Hồn Việt trong phim Việt: Gần ngay trước mắt nhưng xa tận chân trời (Kì cuối)

Ngân Long, Theo Trí Thức Trẻ 10:03 02/07/2018

Những công việc mà người Việt Nam làm hằng ngày, đôi khi lại mang trong mình cả bức chân dung dân tộc, là hồn Việt. Chỉ tiếc là,chúng vẫn chưa được khai thác hiệu quả bởi các nhà làm phim.

Phim Việt Nam ngày càng phát triển, khán giả Việt đã có dịp được xem nhiều thể loại phim hơn chứ không chỉ gói gọn trong phim hài. Thế nhưng, có những ngành nghề, những thứ rất đơn giản, gắn liền với văn hóa và cuộc sống con người Việt nhưng chẳng mấy khi được đưa lên phim. Kì đầu, chúng ta đã nói qua về ẩm thực, về những món ăn được xem như quốc hồn quốc tuý của Việt Nam nhưng chẳng được lên phim. Kì cuối sẽ là hai nghề cũng xuất hiện nhiều như hơi thở của nước ta, là hồn Việt lại cũng chẳng mấy khi lên phim.

2. Có mặt khắp nơi nhưng chẳng ai thèm nói đến?

Cùng với sự phổ biến của xe máy, đã khai sinh ra một nghề vô cùng đặc trưng ở Việt Nam : xe ôm. Không tạo ra những sản phẩm đề đời như nghề ẩm thực, cũng chẳng có vẻ ngoài đẹp đẽ như những ngành thủ công mĩ nghệ, nhưng nghề xe ôm thực sự là một "mỏ vàng" có thể khai thác thành những series dài tập. Thực vậy, một người tài xế xe ôm hằng ngày có thể gặp hàng chục người, lắng nghe hàng trăm câu chuyện và tham gia vào vô vàn những sự kiện trên đường phố. Những năm 90, diễn viên Công Ninh, Tạ Ngọc Bảo từng xuất hiện trong một bộ phim về nghề này.

Hồn Việt trong phim Việt: Gần ngay trước mắt nhưng xa tận chân trời (Kì cuối) - Ảnh 1.

Một cảnh trong phim "Tôi vào đời"

Bộ phim chỉ xoay quanh hai anh xe ôm, Đạt (Tạ Ngọc Bảo) và Tiến (Công Ninh). Qua góc nhìn của Đạt, một sinh viên chạy xe ôm kiếm tiền học và Tiến, một người đàn ông lọc lõi, người ta thấy được những kiếp sống giao nhau trong những chuyến xe: là một bà cụ sống cô đơn, luôn coi Đạt như con của mình. Hay cô gái làng chơi vì muốn giữ cho Đạt không sa đọa, mà kiên quyết từ chối anh. Bộ phim khép lại với hình ảnh Đạt đi về phía trước và tự nhủ: "Gục ngã ư? Không bao giờ!" và để lại một ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người xem.

Nếu chọn chủ đề ẩm thực để khai thác văn hóa, lịch sử, thì một bộ phim về những người chạy xe ôm là một bức tranh xã hội đầy lãng mạn lẫn tính hiện thực. Lãng mạn, bởi những hành khách mà họ gặp, những cảm xúc mà họ chứng kiến thực sự rất đa dạng và đầy bất ngờ. Trong khi đó, những sự kiện xảy ra trên đường, lại chính là những lát cắt của xã hội Việt Nam đương đại. Nhưng cao hơn cả, là một tinh thần Việt phóng khoáng, yêu tự do vả lạc quan yêu đời. Một bộ phim về xe ôm có thể kể về một người lính giải ngũ miền Bắc, ngồi sau tay lái để lo cho gia đình. Hay về một chàng trai Sài Gòn hào sảng, vừa chạy xe ôm vừa tham gia làm hiệp sỹ bắt cướp. Hoặc có thể đó chỉ là những câu chuyện của một người lái xe già, đã kinh qua đủ nắng mưa và thăng trầm ở một thành phố nhỏ nào đó.

Hồn Việt trong phim Việt: Gần ngay trước mắt nhưng xa tận chân trời (Kì cuối) - Ảnh 2.

