".

Phổ biến nhất là chúc trên facebook nhân dịp ứng dụng báo tin sinh nhật của ai đó. Thế là hàng loạt: "snvv", "hpbd", cứ hiện ra đến vô cực.

Đã gửi một lời chúc sản xuất hàng loạt mà còn lười đến mức không bỏ vài giây viết rõ "Sinh nhật vui vẻ" hay "Happy Birthday" thì ...

Chúng ta buộc phải tìm đọc các nghiên cứu về cơ chế làm teo não của điện thoại thông minh hoặc các mạng xã hội. Tuy rằng cho đến nay chưa có nghiên cứu nào khẳng định chắc chắn điều đó nhưng biểu hiện của nó dường như khá rõ nét.

“Hpny” và những tin nhắn chúc Tết kiểu mẫu: Chúc nhau  mà cũng lười thế này sao? - Ảnh 2.

Ảo tưởng "bạn thân" trên mạng xã hội

Nhiều người sử dụng mạng xã hội như một cuốn nhật ký, (hầu như) chuyện gì của bản thân cũng kể: sáng nay ăn gì ngồi ở đâu, tối qua buồn quá không hiểu vì sao tôi buồn, vừa ngã xe sưng tím hết cả đầu gối này trông sợ không… Đáng lẽ nên để những status đó cho gia đình hoặc bạn bè thân thiết để biết được tình hình của nhau thì họ set chế độ công khai. Nghĩa là theo lý thuyết thì toàn thế giới có thể biết được hôm qua lúc đang hô to đếm ngược chào năm mới ở bờ hồ Hoàn Kiếm thì bụng bạn sôi ùng ục mà hàng người xếp trước WC công cộng dài đến nửa cây số rồi...

Và vì nhà bạn để ngỏ cửa cho đến tận…WC như vậy nên dĩ nhiên sẽ có những khách vãng lai đi qua ngó nghiêng. Nếu bạn thường xuyên kể rất nhiều chuyện về bản thân, thế nào cũng có những comment đồng cảm. Bạn lại trả lời những comment đó. Cứ qua lại nhiều lần như thế, bạn và họ mặc nhiên có cảm giác "rất thân thiết", "biết nhau tận chân tơ kẽ tóc"… dù tuyệt đại đa số chỉ dừng lại ở tán gẫu xã giao vô thưởng vô phạt, không có tình thân sâu sắc. Đấy là một lý do khi thấy thông báo nhắc sinh nhật hay lễ tết thấy "bạn" chụp hình tươi vui thì họ vào thả cho một câu "snvv" hay "hpny", rồi nghĩ bụng thế là đủ quan tâm lắm rồi. Để rồi còn nhanh chân chạy đi "snvv" "hpny" một vạn tám ngàn người "bạn thân" nữa chứ. Ai cũng phải có phần!

“Hpny” và những tin nhắn chúc Tết kiểu mẫu: Chúc nhau  mà cũng lười thế này sao? - Ảnh 3.

Khổ thân, cái người mà bạn dành phần cho lại không khoái tí nào. Được chúc thì rất thích, nhưng ngàn lẻ một lời chúc hời hợt thì có cũng như không. Biết rõ rằng người ta chúc mình lấy lệ đấy thôi, chớ người ta có bỏ vào đó chút tấm lòng nào đâu mà vui hay cảm động.

Mới đây còn có lời chúc kiểu cái hình động GIF có cô gái trợn mắt ôm thỏi vàng nặng gần bằng người từ trên trời rơi xuống kèm câu "Tháng mới lộc lá nhé. Gửi đi tiếp nhé đừng giữ lại cho riêng mình".

Cái "thỏi vàng" rơi trúng đầu một người bạn tôi, một nhà văn chuyên viết truyện tình báo. Anh cáu sườn "trả" luôn lên facebook: "Thưa mấy anh mấy chị, em đâu có ép mấy anh chị gửi lộc lá cho em, nên đừng ép em phải gửi cho người khác chứ không được giữ. Quà ảo rồi mà còn yêu sách ư".

“Hpny” và những tin nhắn chúc Tết kiểu mẫu: Chúc nhau  mà cũng lười thế này sao? - Ảnh 4.

