Hơn cả Ngạn của "Mắt Biếc", nhiều chàng si tình trong game cũng phải cam chịu kiếp friendzone

Mạnh Đức, Theo Trí Thức Trẻ 17:30 25/12/2019

Nếu bạn nghĩ Ngạn trong Mắt Biếc là ví dụ điển hình của sự yếu đuối, dám yêu mà không dám nhận thì bạn đã sai lầm. Trong nhiều tựa game khác, nhân vật chính đã dính mác "bạn thân" mà không dám phá vỡ để có được tình yêu thật sự.

Trong khoảng thời gian gần đây, cộng đồng mạng đang sôi nổi bàn tán về bộ phim Mắt Biếc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Phim kể về câu chuyện cay đắng của Ngạn (nam chính) cùng tình yêu cháy bỏng với cô bạn từ thuở nhỏ Hà Lan. Mọi người cho rằng Ngạn là đỉnh cao của sự nhu nhược, yếu đuối, không dám thành thật với bản thân. Tuy nhiên, nếu so với một vài trường hợp trong game thì chắc chắn Ngạn vẫn chưa đủ "tuổi".

Kazuma Kiryu - Yakuza Series

Hơn cả Ngạn của Mắt Biếc, nhiều chàng si tình trong game cũng phải cam chịu kiếp friendzone - Ảnh 1.

Chúa tể những chiếc vỏ Kiryu Kazuma. Ảnh: Polygon.

Rất nhiều anh trai dính mác "friendzone" trong thế giới ảo. Tuy nhiên, ít ai có thể sánh ngang với nhân vật chính của series game Yakuza. Người đàn ông này được mệnh danh "chúa tể những chiếc vỏ".

Biệt danh "Long thần Dojima" không khiến số phận Kiryu tốt hơn bao nhiêu. Chàng yakuza bảnh bao có mối tình thanh mai trúc mã với cô gái Yumi Sawamura như Ngạn và Hà Lan. Anh yêu tình đầu của mình say đắm để tới khi trở về thì nàng đã đi lấy người khác và để con lại cho anh nuôi, giống hệt nhân vật chính của Mắt Biếc.

Cuộc đời của Kiryu là những chuỗi ngày cơ cực hết đánh nhau lại vào tù, ra tù thì đổ vỏ suốt hàng chục năm. Chàng yakuza nuôi con của tình đầu từ khi còn bé tới lúc trở thành một thiếu nữ xinh đẹp. 

Fan cứ nghĩ cuối cùng Kiryu cũng sẽ có cái kết trọn vẹn khi tìm được người "nâng khăn sửa túi". Nhưng không, SEGA đã quá phũ với anh khi tạo ra kịch bản "Yakuza hô mưa gọi gió chẳng bằng đại hiệp què ngồi xe lăn". Kiryu một lần nữa ngậm ngùi nhìn tình yêu của mình bị kẻ khác cuỗm mất. Và bạn nghĩ như vậy đã đủ thảm ư? Chưa đâu!

Hơn cả Ngạn của Mắt Biếc, nhiều chàng si tình trong game cũng phải cam chịu kiếp friendzone - Ảnh 2.

Kiryu và mối tình thứ hai của mình. Ảnh: Yakuza.

SEGA thật biết cách đối xử với những nhân vật của mình. Ở phần Yakuza 6 thì Kiryu lúc này đã gần 50 tuổi. Vừa ra tù thì nhận tin "con gái nuôi" của mình "bặt vô âm tín", để lại hậu quả là đứa bé từ chuyện tình một đêm chớp nhoáng với người đàn ông khác.

Như thế, Kiryu lại tiếp tục làm đổ vỏ lần 2 khi nhận trách nhiệm chăm sóc thằng nhóc. Điều này vô tình khiến anh được lên hẳn chức ông ngoại trong khi vẫn chưa thấy vợ đâu.

Hơn cả Ngạn của Mắt Biếc, nhiều chàng si tình trong game cũng phải cam chịu kiếp friendzone - Ảnh 3.

Kiryu và cháu trai "nuôi của nuôi".

Nếu so với Kiryu thì Ngạn của Mắt Biếc vẫn còn tốt số chán vì ít nhất anh chưa phải vào tù và chỉ mới đổ vỏ một lần. SEGA cũng thật biết đùa khi đặt tên cho phần Yakuza 6 là Song of Life - Bài ca cuộc đời. Cái tên này như đấm thẳng vào mặt Kiryu khi cuộc đời anh lại đen vô đối với 2 lần đổ vỏ.

Link - The Legend of Zelda

Đây có lẽ là trò chơi tuổi thơ của nhiều người. Nếu bạn tưởng Link vượt qua muôn trùng thách thức giải cứu được Zelda, 2 người hạnh phúc bên nhau mãi về sau thì bạn đã lầm to.

Hơn cả Ngạn của Mắt Biếc, nhiều chàng si tình trong game cũng phải cam chịu kiếp friendzone - Ảnh 4.

Hiệp sĩ friendzone Link. Ảnh: Nintendo.

Để biết được độ nhọ của anh chàng Link thì phải tìm hiểu sơ lược về cốt truyện The Legend of Zelda. Trong các phần game luôn có 2 nhân vật là hiệp sĩ Link lên đường đi giải cứu công chúa Zelda. Thực chất thì đây là những thể chuyển sinh của 2 nhân vật qua nhiều kiếp khác nhau. 

Hiểu đơn giản thì mỗi tựa game The Legend of Zelda sẽ có một Link và một Zelda khác nhau. Nhưng trong hàng chục kiếp chuyển sinh đó anh chàng hiệp sĩ Link chưa bao giờ lọt vào mắt xanh của cô nàng Zelda.

Ngạn có thể yêu Hà Lan cả năm trời, Kiryu có thể đổ vỏ cho người yêu vài thập kỷ nhưng tất cả chẳng là gì so với thành tích hàng thế kỷ friendzone của Link. Không hiểu Nintendo có ý đồ gì khi để mối quan hệ của Link và Zelda luôn ở mức "bạn thân" chứ chưa bao giờ đạt đến mức tình yêu thực sự.

Hơn cả Ngạn của Mắt Biếc, nhiều chàng si tình trong game cũng phải cam chịu kiếp friendzone - Ảnh 5.

Vừa sinh ra là vào hẳn kiếp friendzone. Ảnh: Nintendo.

Cơ bản thì Link là kiểu nhân vật tiêu biểu cho hình tượng hiệp sĩ đi cứu công chúa. Qua bao nhiêu gian khổ, đánh bại vô số con trùm để cứu người yêu. Nhưng nếu những thanh niên kia đi giải cứu ý chung nhân của mình để đi đến cái kết viên mãn thì Link chỉ đơn giản là gặp lại "bạn thân Zelda" và chấm hết, chẳng có gì xảy ra cả.

Một hiệp sĩ đẹp trai, tài năng như Link mà lại phải chịu cảnh chục kiếp không người yêu đã tồi tệ rồi. Đằng này, anh còn là nhân vật chính trong trò chơi có tựa đề chẳng liên quan gì đến tên của mình. 

Tại sao tên game lại là The Legend of Zelda chứ không phải The Legend of Link? Tại vì hiệp sĩ của chúng ta chỉ là tay culi phục vụ cho công chúa Zelda. Có nghĩa là từ khi sinh ra, Link đã xác định phải chiến đấu điên cuồng để cứu người đẹp nhưng cô này chỉ xem chàng hiệp sĩ như bạn thân.

Hơn cả Ngạn của Mắt Biếc, nhiều chàng si tình trong game cũng phải cam chịu kiếp friendzone - Ảnh 6.

Trai tốt thường "ế". Ảnh: Nintendo.

Link là minh chứng cho việc không phải lúc nào bạn tốt với con gái thì họ sẽ để mắt tới. Ít nhất Ngạn còn được chở Hà Lan trên xe đạp mà nói lời ngọt ngào với nhau, trong khi đó Link thì đến việc nắm tay cũng chưa từng nghĩ tới.

Hai thanh niên trên chỉ là ví dụ điển hình cho hàng chục mảnh đời friendzone trong thế giới game. Vậy nên đừng nghĩ Ngạn trong Mắt Biếc đổ vỏ cho Hà Lan là khổ, vẫn còn nhiều chàng trai bất hạnh hơn thế gấp trăm lần.

Hơn cả Ngạn của Mắt Biếc, nhiều chàng si tình trong game cũng phải cam chịu kiếp friendzone - Ảnh 7.