V.League 2019 chìm nghỉm giữa những cơn bão truyền thông và sự thụt lùi trước người Thái

HIẾU LƯƠNG, Theo Trí Thức Trẻ 13:00 23/02/2019

Những cuộc chuyển nhượng cầu thủ Việt Nam sang Thái Lan kéo theo sự quan tâm của người hâm mộ tới Thai League 1. Hai giải đấu là sự chênh lệch về công tác chuẩn bị của BTC giải và những CLB góp mặt bên trong.

Chiều nay (23/2), ba trận đấu thuộc vòng 1 V.League 2019 diễn ra, hai trận có sự góp mặt của những đội bóng được yêu thích bậc nhất ở thời điểm hiện tại là HAGL và Hà Nội FC. Trận còn lại có Sông Lam Nghệ An, đội bóng giàu truyền thống nhất V.League. Thế nhưng, chưa một trận đấu nào cảm nhận được sức nóng.

V.League 2019 chìm nghỉm giữa những cơn bão truyền thông và sự thụt lùi trước người Thái - Ảnh 1.

Lịch thi đấu vòng 1 V.League 2019. Ảnh: VPF.

Khi V.League 2019 khai màn, người dân vẫn còn bận quan tâm đến Hội nghị Trump – Kim, quan tâm đến cuộc ly hôn tốn nhiều giấy mực của vợ chồng cà phê Trung Nguyên.

Khi Hà Nội FC tiếp đón Than Quảng Ninh lúc 19h00 tại SVĐ Hàng Đẫy, nhiều người hỏi rằng Buriram United đấu Chonburi FC ở kênh nào bởi sự háo hức trước trận đấu ra mắt Thai League 1 của Lương Xuân Trường. 

Một loạt phóng viên nhà báo đã được mời sang Thai League 1 để xem Xuân Trường, xem Văn Lâm chơi trận đấu chính thức đầu tiên. Không trực tiếp nói ra nhưng có thể ngầm hiểu hôm nay cũng bắt đầu cuộc chiến mới giữa bóng đá Việt Nam và Thái Lan ở cấp độ Giải VĐQG. Thắng bại phải chăng cũng đã có câu trả lời.

V.League 2019 đã bắt đầu bằng sự nhạt nhoà khó tả. Thương hiệu giải đấu lọt thỏm giữa những cơn bão mạng khác.

V.League 2019 chìm nghỉm giữa những cơn bão truyền thông và sự thụt lùi trước người Thái - Ảnh 2.

Cuộc chiến mới giữa V.League và Thai League chính thức bắt đầu. Ảnh: Hiếu Lương.

Vòng 1 V.League 2019 đã khai màn từ thứ 5 với cuộc đối đầu giữa CLB Thanh Hoá và Becamex Bình Dương nhưng cho đến lúc này BTC giải vẫn còn quá nhiều thứ phải giải quyết. Nhiều người hâm mộ thậm chí còn không biết đến điều này và thực tế đã chứng minh, BTC SVĐ Thanh Hoá phải bắc loa thông báo kêu gọi khán giả vào sân.

Không khó để nhận ra, công tác truyền thông của BTC giải năm nay quá cập rập và sơ sài. Các CLB chểnh mảng trong việc làm hình ảnh trên mạng xã hội như Facebook, nơi người hâm mộ tìm kiếm thông tin nhiều nhất. Hà Nội FC, Than Quảng Ninh, CLB TPHCM, HAGL là những ngoại lệ hiếm hoi có sự chăm chút.

Nhiều người không biết lịch thi đấu, kênh truyền hình trực tiếp. Khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin dẫn tới hệ quả là những khán đài sẽ lại vắng teo dù hiệu ứng của các đội tuyển quốc gia thời gian quan tạo nên nhiều hy vọng.

V.League 2019 chìm nghỉm giữa những cơn bão truyền thông và sự thụt lùi trước người Thái - Ảnh 3.

Chiến thắng của Hà Nội FC trước Bangkok United vẫn chưa thể tạo hiệu ứng quá lớn ở cấp CLB. Ảnh: Hanoi Football Club.

Cũng trong ngày Thanh Hoá đấu B.Bình Dương, VPF mới chính thức ra mắt nhà tài trợ mới. Mọi thứ chỉ được hoàn thành trước trận khai mạc vài giờ đồng hồ. Sự việc này cũng là nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ của một loạt yếu tố liên quan đến vấn đề hình ảnh, từ logo giải đến những thứ nhỏ nhặt như trailer vốn gây ấn tượng ở mùa giải trước đó.

Hợp đồng của nhà tài trợ mới cho V.League có thời hạn 1 mùa và có điều khoản gia hạn thêm nếu giải đấu diễn ra hấp dẫn và thu hút thêm nhiều khán giả. Nhìn VPF "chạy ăn" từng mùa mới thấy chạnh lòng khi nhìn sang Thai League 1, họ thoải mái chuẩn bị khi bản hợp đồng trị giá 108 tỷ đồng/mùa với Toyota vẫn còn thời hạn đến hết năm 2020. Sự bền vững và dài lâu là điều những nhà tổ chức V.League chẳng cần học đâu xa xôi.