Ha ha! Cảm ơn anh đã nói thay bao nhiêu người nhận được những món quà ảo, những lời chúc vô cảm khiến người nhận phát phiền mà khó mở miệng. Không chúc lại thì ngại mang tiếng lạnh lùng, không biết cư xử. Chúc một lời chân thành thì ấm ức khi người ta chỉ cạn cợt như vậy với mình. Gửi lời chúc hàng loạt trả lại thì mình khác gì người ta. Cuối cùng… thôi, lơ, xem như không nhận được. Nhỡ ai trách thì đổ thừa… nghẽn mạng, không nhận được!

Có năm tôi còn cực đoan đến mức cứ cao điểm 30 và mùng 1 Tết là tắt điện thoại để khỏi phải nhận những lời chúc tết kiểu mì ăn liền.

Chúc là một kỹ năng, không phải là ứng dụng

Tuy chỉ là quy ước nhưng tết là ngày đặc biệt của tất cả mọi người vì nó là khởi đầu của một vòng quay mới, như một hứa hẹn mới mang lại hy vọng. Ngày Tết khác với ngày thường ở những lời chúc đó, ai cũng sẵn lòng dành cho nhau những lời chúc mừng. 

Tác giả Đỗ Nguyên Bá viết trên Tạp chí khoa học Cần Thơ: "Phải có lời chúc thì mới thành Tết, mới có không khí mùa xuân, mới khác biệt với ngày thường. Không có lời chúc thì không thành Tết. Lời chúc Tết là lời chào đầu năm, là lời cầu mong được hạnh phúc, thành công, niềm vui, sức khỏe, được hưởng những điều tốt đẹp nhất mà người được chúc mong mỏi. Vì vậy không phải chúc như thế nào cũng được. Phải tùy hoàn cảnh, trường hợp, tâm tư, tình cảm mà sử dụng, nếu không sẽ thành vô duyên, kệch cỡm, sáo rỗng. Lời chúc phải chân thành, tình cảm, phù hợp với ước mong của người được chúc".

“Hpny” và những tin nhắn chúc Tết kiểu mẫu: Chúc nhau  mà cũng lười thế này sao? - Ảnh 5.

Trở lại với người bạn nhà văn của tôi, ý kiến của anh được nhiều người đồng tình. Có người thẳng toẹt "Toàn đầu môi chót lưỡi, quý báu quái gì mà phải nhận".

Thực ra cũng có người vì kém diễn đạt, vì hay ngại ngùng, vì thấy người khác viết "snvv" "hpny" mà "chủ nhà" vẫn thả tim, cảm ơn thì cũng bắt chước theo, chứ trong thâm tâm không quá hời hợt như vậy. Nhưng thôi, từ nay bỏ nha, chủ nhà vì lịch sự mà cảm ơn chứ thâm tâm không hề thích chút nào đâu. Cứ tiếp tục như vậy là vừa phí thời gian vừa bỏ phí tâm nguyện của cả 2 người.

“Hpny” và những tin nhắn chúc Tết kiểu mẫu: Chúc nhau  mà cũng lười thế này sao? - Ảnh 6.

Khi cần chúc, bạn hãy dành thời gian viết lời chúc riêng cho từng người, với đầy đủ sự quan tâm chân thành và tình cảm dành cho họ, với hiểu biết thực sự về ước mong của họ, để lời chúc chuyển tải sự quan tâm và gắn bó thực sự với nhau. Tôi từng nhận được những lời chúc tuyệt vời đến nỗi cứ lưu lại để trong điện thoại, thỉnh thoảng khi mệt mỏi và mơ hồ mở ra xem lại, lại thấy như được truyền cho một liều doping. Nó đúng là món quà quý mà thời gian chỉ có tác dụng như với rượu ngon, càng ủ lâu càng nồng nàn.

Còn khi chỉ muốn có một lời chúc xã giao đến những người quen biết, bạn hãy chịu khó viết một câu rõ ràng: Chúc bạn tuổi mới vui vẻ; Chúc bạn sinh nhật vui vẻ; Chúc bạn và gia đình một năm mới an lành hạnh phúc… Thế là đủ.

Chúc bạn hpny, à nhầm, một năm mới với những trải nghiệm kỳ thú.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày