Học sinh hâm mộ Khá “Bảnh”: Làm gì để giới trẻ không “cuồng” nhân vật phản cảm?

Quang Huy, Theo Gia đình và Xã hội 11:45 06/04/2019

Khá “Bảnh” một nhân vật có những hành động phản cảm, vi phạm pháp luật nhưng lại được nhiều học sinh, giới trẻ hâm mộ, cổ súy. Nhiều phụ huynh, nhà giáo cho rằng đây là hiện tượng hết sức nguy hiểm, bởi nếu được thần tượng, nhiều học sinh sẽ học và làm theo, làm gia tăng bạo lực học đường, cách hành xử kiểu “giang hồ”.

Học sinh hâm mộ Khá “Bảnh”: Làm gì để giới trẻ không “cuồng” nhân vật phản cảm? - Ảnh 1.

Khá “Bảnh” trong vòng vây của học sinh Yên Bái dấy lên nhiều tranh luận về nhận thức của một bộ phận giới trẻ hiện nay hâm mộ nhân vật phản cảm. Ảnh: TL

Khi giang hồ làm thần tượng của giới trẻ

Cách đây không lâu, trên mạng xã hội Facebook, YouTube xuất hiện nhiều hình ảnh và video clip về Khá “Bảnh” (tức Ngô Bá Khá, cư trú tại Từ Sơn, Bắc Ninh) được đám đông học sinh khoác trên mình chiếc áo đồng phục chào đón như “siêu sao” tại Yên Bái. Tại đây, nhân vật Khá “Bảnh” lại gây bão khi được nhiều em học sinh, thậm chí cả người lớn tung hô, xin chữ ký, chụp hình chung. Đây cũng là nhân vật “đình đám” trên mạng xã hội với các video chửi tục, đánh đấm, dọa dẫm và thậm chí đốt xe máy, dàn hàng trên đường cao tốc để chụp ảnh.

Trước khi bị bắt vào ngày1/4, Khá “Bảnh” trở thành tâm điểm chú ý khi bị dư luận xã hội lên án mạnh mẽ, đặc biệt những đoạn clip ngập tràn trên mạng xã hội của nhân vật này khiến nhiều gia đình, trường học lo lắng khi học sinh tiêm nhiễm thói ngông cuồng, manh động. Nhất là sau một loạt vụ việc học sinh đánh “hội đồng” bạn học ở Hưng Yên, Nghệ An… Nỗi ám ảnh và nỗi lo về bạo lực học đường khiến nhiều người lo ngại về sự xuống cấp trầm trọng của lối sống và văn hóa ứng xử trong một bộ phận giới trẻ, đặc biệt là lứa tuổi học sinh - lứa tuổi vị thành niên, thanh niên có sự nhầm lẫn về nhân vật “giang hồ” nổi tiếng trên mạng xã hội ảo.

Lo lắng khi mới đây phát hiện con thường xem các clip của Khá “Bảnh” trên mạng xã hội, học những động tác múa, nói tục như trên các clip, chị Nguyễn Thu Hà (ở Kim Giang, Hà Nội) có con học lớp 7 chia sẻ: “Tôi cảm thấy khá sốc khi biết con mình thường xuyên xem các đoạn clip của Khá “Bảnh”, hành động và lời nói của nhân vật này rất phản cảm nhưng lại được giới trẻ tung hô, bắt chước. Tôi đã giải thích cho con, đồng thời cấm con xem các đoạn clip tương tự để không bị ảnh hưởng đến tâm lý, cũng như hành động thiếu chuẩn mực”.

Không chỉ phụ huynh, nhà trường lo lắng về hiện tượng giới trẻ hâm mộ nhân vật tai tiếng như Khá “Bảnh”, Tư lệnh ngành Giáo dục cũng băn khoăn trước thực trạng này. Chia sẻ với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, những người nổi tiếng hay ngay cả những tấm gương học sinh ngoan, giỏi, ưu tú đến trường để tuyên truyền, kêu gọi “nói không với bạo lực học đường” sẽ là giải pháp tốt. Nếu để những nhân vật như Khá “Bảnh” đến trường sẽ rất nguy hiểm, bởi dễ ảnh hưởng đến tính cách của các em.

Cần định hướng cho học sinh nhiều hơn

Liên quan đến thông tin một số trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái mời Khá "Bảnh" về giao lưu, chụp ảnh cùng đối tượng này, theo Sở GD&ĐT Yên Bái, ngày 14/3, Khá "bảnh" lên TP Yên Bái dự đám cưới của người quen ở một nhà hàng trên địa bàn TP Yên Bái. Thời điểm này đúng lúc học sinh tan trường, do đó, một số em trên địa bàn đã nhìn thấy Khá "bảnh" và có tiếp xúc, chụp ảnh với Khá "bảnh" tại đây.

Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái cũng đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT thành phố, các đơn vị tổ chức tuyên truyền những hành vi sai trái, lệch lạc của Khá "bảnh" để kịp thời chia sẻ nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh vào các buổi sinh hoạt đầu tuần và sinh hoạt lớp. Tổ chức tốt hoạt động tư vấn tâm lý trong trường học, công tác giáo dục kỹ năng sống, giáo dục hành vi, chuẩn mực đạo đức, ý thức tuân thủ pháp luật... Giúp học sinh có nhận thức đúng, biết lên án và tẩy chay những hành vi và biểu hiện trái đạo đức, trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật.

Dưới góc độ nhà trường, nhiều nơi chỉ ra thực tế một bộ phận học sinh hiện nay có suy nghĩ lệch lạc một phần từ việc thiếu hụt các kỹ năng sống. Theo cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), qua trao đổi với em học sinh, thấy học trò hiện nay rất cô đơn, dễ bị tác động bởi yếu tố xấu từ bên ngoài xã hội. Các em luôn cần được chia sẻ cả với gia đình và thầy cô. Ngay cả trong môi trường sư phạm cũng đang chú trọng dạy giáo viên tri thức nhiều hơn là dạy những kiến thức đào tạo về tâm lý, tư vấn tâm lý, giáo dục kỹ năng cho học trò.

Chia sẻ về giải pháp, cô Nguyễn Thị Nhiếp cho rằng: “Mỗi nhà trường phải chủ động nắm được tình hình, tâm sinh lý của học sinh mỗi năm, mỗi giai đoạn để có những phương pháp, biện pháp giúp học sinh. Chẳng hạn, cần tạo ra những hoạt động ngoại khóa hấp dẫn, tươi mới, nhằm kéo học sinh tham gia các hoạt động này và tránh xa tệ nạn xã hội. Gia đình, nhà trường cần phối hợp nhuần nhuyễn hơn để các em được trang bị kỹ năng sống đầy đủ hơn, được dạy đạo đức nhiều hơn. Có như thế mới xây dựng cho các em lối sống, suy nghĩ lành mạnh, không xảy ra bạo lực học đường”.

Thời gian qua, dư luận xã hội hết sức lên án mạnh mẽ những hành vi phản cảm, vi phạm pháp luật của nhân vật Khá “Bảnh”. Nhất là sau việc nhân vật Khá “Bảnh” xuất hiện tại Yên Bái được các em học sinh, thậm chí cả người lớn tung hô, xin chữ ký, chụp hình chung. Nhiều ý kiến chuyên gia, nhà quản lý giáo dục cho rằng, việc học sinh, sinh viên hâm mộ nhân vật “giang hồ” trên mạng xã hội là một hiện tượng hết sức báo động, thể hiện suy nghĩ lệch lạc, “cổ xúy” cho hành vi phản cảm, bạo lực.