Người Mỹ từng có series truyền hình Taxi kể về những thân phận khác nhau làm việc cho 1 hãng taxi: Alex Reiger, một người xem taxi là nghề chính. Hay Elaine Nardo, một bà mẹ độc thân vừa lái taxi vừa làm tiếp tân trong phòng triển lãm tranh. Tony Banta, một võ sĩ quyền Anh đang trong chuỗi thua thảm. Chính từ những chiếc taxi của họ, mà một nước Mĩ với đầy đủ ưu khuyết điểm hiện ra: tình bạn bè của những kẻ tứ cố vô thân, nạn phân biệt chủng tộc hay nỗi đau mất đi người thương yêu.

Người Mỹ có Taxi, liệu người Việt có thể có series Xe ôm? Có thể lắm chứ khi mà điện ảnh Việt đang mở rộng từng ngày.

Hồn Việt trong phim Việt: Gần ngay trước mắt nhưng xa tận chân trời (Kì cuối) - Ảnh 3.

Series Taxi

3. Hẩm hiu như phận con tằm

Nghề dệt làm nên cái đẹp cho văn hóa Việt. Sản phẩm tơ tằm đã vươn đến các thị trường thời trang Âu Mĩ. Nói không ngoa, ngành dệt may Việt Nam là một ngành nghề đã kế thừa và phát huy được tinh hoa của cha ông. Nhưng trong điện ảnh, ngành nghề này cũng chịu số phận hẩm hiu không kém gì những chú tằm đã nhả tơ làm lụa.

Điển hình là khi nhắc đến lụa, người ta sẽ nhớ ngay đến Áo lụa Hà Đông với các diễn viên Trương Ngọc Ánh, Quốc Khánh. Thế nhưng đấy là một bộ phim về nỗi đau chiến tranh. Chiếc áo lụa là hình ảnh tượng trưng cho mơ ước về một hạnh phúc vẹn toàn.

Hồn Việt trong phim Việt: Gần ngay trước mắt nhưng xa tận chân trời (Kì cuối) - Ảnh 4.

Cảnh trong phim Áo lụa Hà Đông

Sau đó, người ta cũng có làm phim về lụa. Đó là Hàng Xóm (sản xuất năm 2004, của đạo diễn Phạm Lộc), hay Mắt Lụa (sản xuất năm 2016, đạo diễn Nguyễn Phương Điền). Thế nhưng, cũng chung số phận với các bộ phim khác, Hàng xóm dù có diễn xuất xuất sắc của những diễn viên miền Bắc như Đức Khuê, Hồ Tú, Chiều Xuân… thì bộ phim vẫn sa đà vào những mưu mô, toan tính và phê phán thói làm ăn manh mún thay vì nói đến các bí quyết dệt lụa, những thủ thuật gia truyền, thứ vốn làm nên sức hấp dẫn của những bộ phim về văn hóa.

Khá khẩm hơn một chút, Mắt Lụa sản xuất năm 2016 có thêm yếu tố truyền kì: khai thác bối cảnh của làng nghề chuyên sản xuất lụa, lời đồn về loại lụa châu sa và số phận bi thảm của những ai làm ra nó đã tạo nên một hiệu ứng dẫn dắt rất tốt lúc đầu. Tuy nhiên, do vẫn chưa đủ sâu về chuyên môn, nên dù có sự tham gia của những diễn viên thực lực như Hữu Châu, Thái Hòa… thì Mắt Lụa cũng chỉ dừng lại ở mức "xem được", chứ không giới thiệu được gì nhiều về nghề làm lụa ngoài một vài phân cảnh giặt lụa, phơi lụa.

Hồn Việt trong phim Việt: Gần ngay trước mắt nhưng xa tận chân trời (Kì cuối) - Ảnh 5.

Cảnh giặt lụa trong phim "Mắt lụa"

Tạm kết

Bấy lâu nay, người ta vẫn chê phim Việt nhàm chán, thiếu sức thuyết phục … Một nguyên nhân rất rõ ràng là do các nhà làm phim đã chọn khai thác những yếu tố, những nhân vật thiếu sót về cá tính lẫn chuyên môn. Điều đó dẫn đến những nhân vật của chính bộ phim trở thành những công cụ vô hồn phục vụ cho mục đích của đạo diễn.

Một nghệ nhân làng nghề không khác gì một doanh nhân hay một chàng ca sĩ: khán giả không rõ họ giỏi như thế nào, chỉ thấy họ phải chạy theo những mối tình tay ba, hay chống lại những mưu hèn kế bẩn của kẻ địch. Họ không tạo ra được điều gì khiến khán giả tò mò, cũng không có sự tiến bộ trong chuyên môn hay trưởng thành trong công việc. Với những nhân vật không thể đồng cảm như thế, làm sao khán giả có thể đồng hành cùng họ cho đến hết bộ phim?